07/10/2018 - 09:24

Nhiều thành phố lớn trên thế giới trước nguy cơ bị lũ lụt tàn phá 

Tổ chức từ thiện Christian Aid trong báo cáo mới đây về khoa học khí hậu cảnh báo, các thành phố lớn như Luân Đôn (Anh), Thượng Hải (Trung Quốc), Houston (Mỹ) cũng như nhiều thành phố đang chìm khác trên thế giới sẽ phải đối mặt với bão, lũ lụt do hậu quả của sự ấm lên toàn cầu.

Báo cáo cho biết, mối đe dọa ngày càng gia tăng bởi các nhà quy hoạch của những thành phố nói trên không có những giải pháp mang tính thiết thực. Do đó, Christian Aid kêu gọi chính phủ các nước phải đầu tư “lớn” cho việc giảm thiểu rủi ro lũ lụt để cứu những thành phố này. “Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ được nhận thấy trên toàn thế giới. Nhiều thành phố đang phát triển sẽ chịu tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu, vì vậy họ cần được hỗ trợ để thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi” - Kat Kramer, người đứng đầu quỹ khí hậu toàn cầu tại Christian Aid, cho biết.

Đường phố Houston chìm trong nước khi bão Harvey kéo đến hồi tháng 8-2017. Ảnh: AFP

Lời kêu gọi của Christian Aid được đưa ra ngay trước thềm công bố một báo cáo lớn của Liên Hiệp Quốc nhằm thúc giục các chính phủ tăng cường các nỗ lực để hạn chế sự gia tăng của nhiệt độ toàn cầu. Theo AFP, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu  (IPCC) sẽ đánh giá tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đó cũng là mục tiêu đầy tham vọng đối với các nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nhằm làm giảm sự nóng lên của toàn cầu ở mức “dưới 2 độ C” vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, kể cả khi giữ thế giới trong phạm vi tăng nhiệt độ đó thì sự nóng lên toàn cầu vẫn sẽ tạo ra tác động thảm khốc đối với các thành phố ven biển khi mà nhiều nghiên cứu cho thấy mức tăng 2 độ C sẽ có thể làm tăng mực nước biển toàn cầu lên tới 0,5 mét. Do đó, các thành phố như Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Lagos (Nigeria), Manila (Philippines), Dhaka (Bangladesh), Thượng Hải, Houston và Luân Đôn vốn là nơi sinh sống của 100 triệu người có nguy cơ cao chìm trong biển nước.

Trong báo cáo, Christian Aid đã nêu bật một loạt các yếu tố tại địa phương góp phần khiến cho một số thành phố chìm đi nhanh chóng, trong đó phần lớn là do con người. Christian Aid  cho biết, Jakarta, một thành phố với 10 triệu người sinh sống và là nơi giao nhau của 13 con sông, có một nửa dân số không có nước máy sử dụng, vì vậy nhiều người đã khai thác các giếng bất hợp pháp để tìm nguồn nước ngầm, từ đó tạo áp lực lớn lên đất vốn không thể phục hồi nhờ mưa khi mà gần như hầu hết diện tích thành phố này bị nhựa đường và bê tông bao phủ. Ước tính, Jakarta mỗi năm chìm xuống khoảng 25 cm.

Ở Houston, những nỗ lực nhằm cung cấp nước sạch cho lượng dân số ngày càng tăng đã khiến đất bị lún dần. Tác động này được cho còn tồi tệ hơn cả những gì mà mực nước biển dâng cao hay ngập lụt do bão mang lại. Còn tại Bangkok, các tòa nhà chọc trời đang đè nặng thành phố này trong khi Luân Đôn chìm dần vì lý do địa chất.

Trước tình hình trên, bà Kramer cho rằng các cơ sở hạ tầng lớn như Đập sông Thames của Luân Đôn có thể giúp giảm thiểu thiệt hại của biến đổi khí hậu, đồng thời khuyến khích chính phủ các nước phát triển khả năng bảo vệ của tự nhiên. “Một điều đáng chú ý trong thảm họa sóng thần châu Á năm 2004 là những khu vực trồng cây đước có khả năng chống chọi trước thảm họa. Các biện pháp tự nhiên có thể giúp ích bằng nhiều cách nếu chúng còn nguyên vẹn” – bà Kramer dẫn chứng.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lũ lụt