12/11/2015 - 09:32

Nhiều thuận lợi cho người sử dụng đất khi thực hiện việc tách thửa

Trước đây, ở TP Cần Thơ, khi người sử dụng đất muốn tách thửa đất để thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tặng cho… thì bị hạn chế nhất định. Bởi, theo quy định, tương ứng với từng loại đất khác nhau thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng khác nhau. Còn nay, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 24-11-2014, quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn TP Cần Thơ (QĐ19), có hiệu lực từ ngày 5-12-2014 và thay thế các quyết định về việc quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trước đó của UBND thành phố. Sau thời gian thực hiện QĐ19, người sử dụng đất rất đồng tình, bởi vì họ được tạo nhiều thuận lợi hơn khi thực hiện việc tách thửa đất…

Quyết định 49/2009/QĐ-UBND ngày 7-9-2009 của UBND TP Cần Thơ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất (gọi tắt QĐ49) ra đời có ý nghĩa to lớn trong việc phát huy tối đa giá trị thửa đất, chống lại hiện tượng nhà siêu mỏng trong các đô thị và sự manh mún đất nông nghiệp. Đồng thời, phòng ngừa những giao dịch phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp. Theo đó, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với trường hợp phù hợp với quy hoạch, bao gồm: Đất ở (các phường, thị trấn của quận, huyện diện tích tối thiểu được tách thửa lớn hơn hoặc bằng 40m2; các xã của huyện diện tích tối thiểu được tách thửa lớn hơn hoặc bằng 60m2; đối với diện tích đất ở, ngoài mức diện tích đất tối thiểu quy định nêu trên, các thửa đất được phép tách thửa phải có bề rộng mặt tiền và chiều sâu của thửa đất ≥4m). Đất vườn, đất trồng cây lâu năm (các phường, thị trấn của quận, huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 200m2; các xã của huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 500m2). Đối với loại đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm (các phường, thị trấn của quận, huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 500m2. Các xã của huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 1.000m2). Năm 2011, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 9-9-2011 sửa đổi một số điều QĐ49, có quy định đất vườn, đất trồng cây lâu năm diện tích tối thiểu được phép tách thửa như sau: Các phường thuộc quận bằng hoặc lớn hơn 150m2; các thị trấn thuộc huyện bằng hoặc lớn hơn 200m2; các xã thuộc huyện bằng hoặc lớn hơn 300m2. Đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản: Các phường, thị trấn thuộc quận, huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 500m2; các xã của huyện diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 1.000m2.

Cán bộ Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất quận Ninh Kiều đang tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Ninh Kiều là quận trung tâm của TP Cần Thơ, người dân ở các quận, huyện của thành phố cũng như ở các tỉnh lân cận đến học tập, lao động và sinh sống trên địa bàn khá đông. Do đó, nhu cầu về chỗ ở ngày một tăng. Một số người dân gặp khó do không đủ diện tích tối thiểu để được tách thửa theo quy định, như trường hợp của ông Nguyễn Đức Sơn và bà Trương Thị Cúc, ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Năm 2012, ông Sơn, bà Cúc quyết định chuyển đến làm ăn, sinh sống tại Ninh Kiều, Cần Thơ, khi đó, do kinh tế hạn hẹp, ông bà mua được một miếng đất vườn chỉ vỏn vẹn chưa đầy 60m2, ông bà tiến hành việc tách thửa, để làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hồ sơ bị ách lại, vì không đủ điều kiện theo quy định. Vì thế, ông Sơn, bà Cúc và một số người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lân cận thỏa thuận cùng nhau đứng tên trên một thửa đất, thỏa mãn diện tích tối thiểu để được tách thửa. Ông Sơn cho biết: "Hồi đó, 4 người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lân cận tự thỏa thuận cho tôi đại diện (cho một nhóm người sử dụng đất) đứng tên sử dụng đất, diện tích 270m2; sau đó, hồ sơ của chúng tôi được xem xét, giải quyết tách thửa, rồi làm hợp đồng chuyển nhượng và được cấp Giấy chứng nhận". Trường hợp như của ông Sơn, bà Cúc không hiếm.

Đến năm 2014, UBND TP Cần Thơ đã ban hành QĐ19 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn thành phố. Theo đó, diện tích tối thiểu được tách thửa như sau: Đất ở tại các phường, thị trấn (bằng hoặc lớn hơn 40m2); đất ở tại các xã (bằng hoặc lớn hơn 60m2). Thực hiện QĐ19, nhiều người sử dụng đất rất đồng tình. Bà Tô Thị Kim Ánh, ở phường An Lạc, quận Ninh Kiều, cho biết: "Tôi vừa hoàn thành xong thủ tục chuyển nhượng 120m2 đất vườn và cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tôi rất đồng tình với quy định tại QĐ19, bởi đây là quy định tạo thuận lợi cho người sử dụng đất, khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất". Còn theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Ninh Kiều, thực hiện QĐ19, số hồ sơ thực hiện việc tách thửa trên địa bàn phát sinh khá nhiều. Do QĐ19 không quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất vườn là bao nhiêu, nên chúng tôi vận dụng giải quyết hồ sơ cho người dân, nhưng diện tích tối thiểu cũng không dưới 40m2 và các điều kiện khác giống nhau tách thửa đối với đất ở.

Không riêng gì quận Ninh Kiều, nhiều quận, huyện khác cũng đã tổ chức thực hiện QĐ19. Ông Nguyễn Văn Nguyệt, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, phấn khởi: "Trước đây, cha mẹ tôi cho một nền nhà nằm cặp lộ giao thông nông thôn, diện tích khoảng hơn 100m2, đất ruộng. Tôi vừa hoàn thành xong thủ tục tách thửa, được cấp giấy chứng nhận". Bà Lê Thị Mộng Vân, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cờ Đỏ, cho biết: "QĐ19 được ban hành thay thế các văn bản trước đây về diện tích tối thiểu tách thửa. Tuy nhiên, quyết định này chỉ quy định diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất ở, không quy định với đất nông nghiệp. Tạo thuận lợi cho người sử dụng đất khi có yêu cầu tách thửa đối với đất nông nghiệp, nhưng khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc quản lý việc sử dụng đúng mục đích sử dụng đất của người dân, vì đa phần việc tách thửa đất nông nghiệp diện tích nhỏ là những trường hợp có nhu cầu đất ở nhưng khó khăn kinh tế không chuyển mục đích sử dụng đất".

Như vậy, UBND thành phố ban hành QĐ19 là kịp thời, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người sử dụng đất, đảm bảo thực hiện quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ở các quận, huyện chưa thực hiện thống nhất trong việc tách thửa, nhất là đối với đất vườn và đất trồng lúa. Thiết nghĩ, ngành chức năng thành phố cần có hướng dẫn để tránh gây ra những hệ quả lâu dài, cũng như đảm bảo tính thống nhất trong giải quyết diện tích tối thiểu tách thửa trên địa bàn thành phố…

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết