04/11/2008 - 09:00

Xung quanh việc quản lý, sử dụng cụm dân cư vượt lũ ở TP Cần Thơ

Nhiều sai phạm, tiêu cực

Báo Cần Thơ số ra ngày 19 và 20-10-2008, có đăng loạt bài “Xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL: Tháo gỡ khó khăn để phát huy hiệu quả” phản ánh những kết quả bước đầu và những khó khăn, thách thức trong xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (CTDCVL) ở ĐBSCL. Sau gần 7 năm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng CTDCVL tại 8 tỉnh, thành ĐBSCL, đã có hơn 100 ngàn hộ dân được vào ở trong CTDCVL cao ráo, ổn định. Tại TP Cần Thơ, từ năm 2001 đến nay, Trung ương và thành phố đã đầu tư hơn 31 tỉ đồng để xây dựng 24 CTDCVL, đến nay đã có hơn 2.500 hộ vào ở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, sử dụng CTDCVL ở TP Cần Thơ còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, thậm chí sai phạm, tiêu cực, gây bất bình trong nhân dân...

“Ngâm” hồ sơ, sai đối tượng

Bốn năm trước, khi hay tin Cụm dân cư vượt lũ (CDCVL) xã Trường Xuân, huyện Cờ Đỏ, đưa vào sử dụng, tổ chức bình xét, chọn hộ dân vào ở, ông Trương Văn Dũng, ở ấp Phú Thọ mừng lắm. Bởi vì, từ khi lập gia đình đến nay, vợ chồng ông chỉ che tạm căn chòi lá trên phần đất của người em ở tạm. Hai vợ chồng ông không ruộng đất, sống bằng nghề làm mướn, tiền làm ra chỉ đủ lo cho miếng ăn hàng ngày, không dư dả để có thể cất căn nhà đàng hoàng che nắng, che mưa. Ông Dũng nhờ cán bộ ấp, xã hướng dẫn hồ sơ, để kê khai, nộp đơn, với hy vọng sẽ có một mái nhà cao ráo, ổn định, chấm dứt cảnh nơm nớp lo khi mùa lũ đến. Thế mà hết đợt xét này, đến đợt xét khác, ông Dũng chẳng thấy có tên trong danh sách. Ông Dũng không nhớ nổi trong từng ấy năm, ông đã bao lần đến chính quyền, để hỏi thăm việc bình xét hồ sơ của gia đình. “Tôi đến ấp hỏi, Trưởng ấp nói đã lập danh sách gửi hồ sơ về xã. Đến xã hỏi thì bảo ấp chưa chuyển hồ sơ lên. Tôi mạnh dạn đến hỏi Chủ tịch xã, thì được cho biết, đợt bình xét năm sau sẽ quan tâm đến hồ sơ của tôi. Tôi không biết mình phải chờ đến bao giờ mới được cấp nhà vượt lũ?”.

Hiện tại, ông Dũng không còn nhà để ở, vì căn nhà lá ở đậu trên phần đất của người em đã bị lấy lại. Không còn chỗ ở, bức xúc quá vợ chồng ông Dũng dắt nhau vào CDCVL xã Trường Xuân che bạt ở tạm trong một căn nhà thi công dang dở. Ông Dũng nghẹn ngào: “Tôi biết làm vậy là vi phạm, nhưng không làm thế thì vợ chồng tôi biết đi đâu bây giờ. Tôi mong chính quyền thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình tôi, sớm xem xét, cấp nhà vượt lũ, giảm bớt nỗi nhọc nhằn, lo sợ khi mưa lũ”.

