01/03/2015 - 16:35

Nhiều niềm vui đến từ Trung Thành

Anh Trần Công Khanh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, khoe: “Trung Thành giờ thay đổi lắm. Mừng nhất là đời sống đồng bào Khmer khởi sắc hẳn lên”.

Thay đổi đầu tiên là chánh điện chùa Hạnh Phúc tăng uy nghi vừa hoàn thành vàng rực giữa sắc xanh của hàng cây dầu cao lớn, mút tầm mắt. Chùa Hạnh Phúc tăng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Khmer xã Trung Thành và một số xã lân cận. Theo nhiều bà con Khmer ở địa phương, nhiều năm qua, chùa Hạnh Phúc tăng là điểm tựa về tinh thần cho nhiều hộ đồng bào Khmer vượt khó, thoát nghèo. Chị Đào Thị Thùy Trang, ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, cho biết: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn, sư ở chùa Hạnh Phúc tăng khuyên nhủ chăm chỉ làm ăn mà vợ chồng tôi cùng nhau cố gắng vươn lên thoát nghèo. Chẳng những xây được nhà mà tôi còn mua được mấy công ruộng”. Nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm 2014, xã Trung Thành có 46 hộ thoát nghèo. Anh Trần Công Khanh cho biết: “Xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện đào tạo 2 lớp nghề đan se lõi lác, 1 lớp nấu ăn và giới thiệu việc làm cho 220 lao động ở địa phương”.

 Đoạn đường mới hoàn thành từ Chùa Hạnh Phúc tăng đến ấp Xuân Minh I.

Trung Thành là một trong những xã có hạ tầng cơ sở thuộc diện khó khăn của huyện Vũng Liêm. Đường sá nhỏ hẹp, sình lầy vào mùa mưa… Vì vậy, chuyện học sinh bỏ học, sản phẩm nông sản của bà con ở các ấp xa khó tiêu thụ là điều thường xuyên xảy ra trước đây. Xác định được vai trò của hạ tầng cơ sở trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương nên Đảng ủy, UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng một cách chi tiết và đồng bộ. Đầu tiên là hệ thống trường lớp từng bước được kiên cố hóa từ mầm non đến THCS. Kế đến là xây dựng Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Trường học, trạm y tế hoàn thành là lúc chợ Trung Thành cũng được khởi công xây dựng. Chị Đào Thị Hồng, ấp Xuân Minh II, nói: “Trước đây, nhà lồng chợ nhỏ xíu, hết buổi chợ sáng là không còn ai mua bán gì. Bây giờ, chợ mới có nhà lồng chợ khang trang, sạch đẹp, có nhiều lô mua bán đầy đủ hàng hóa, không cần phải ra chợ huyện nữa”.

Ngoài các tuyến đường ở ấp Xuân Minh II, ấp Tân Xuân, ấp An Nhơn, ấp An Trung được lót đan, tuyến đường nhựa phẳng lì từ Chùa Hạnh Phúc tăng đến ấp Xuân Minh I cũng đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại mua bán. Đặc biệt, các tuyến đường mới này đã giúp học sinh đến trường thuận lợi, góp phần làm giảm tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn xã. Anh Khanh cho biết thêm: “Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, chúng tôi yêu cầu các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có kế hoạch vận động, giúp đỡ học sinh trở lại trường. Em nào thiếu tập thì hỗ trợ tập, em nào thiếu quần áo thì hỗ trợ quần áo… Không để học sinh vì nghèo mà bỏ học. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tổng nguồn quỹ vận động cho khuyến học ở địa phương trên 200 triệu đồng”.

Bây giờ, trở lại Trung Thành, nhiều người phải ngạc nhiên trước những chuyển biến về hạ tầng cơ sở. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã trở nên khang trang hơn. Từ đó, đời sống kinh tế của bà con nói chung và bà con dân tộc Khmer nói riêng đã thay đổi rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 23 triệu đồng/ người/ năm. Đi cùng với những tuyến đường đan, đường nhựa vào sâu trong các ấp là hệ thống nước sạch, điện an toàn đến tận nhà của người dân. Anh Khanh phấn khởi, nói: “Năm 2014, 9/9 ấp của xã Trung Thành đều giữ vững và đang từng bước phát huy vai trò của ấp văn hóa. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh và đều khắp. Đội cầu lông của xã Trung Thành cũng là một trong những đội mạnh, đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba khi tham gia hội thao do huyện Vũng Liêm tổ chức. Xã Trung Thành cũng đã xây dựng được câu lạc bộ dưỡng sinh và duy trì tập luyện nhiều năm qua”.

Với xuất phát điểm là một xã nghèo thì những thay đổi trong đời sống kinh tế- xã hội của xã Trung Thành trong vài năm trở lại đây là nỗ lực lớn của lãnh đạo địa phương. Và đó là điều rất đáng biểu dương.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết