27/12/2017 - 09:29

Nhiều nước muốn dời sứ quán tới Jerusalem? 

Sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely hôm 25-12 cho biết Tel Aviv đã tiếp xúc với ít nhất 10 quốc gia để thảo luận về khả năng di dời đại sứ quán của họ đến vùng thánh địa này.

Nói trên đài phát thanh, Thứ trưởng Hotovely tiết lộ trong số 10 quốc gia kể trên có một vài nước châu Âu. Tuy bà Hotovely không xác định, nhưng các nguồn tin ngoại giao Israel cho hay Honduras, Philippines, Romania và Nam Sudan là những nước đang cân nhắc việc di dời đại sứ quán. Thông tin này được đưa ra sau khi Guatemala cho biết sẽ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv sang Jerusalem. Theo Thứ trưởng Hotovely, quyết định trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump về quy chế Jerusalem đang “tạo ra một làn sóng” với những động thái như Guatemala và tất cả những gì nhìn thấy chỉ mới là “sự khởi đầu”.

Thành phố cổ Jerusalem. Ảnh: Getty Images

Năm 1967, Israel chiếm Dải Gaza, cao nguyên Golan, bán đảo Sinai và vùng Bờ Tây sông Jordan bao gồm Đông Jerusalem sau “cuộc chiến 6 ngày”. Nhưng chủ quyền của Israel, đặc biệt đối với Jerusalem, chưa bao giờ được quốc tế công nhận và tất cả quốc gia đều đặt đại sứ quán của họ tại Tel Aviv. Nhưng đầu tháng 12 vừa qua, Tổng thống Trump bất ngờ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Phản đối động thái này, 128 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết  hôm 21-12 bác bỏ tuyên bố gây tranh cãi của Washington và khẳng định tình trạng của Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán.

Trước cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Trump đã cảnh báo cắt viện trợ tài chính những quốc gia ủng hộ nghị quyết của LHQ, tức đi ngược lại quyết định của Mỹ. Hiện chưa rõ ông Trump có thực sự “trả đũa” những nước phản đối hay không, nhưng đối với ngân sách hoạt động của LHQ trong tài khóa 2018-2019, Washington cho biết sẽ cắt giảm 285 triệu USD. Mỹ đang là thành viên tài trợ nhiều nhất cho ngân sách của LHQ với 22%, tương đương 3,3 tỉ USD mỗi năm.

Theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley, “sự kém hiệu quả và chi tiêu quá tay” của LHQ đã quá rõ ràng và Washington sẽ không tiếp tục để “sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng hoặc thiếu kiểm soát”. Bà này cho rằng cắt giảm ngân sách là “bước đi đúng hướng” vì một LHQ hiệu quả và có trách nhiệm hơn. Về sau, Washington sẽ tiếp tục xem xét những cách thức để vừa tăng cường tính hiệu quả của LHQ vừa bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên bà Haley sử dụng đòn bẩy tài chính để buộc LHQ đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Nhưng theo giới phê bình, cách tiếp cận “cưỡng chế” của chính quyền Trump đối với LHQ có thể chống lại chính nước Mỹ.

Na Uy hạn chế tài trợ tổ chức phi chính phủ bài Israel

Trích tuyên bố của Chính phủ Na Uy, kênh i24news của Israel ngày 25-12 đưa tin Oslo sẽ không tiếp tục hỗ trợ những tổ chức phi chính phủ (NGO) A-rập Palestine bị cho là thúc đẩy chính sách bài Do Thái. Tuyên bố cũng nêu rõ quan điểm của Na Uy, đó là ủng hộ đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin như một phần của giải pháp chấm dứt xung đột giữa Israel-Palestine.

Tuyên bố của Na Uy được đưa ra 3 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết nước này sẽ cắt giảm ngân quỹ và thắt chặt điều kiện viện trợ cho một số tổ chức phi chính phủ A-rập Palestine. Quyết định dựa trên một cuộc điều tra cho thấy hoạt động của một số NGO mang tính chất chống Israel.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết