06/09/2010 - 21:18

Nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè

Nguồn nước sạch và thức ăn dồi dào... thích hợp cho phát triển nuôi cá lồng bè trên biển ở Nam Du.

Nghề nuôi thủy sản lồng bè đang phát triển mạnh mẽ tại vùng biển Kiên Giang khi số lồng bè liên tục tăng hằng năm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000 lồng bè cá tập trung chủ yếu ở huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc. Đây được xem là một trong những nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển đảo. Không ít người đã trở thành tỉ phú trên các hòn đảo của Kiên Giang nhờ phát triển nghề này...

* “Nở nồi”...

Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè hình thành từ việc ngư dân ven biển đánh bắt cá thiên nhiên về nuôi vỗ béo trước khi đưa ra thị trường. Ngư dân chủ yếu nuôi cá có giá trị kinh tế cao, như: Cá bớp, cá múa sao (mú cọp), mú đen, hải sâm... Ngoài ra, nhiều hộ còn kết hợp nuôi vỗ béo cua, ghẹ và nhiều loại ốc khai thác từ thiên nhiên, để nâng giá trị sản phẩm. Ban đầu, chỉ vài chục hộ nuôi cá lồng tại các đảo trên vùng biển Kiên Giang, còn nay đã phát triển rộng vì cho hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa từ An Giang ra huyện Kiên Hải nuôi cá lồng bè, cho biết: “Mấy năm nay, giá cá tra liên tục trồi sụt, nuôi cá tra dễ thua lỗ, nên tôi ra đây để tìm cơ hội mới, quen với nghề này rồi, bỏ không được. Dù chuyển sang nuôi cá trên biển (cá bớp, cá mú) tuy ban đầu có nhiều khó khăn, nhưng tôi đã nhanh chóng làm quen được với loài thủy sản mới. Bây giờ, tay nghề đã khá hơn rồi, thu nhập cao hơn nuôi cá tra”. Theo chị Thoa và những người nuôi cá lâu năm ở Kiên Hải, nghề nuôi cá lồng bè trên biển khá đơn giản, cá ít khi bệnh nên đây là nghề “ăn chắc” của nhiều người trong suốt những năm qua. Lồng bè được làm từ các loại gỗ tốt, có thể sử dụng được hơn mười năm. Những người ít vốn thì làm riêng lẻ từng lồng; khi gặp thời tiết bất lợi, có mưa bão thì kết lại với nhiều lồng khác tạo thành bè lớn, giữ an toàn cho cá. Chí phí đầu tư cho mỗi lồng khoảng 20-30 triệu đồng, tùy theo mức đầu tư.

Thời gian nuôi kéo dài 8-10 tháng đối với cá con bắt từ thiên nhiên, 2-5 tháng đối với cá nuôi vỗ béo tùy kích cỡ. Tính bình quân, mỗi lồng phải đầu tư 60-100 triệu đồng/vụ nuôi nhưng mức lợi nhuận có thể đạt đến 40-60 triệu đồng/vụ. Vì thế, nghề nuôi cá lồng bè phát triển khá nhanh ở vùng biển Kiên Giang. Năm 2000, số lượng lồng bè nuôi cá trên biển không nhiều, nhưng hiện tại toàn tỉnh đã có gần 1.000 lồng bè chủ yếu ở các huyện Kiên Hải, Kiên Lương, Hà Tiên và Phú Quốc. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở quần đảo Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải, quần đảo này có đến 21 hòn đảo nằm gần nhau nên dù nằm ngoài khơi nhưng vùng biển này khá an toàn do được che chắn, giảm thiểu rủi ro khi mưa bão. Hơn nữa, Nam Du có môi trường nước sạch, không bị ô nhiễm, thích hợp cho nghề nuôi cá lồng bè theo hướng sinh thái.

