22/07/2009 - 20:14

Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều lực cản trong thu hút dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài

Xưởng may của Công ty TNHH Kwong Lung-Meko (TP Cần Thơ).
Ảnh: THU HÀ

Trong 6 tháng đầu năm 2009, một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không thu hút thêm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới và giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của các ngành chức năng, tốc độ thu hút FDI những tháng cuối năm sẽ tiếp tục chậm và gặp khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi mạnh.

TIẾN ĐỘ THU HÚT FDI GIẢM

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 19-6-2009, toàn vùng ĐBSCL có 434 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký trên 7,66 tỉ USD. Long An dẫn đầu với 270 dự án, vốn đăng ký hơn 2,91 tỉ USD, TP Cần Thơ 50 dự án vốn đầu tư hơn 688,6 triệu USD. Tuy nhiên, số dự án FDI đầu tư mới của Long An giảm, chỉ cấp mới 13 dự án (giảm 48% so với cùng kỳ), vốn đầu tư hơn 30,3 triệu USD (giảm 86,8% so với cùng kỳ). Riêng 5 tháng đầu năm 2009, ngoài Long An chỉ có 4 địa phương trong vùng thu hút thêm dự án đầu tư mới, gồm: Hậu Giang 1 dự án, Trà Vinh 2 dự án, TP Cần Thơ 1 dự án và Bến Tre 1 dự án, vốn đăng ký bình quân khoảng 1 triệu USD/dự án.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tỉnh chỉ cấp mới 1 dự án FDI vốn hơn 1 triệu USD, đầu tư vào nuôi trồng thủy sản. Kinh tế suy giảm, các doanh nghiệp giảm đầu tư mới và chỉ tập trung vào dự án cũ cùng với nâng cao năng lực chế biến hiện tại”. Theo ông Sơn, thu hút FDI giảm do những ưu đãi đầu tư của các địa phương không khác so với trước nên DN cũng chần chừ. Thị trường của doanh nghiệp FDI cũng sụt giảm đáng kể, như ngành may mặc, chế biến nông sản do thiếu hợp đồng mới, cụ thể như mặt hàng cơm dừa bị ảnh hưởng bởi sức cầu yếu từ thị trường Trung Đông và châu Mỹ... Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 22 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký 152 triệu USD.

Còn tỉnh Kiên Giang hiện có 410 dự án đầu tư, vốn đăng ký khoảng 201.000 tỉ đồng; trong đó, 13 dự án FDI, tổng vốn 27.532 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, Kiên Giang không có thêm dự án FDI đăng ký mới. Một phần tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nguyên nhân chính do Kiên Giang siết chặt đầu tư ở lĩnh vực du lịch và hạ tầng khu công nghiệp. Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Kiên Giang có nhiều chính sách thu hút đầu tư nhưng cũng phải cân nhắc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực và mạnh dạn loại trừ những nhà đầu tư xin phép đầu tư để đầu cơ”. Trước đây, có dự án vài tỉ USD của doanh nghiệp nước ngoài xin đầu tư vào Phú Quốc, nhưng nhà đầu tư không chứng minh được năng lực tài chính nên tỉnh từ chối. Mới đây, tập đoàn Phan Thị xin đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Thuận Yên-Hà Tiên và khu tái định cư nhưng việc triển khai dự án không đúng tiến độ cam kết, buộc tỉnh phải thu hồi dự án.

Theo thống kê của các địa phương ĐBSCL, hầu hết tiến độ thu hút FDI đều không đạt kế hoạch đề ra, giá trị sản xuất của khu vực này cũng giảm so với trước. Trong 6 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng khoảng 44.669 tỉ đồng, đạt 39,2% kế hoạch, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Một số địa phương đạt mức tăng khá như: Tiền Giang 15,8%, Đồng Tháp 11%, Kiên Giang 10%, TP Cần Thơ 7,5%... Riêng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ như: TP Cần Thơ giảm 33,3%; An Giang giảm 22%... so cùng kỳ. Ngay cả Long An - địa phương dẫn đầu khu vực về số dự án FDI cũng chật vật, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI chiếm từ 70-80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,7% (đạt 5.383 tỉ đồng).

Phần lớn doanh nghiệp FDI đầu tư vào ĐBSCL chủ yếu làm gia công (may mặc, da giày, thủy sản...), thị trường thu hẹp, doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tác động này chỉ là nhất thời, do các dự án FDI của vùng có qui mô nhỏ và những doanh nghiệp “mẹ” không bị ảnh hưởng nhiều trong cơn suy thoái. Vì vậy, khả năng thu hút FDI có thể sẽ cải thiện trong các tháng cuối năm 2009.

FDI SẼ PHỤC HỒI?

Theo Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, các KCN không có dự án FDI mới. Hiện các KCN có 21 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt hơn 62 triệu USD (giảm 33,3% so cùng kỳ), xuất khẩu 19,4 triệu USD (giảm gần 36% so cùng kỳ). Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Các KCN&CN Cần Thơ, cho biết: “Đây là thực trạng chung của hầu hết các địa phương trong vùng. Từ nay đến cuối năm, các KCN phấn đấu thu hút thêm 50-60 triệu USD vốn đầu tư, ước cả năm khoảng 230-250 triệu USD. Tuy nhiên, khả năng thu hút vốn FDI sẽ khó, hiện tại việc giải ngân nguồn vốn này cũng rất chậm, nhưng hy vọng sẽ tăng trở lại khi kinh tế thế giới đang phục hồi”. Theo ông Hùng, thành phố đang đẩy mạnh việc giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN để mời gọi đầu tư, đồng thời chủ động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, mời gọi trực tiếp doanh nghiệp nhằm cải thiện tốc độ thu hút FDI.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đã chọn cách xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài để mời gọi doanh nghiệp FDI với nhiều hình thức như: dựa trên mối quan hệ cá nhân, sự giới thiệu của doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam... Không riêng gì TP Cần Thơ, tỉnh Bến Tre cũng khá thành công trong cách mời gọi trực tiếp này. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, cho biết: “Khuynh hướng 6 tháng cuối năm 2009, thu hút dòng vốn FDI sẽ phục hồi và dự án FDI đầu tư tại ĐBSCL chủ yếu là nhỏ và vừa nên phù hợp với qui mô kinh tế của địa phương. Do vậy, chỉ bị ảnh hưởng nhất thời. Trong giai đoạn hiện nay, phải chủ động tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nếu để doanh nghiệp tự đến là rất khó. Tháng 8-2009, tỉnh sẽ cấp mới thêm 2 dự án FDI mới, vốn khoảng 12 triệu USD trong lĩnh vực chế biến nông sản. Đây là thành quả của đợt xúc tiến vừa rồi”. Theo ông Sơn, giá thuê đất trong KCN Giao Long và An Hiệp dao động ở mức 0,5-0,6 USD/m2 (chưa tính phí hạ tầng), tỉnh sẽ hỗ trợ giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp trước, trong và sau khi cấp phép đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thân thiện.

Trên thực tế, thu hút nguồn vốn FDI đã cải thiện kể từ tháng 5-2009, nhưng không đáng kể, do nguồn vốn FDI phụ thuộc vào điều kiện kinh tế nước ngoài và “sức khỏe” của doanh nghiệp “mẹ”. Ông Phan Thành Phi, Trưởng Ban Quản lý Các KCN Long An, nói: “Chưa thể xác định được mức độ phục hồi của dòng vốn FDI, nếu kinh tế thế giới gặp chiều thuận sẽ cải thiện tốc độ thu hút FDI và ngược lại. Còn từ đầu năm đến nay, qui mô dự án FDI đầu tư vào KCN Long An thấp hơn trước rất nhiều, chủ yếu là lĩnh vực gia công, chế biến hàng tiêu dùng, thiết kế mẫu mã hàng mới. Cho nên phải sàng lọc dự án, bởi khủng hoảng kinh tế dù tác động trực tiếp đến tăng trưởng của địa phương nhưng cũng là cơ hội để thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, phải cảnh giác để không hứng những ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường”. Trong 6 tháng đầu năm 2009, các KCN Long An thu hút thêm 6 dự án FDI mới, vốn đăng ký hơn 17,5 triệu USD; nâng tổng số dự án FDI lên 114 dự án (trong đó, 50 dự án đang hoạt động). Tỉnh Long An cũng đề ra kế hoạch tăng cường kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và dân cư. Từ đó, giải quyết kịp thời những vướng mắc, giúp các nhà đầu tư hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết; đồng thời kiên quyết thu hồi chủ trương, Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai mà không có lý do chính đáng.

Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án FDI trong 6 tháng đầu năm có sụt giảm so với cùng kỳ, nhưng cũng còn đứng ở mức khá cao. Điều này cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, thị trường trong nước đang dần lặp lại trật tự, đây là cơ hội để mời gọi đầu tư.

GIA BẢO- THÀNH NGUYỄN

Xưởng may của Công ty TNHH Kwong Lung-Meko (TP Cần Thơ). Ảnh: THU HÀ

Chia sẻ bài viết