Trao đổi vấn đề này, ông Bùi Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Ông Trương Văn Dũng là hộ nghèo có sổ, nhà ở tạm bợ trong vùng ngập lũ, đủ tiêu chuẩn để xét, đề nghị huyện cấp nhà trong CDCVL xã. Hồ sơ của ông Dũng được xã xét ngay từ đợt đưa dân vào CDCVL đợt I, nhưng do hồ sơ ông Dũng còn thiếu giấy tờ hộ khẩu nên bị đình lại, chờ bổ sung, sẽ xét vào đợt II. Thế nhưng, do nhiều hồ sơ quá, nên xã chưa xét kịp thời cho hộ ông Dũng. Trong đợt tới, xã sẽ ưu tiên xem xét hồ sơ của ông Dũng, lập danh sách đề nghị huyện giải quyết theo quy định”.

Trong khi hồ sơ của ông Dũng đủ điều kiện, nhưng nhiều năm qua chưa được xét, thì hộ ông Nguyễn Minh Lâm, ở ấp Thới Ninh (đã có nhà ở riêng do cha mẹ cho) là con trai của ông Nguyễn Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã, lại được đưa vào danh sách và đã được huyện Ô Môn (cũ) cấp nền nhà ngay đợt xét đầu tiên vào năm 2003 (số nền nhà được cấp là 160). Hộ ông Nguyễn Minh Lâm không thuộc đối tượng ưu tiên được xét cấp nền: không phải là hộ nghèo, không khó khăn về nhà ở hoặc chỗ ở tạm bợ. Vì thế, khi được cấp nhà, ông Nguyễn Minh Lâm không sử dụng để ở mà cho thuê kiếm tiền.

Tại ấp Phú Thọ, thời gian qua việc chọn đối tượng vào CDCVL còn xảy ra tình trạng cán bộ ấp vòi vĩnh, nhận tiền của hộ dân, để đưa tên vào danh sách bình xét cấp nền nhà trong CDCVL. Đó là trường hợp ông Phan Văn Quang, nguyên Trưởng ấp, Chi ủy viên Chi bộ ấp Phú Thọ. Ông Quang đã nhận của hộ Trần Thị Phượng (người dân trong ấp) 1,5 triệu đồng, hứa tìm cách giúp bà Phượng được cấp nền nhà trong CDCVL xã. Hành vi này của ông Quang đã bị nhân dân tố cáo và Đảng ủy, UBND xã Trường Xuân đã buộc ông Quang trả lại tiền cho bà Phượng, cách chức chi ủy viên, cảnh cáo về mặt chính quyền và không cho ứng cử trưởng ấp trong đợt bầu cử vừa qua.

Ông Bùi Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, thừa nhận: “Đây là thiếu sót trong chỉ đạo về công tác bình xét, chọn đối tượng vào CDCVL của UBND xã. UBND xã đã họp chấn chỉnh chung trên toàn địa bàn, đồng thời, chỉ đạo cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, bình xét, chọn đối tượng đúng quy trình, công khai, nghiêm cấm hiện tượng vị nể con cán bộ hoặc nhận tiền để “chạy nhà” CDCVL”.

Còn ở huyện Vĩnh Thạnh, CDCVL số 10 xã Thạnh Mỹ (thuộc địa bàn xã Thạnh Mỹ trước đây, nay là thị trấn Vĩnh Thạnh) đưa vào sử dụng năm 2004. Hộ chị Nguyễn Thị Thúy Liễu được xét cấp một nền nhà trong CDCVL này, nhưng sau đó, việc giải quyết cấp nền nhà này phát sinh một số vấn đề, dẫn đến khiếu nại. Tại cuộc họp giải quyết khiếu nại ngày 20-9-2006, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã thống nhất việc xét cấp nhà trong CDCVL cho hộ chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, nội dung như sau: “Xét hộ bà Nguyễn Thị Thúy Liễu trước đây có nhà ở tạm trên đất của người khác đã bị giải tỏa nhà xây dựng CDCVL xã Thạnh Mỹ, hoàn cảnh nghèo, không còn đất ở nơi khác, nay thống nhất giao cho Hội đồng xét duyệt bố trí vào trong CDCVL xã Thạnh Mỹ”. Thế nhưng, từ đó đến nay, chị Liễu vẫn chưa được giải quyết cấp nền nhà. Nhiều lần chị Liễu thắc mắc với chính quyền huyện Vĩnh Thạnh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Phải chờ!