Ông Đinh Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Du, cho biết: “Người dân ở hai xã đảo Nam Du và An Sơn khá giả nhờ vào nghề nuôi cá lồng bè trên biển. Hiện nay, có người sở hữu cả chục lồng, doanh thu đến vài tỉ đồng mỗi năm. Môi trường nước tốt, thức ăn chủ yếu được sử dụng các loại cá khai thác tại chỗ, người nuôi rất ít sử dụng thuốc, hóa chất trong quá trình nuôi thương phẩm. Cá nuôi lồng bè chỉ hạn chế về diện tích, nhưng vẫn giữ được môi trường thiên nhiên cho cá, nên rất được ưa chuộng tại các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc”. Trong hai năm trở lại đây, quần đảo này xuất hiện hàng chục lồng nuôi tôm hùm, mở ra hướng mới cho nghề nuôi thủy sản lồng bè ở địa phương. “Nuôi tôm hùm đòi hỏi môi trường nước trong lành, nguồn thực phẩm tươi, vùng biển này đáp ứng tốt hai điều kiện này. Thời gian tới, tôi sẽ phát triển quy mô nuôi và phổ biến cho người dân địa phương quy trình nuôi. Nhiều nước trên thế giới rất ưa tôm hùm nên nuôi không lo đầu ra”- anh Bùi Trung Nguyên, người tiên phong nuôi loại tôm “quý tộc” này chia sẻ.

* Cần định hướng phát triển cụ thể

Theo xu hướng thế giới, nghề nuôi nhân tạo cá biển phục vụ xuất khẩu là ngành mũi nhọn bên cạnh việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt xa bờ. Nhiều nước có biển trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Hong Kong, phát triển mạnh mẽ nghề này; chủ yếu là nuôi cá mú, cá bớp, cá cam, cá ngừ, cá chẽm, tôm hùm... Còn tại Việt Nam, nghề nuôi thủy sản lồng bè phát triển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Vùng biển Kiên Giang rộng trên 63.000 km2, có trên 140 đảo bao bọc, độ sâu khu vực các đảo trung bình khoảng 20-30 mét, sóng cao không quá 5 mét, không có sóng ngầm, ít bị ảnh hưởng của mưa bão... nên có điều kiện thuận lợi hơn khu vực vịnh Bắc Bộ và miền Trung. Bà Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay, Kiên Hải đang phối hợp với các ngành chức năng, nhà khoa học để quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 và 2020. Kiên Hải có các sách ưu đãi nhằm khuyến khích nhà đầu tư vào địa phương trên các lĩnh vực ươm, thuần con giống để cung cấp nguồn giống tại chỗ, mở rộng diện tích nuôi và đa dạng chủng loại”. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá lồng bè bền vững cần chiến lược phù hợp.

Trong chiến lược kinh tế biển, nghề nuôi cá lồng bè là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo, bởi giá trị kinh tế cao, thích hợp đưa vào xúc tiến thị trường xuất khẩu và phục vụ du lịch. Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang, đề xuất: “Hiện nay, việc xúc tiến thương mại cho nghề nuôi thủy sản lồng bè là điều cần thiết. Thủy sản nuôi lồng bè ở Kiên Giang rất được ưa chuộng trên thị trường, nhất là các thị trường lớn như TPHCM và các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Riêng thị trường nước ngoài chủ yếu do thương lái trong nước thu mua rồi bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi, doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh chưa quan tâm đến mặt hàng tươi sống này nên chưa có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và người nuôi. Vì thế, dù giá trị cao nhưng nghề nuôi thủy sản lồng bè vẫn chưa phát triển xứng tầm, chưa khai thác hết tiềm năng của nó”. Theo ông Thanh, trong thời gian tới, người nuôi và doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự phối hợp trong việc sản xuất và tiêu thụ, quản lý quy trình nuôi... để nâng cao giá trị và tiến tới xây dựng thương hiệu, để nghề nuôi phát triển bền vững hơn. Song song đó, địa phương cần có quy hoạch và chiến lược phát triển cụ thể, không để xảy ra ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến ngư trường-vùng nuôi rộng lớn này.

Bài, ảnh: Thành Nguyễn

Chia sẻ bài viết