Hiện tại, gia đình chị Liễu (gồm hai vợ chồng và 1 đứa con) phải ở đậu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chị Liễu than thở: “Khi được xem xét cấp nền, gia đình mừng lắm. Tuy nhiên, chờ mãi mà chẳng được nhận nền nhà, tôi rất băn khoăn. Tôi mong chính quyền quan tâm đến khó khăn của gia đình hiện nay, tạo điều kiện để tôi có chỗ ở ổn định, an tâm làm ăn”. Trao đổi vấn đề này, ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện sẽ kiểm tra lại hồ sơ, chỉ đạo bộ phận chức năng xem xét nội dung phản ánh của gia đình chị Liễu, để có biện pháp giải quyết”.

CDCVL biến thành... khu tái định cư!

Ở CDCVL xã Trường Xuân còn xảy ra tình trạng cấp nền nhà CDCVL cho đối tượng... tái định cư. Theo báo cáo của UBND xã Trường Xuân, hiện tại có 6 hộ dân ở ấp Trường Thọ, Phú Thọ, được xét cấp nền nhà tái định cư trong CDCVL (chỉ dành cho những người nghèo, không có nhà hoặc nhà ở tạm bợ trong vùng ngập lũ), gồm các hộ: Trần Văn Huệ, Nguyễn Thị Mười, Võ Văn Hài, Lê Thị Hồng Thông, Nguyễn Hoàng Bá, Trần Văn Sự.

Ông Trương Văn Dũng, ở ấp Phú Thọ (đã nộp hồ sơ nhiều năm vẫn chưa được xét duyệt cấp nền nhà CDCVL) dọn dẹp một căn nhà trong CDCVL xã Trường Xuân bỏ dở thi công, để về ở tạm vì không còn chỗ ở nào khác.
Ảnh: THANH NHỊ. 

Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo xã Trường Xuân và huyện Cờ Đỏ, chúng tôi nhận được các ý kiến không thống nhất. Ông Bùi Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, cho biết: “Các hộ này có nhà trên phần đất quy hoạch xây dựng một số dự án đã bị buộc tháo dỡ, không được bồi thường quyền sử dụng đất, vật kiến trúc mà chỉ được hỗ trợ tiền di dời. Khi giải tỏa, huyện chỉ đạo vận động hộ dân di dời và thống nhất hỗ trợ nền tái định cư trong CDCVL xã, để người dân có chỗ tái định cư, ổn định cuộc sống. Việc xét cấp nhà trong CDCVL cho các hộ này, xã chỉ lập danh sách, còn việc quyết định cấp là do UBND huyện”. Còn bà Ngô Hoàng Yến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cờ Đỏ, lại cho rằng: “Về nguyên tắc, việc tái định cư chỉ được giải quyết cấp nền trong quỹ đất dành để bố trí tái định cư, chứ không phải cấp nền nhà trong CDCVL. Vấn đề này, huyện sẽ xem xét lại, để có hướng xử lý đúng theo quy định”.

Tại huyện Thốt Nốt, mặc dù chỉ được đầu tư xây dựng 1 CDCVL tại xã Trung Thạnh (xây dựng năm 2003, kinh phí hơn 6,6 tỉ đồng) có 128 nền, nhưng khi xây dựng hoàn chỉnh, bố trí đưa người dân vào ở thì CDCVL này lại biến thành... khu tái định cư của huyện! Theo các quyết định phê duyệt đưa hộ dân vào ở trong CDCVL xã Trung Thạnh của UBND huyện Thốt Nốt, gồm: Quyết định số 255/QĐ-UBND, ngày 24-2-2006 (phê duyệt 14 hộ) và Quyết định số 2334/QĐ-UBND, ngày 31-8-2006 (phê duyệt 8 hộ), tổng cộng chỉ vỏn vẹn có 22 hộ, tương đương 22 nền nhà được cấp cho đối tượng “vượt lũ”, trong đó có 21 hộ dân ở xã Trung Thạnh và 1 hộ dân ở xã Thới Thuận. Còn lại 106 nền, thì huyện chỉ đạo bán đấu giá 33 nền; 66 nền khác được cấp cho hộ dân tái định cư, do có nhà đất bị giải tỏa để thực hiện một số dự án (do UBND huyện làm chủ đầu tư); còn lại 7 nền. Ông Phạm Đình Hóa, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thốt Nốt, cho biết: “Số nền còn lại này, UBND huyện đã có tờ trình xin chủ trương UBND thành phố cho chuyển sang nền thương mại để bán đấu giá, vì hiện nay huyện không còn hộ dân thuộc đối tượng vượt lũ”.

Trong khi đó, theo báo cáo số liệu hộ nghèo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thốt Nốt, trên địa bàn huyện còn hơn 2.810 hộ nghèo, trong đó nhiều nhất là xã Trung Thạnh (515 hộ); Trung Kiên (418 hộ), Thới Thuận (351 hộ). Ông Chung Khánh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, còn cho biết thêm: “Hiện nay tại ấp Vĩnh Nhuận, xã Thới Thuận còn 35 hộ dân tộc Khmer nghèo, không có đất cất nhà, hiện sống trong vùng thường xuyên bị ngập lũ, có nhu cầu về nhà ở. Những hộ dân này đủ điều kiện để cấp nhà trong CDCVL Trung Thạnh, nhưng hiện nay không còn nền, nên huyện sẽ hỗ trợ nhà ở theo phương án vận động người dân đóng góp, cộng với vốn hỗ trợ nhà ở của Chương trình 134 để xây cất nhà trong năm 2009”.

Trả lời về vấn đề nhà trong CDCVL lại bố trí cho người tái định cư vào ở, lãnh đạo UBND huyện Thốt Nốt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện vòng vo, đổ lỗi cho cán bộ tiền nhiệm (nay đã chuyển công tác hoặc nghỉ việc). Đồng thời, cho rằng việc bố trí này xong lâu rồi, đã được quyết toán và hộ dân vào ở CDCVL cũng đã ổn định cuộc sống... Công tác lưu hồ sơ của việc giải quyết bố trí sai đối tượng vào CDCVL cũng không được lưu tâm. Khi chúng tôi đề nghị được cung cấp văn bản có liên quan đến việc bình xét, chọn đối tượng vào CDCVL xã Trung Thạnh, các cơ quan liên quan của huyện Thốt Nốt đã tỏ ra lúng túng, bởi không biết hiện giờ hồ sơ này ở đâu, nên không thể cung cấp!

Chung quanh vấn đề sử dụng CDCVL xã Trung Thạnh làm khu tái định cư của huyện Thốt Nốt, Sở Xây dựng, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CDCVL trên địa bàn thành phố, cho rằng về nguyên tắc, khi chuyển đổi mục đích từ CDCVL thành khu tái định cư, phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mới được chuyển đổi. Nếu chưa có chủ trương cho chuyển đổi mà huyện Thốt Nốt đã sử dụng CDCVL để bố trí tái định cư là chưa đúng, cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.

***

Xây dựng CDCVL ở ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng là một chủ trương đúng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng ngập lũ. Thực tế, đã có hàng ngàn hộ dân ở TP Cần Thơ đã được cấp nhà ở cao ráo, khang trang trong CDCVL, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, một số nơi, do việc giám sát, kiểm tra, quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ, sai đối tượng, gây bất bình trong nhân dân về chủ trương xây dựng CDCVL. Thiết nghĩ, thành phố cần có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này, tạo điều kiện để người dân trong vùng ngập lũ được hưởng những ưu đãi về nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống.

Điều tra: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết