19/06/2015 - 08:27

Nhiều kỳ vọng trong vụ hè thu

Vụ hè thu năm nay, năng suất lúa nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cao hơn vụ hè thu năm 2014, giá lúa hiện tại vẫn đảm bảo cho nông dân có lời, nhưng nhiều tỉnh lo lắng khi vào thu hoạch rộ, giá lúa rất khó dự đoán. Nông dân trồng lúa đa số đều bán lúa tươi ngay tại ruộng khi thu hoạch xong, giúp giảm chi phí phơi, sấy và vận chuyển. Song, phía sau câu chuyện này là "cò" lúa hoành hành, thương lái giở đủ chiêu để ép nông dân và họ luôn rơi vào tình thế khó.

"Phập phồng" vì giá

Cánh đồng lúa hè thu sớm 2015 ở các huyện phía Tây, tỉnh Tiền Giang chín rục ngoài đồng. Người dân mất ăn, mất ngủ vì lúa quá ngày, chín rục và áp lực của mưa mà thương lái chưa chịu đến mua lúa. Ông Nguyễn Văn Em, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, bức xúc: "Tôi có 1,4 ha lúa IR 50404, giờ đã hơn 95 ngày mà thương lái chưa đến mua thì sao mình thu hoạch được. Vụ lúa nào nông dân cũng gặp cảnh thương lái kéo dài thời gian như vậy. Trước đây, nông dân thu hoạch lúa bằng cắt tay hoặc máy gặt xếp dãy chỉ 82-85 ngày. Còn bây giờ, họ để hơn 95 ngày mới cho thu hoạch. Nếu kéo dài thời gian như hiện nay thì vụ thu đông sẽ đội ngày lên, chất lượng lúa giảm, bông lúa rụng hạt… Vụ nào giá lúa liên tục tăng khi bắt đầu thu hoạch, thương lái yêu cầu nông dân thu hoạch sớm hơn ít ngày, còn giá lúa giảm thì họ cứ để ngoài đồng, chờ giá ổn định hoặc tăng lên mới cho nông dân thu hoạch". Theo bà Ngô Thị Út, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, gia đình bà Út canh tác 0,9 ha lúa IR 50404, lúa đã đến ngày thu hoạch. Bà Út cho biết, cơn mưa ngày 14-6 vừa qua đã làm diện tích lúa ngã đổ hoàn toàn. Chủ máy cắt đến ruộng "hét" giá thu hoạch tới 350.000 đồng/công (1.000m2), trong khi lúa đứng chỉ 220.000 đồng/công. Lúa đổ ngã nên khi thu hoạch, lúa theo rơm ra rất nhiều, mỗi công mất ít nhất cũng 3-4 giạ.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Ngày trước, nông dân thu hoạch lúa và đem về nhà phơi khô, trữ lại nên chủ động được trong khâu bán. Giờ đây, đa số nông dân đều bán lúa tươi ngay tại ruộng nên phải phụ thuộc vào thương lái. Nếu thấy lúa gần chín, giá tăng thì thương lái cho nông dân thu hoạch ngay; còn giá lúa giảm thì họ dây dưa để chờ giá lúa tăng hoặc ổn định mới cho thu hoạch. Việc thương lái kéo dài ngày mới cho người dân thu hoạch cũng rất khó xử lý". Hiện nay, trên cánh đồng lúa các huyện phía Tây của Tiền Giang, lúa chín vàng ươm nhưng người dân vẫn phải chờ thương lái.

Lúa của ông Nguyễn Văn Em, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè chín rục, ngã đổ nhưng thương lái chưa thu hoạch. Ảnh: KHẢI CA

Tại tỉnh Hậu Giang, theo Sở NN&PTNT tỉnh, diện tích lúa hè thu 2015 trên địa bàn tỉnh xuống giống khoảng 77.000ha, đến nay đã thu hoạch gần 18.000ha, năng suất đạt bình quân 5,9 tấn/ha (vụ hè thu năm 2014, năng suất đạt 5,1 tấn/ha), giá thành sản xuất khoảng 3.200 đồng/kg (vụ hè thu 2014 khoảng 4.000 đồng/kg). Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Với giá thu mua hiện nay, nông dân có lời từ 20%-25%, vụ hè thu 2014, nông dân lời 15%-17% do giá thành sản xuất cao, năng suất thấp hơn vụ này. Hiện nay, áp lực tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh không lớn, thương lái thu mua vào bình thường. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch rộ, cũng khó dự đoán giá lúa như thế nào".

Lo khâu tiêu thụ trung gian

Giá lúa hiện chưa giúp nông dân phấn khởi, việc tiêu thụ lúa của nông dân chủ yếu thông qua khâu trung gian ("cò lúa" và thương lái), nông dân ít cơ hội bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp (DN). Thực tế, trong những năm gần đây, việc xuất hiện "cò lúa" đã giải quyết phần nào những khó khăn của nông dân trong việc tiêu thụ lúa. Tuy vậy, từ việc lợi dụng lòng tin nông dân, các "cò lúa" đang dần thao túng thị trường và gây không ít khó khăn cho nông dân và cả thương lái. Nông dân Lê Văn Sơn, ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang canh tác 0,4ha lúa hè thu sớm cho biết, ông bán được 85.000 đồng/giạ lúa (1 giạ tương đương 20kg). Nhưng giá lúa thực tế phải là 86.000 đồng/giạ, sở dĩ có chuyện này do thương lái đã hạ giá để chi tiền đó cho "cò lúa". Nhiều thương lái cho rằng, do không đủ khả năng thu mua lúa trực tiếp lúa cho nông dân nên phải thông qua "cò lúa" để mua số lượng lớn và cũng tốn ít thời gian. Chính khâu trung gian này làm hẹp đi lợi nhuận của nông dân.

Còn phía thương lái, ngoài chiêu trò để lúa chín rục ngoài đồng, mỗi khi giá lúa xuống thấp, họ còn để thêm 2-3 ngày mới lại cân lúa cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Thuận, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, bức xúc: "Tôi đã thu hoạch 1,5ha lúa IR 50404, hơn 2 ngày mà thương lái không đến cân. Cả nhà phải thay phiên nhau ra đồng để giữ lúa. Mang tiếng là bán lúa tươi, nhưng thương lái kéo dài thời gian cân lúa thì lúa tươi cũng thành lúa khô nếu trời nắng gắt. Lúc này, thương lái chỉ cần phơi vài tiếng đồng hồ là lúa khô và đem xay xát". "Cò lúa" và thương lái giở đủ chiêu khi mặc cả giá với nông dân. Nếu ruộng của nông dân nằm ở vị trí không thuận lợi, khó vận chuyển thì thiệt đủ đường, vì họ sẽ bị hạ giá mỗi giạ 2.000 đồng, cho đây là phí bù vào việc chuyên chở".

Trong vai là thương lái ở xa đến địa bàn ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tìm "cò" để được mua lúa, chúng tôi tiếp xúc với "cò" Sỉn. Khi đặt vấn đề mua lúa, "cò" Sỉn nói: "Vùng này, tôi có thương lái quen mua rồi. Người ta chi hoa hồng 1.000 đồng/giạ. Nếu muốn mua thì tôi lấy 1.300 đồng/giạ. Nhưng phải đợi khi thương lái kia lấy lúa không kịp thì mới liên hệ đến mua". "Cò" Sỉn cho biết, một vụ lúa, ông kiếm được trên 18 triệu đồng từ tiền làm "cò" lúa. Giải thích vì sao mua lúa phải thông qua "cò", thương lái Trần Văn Minh, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp (mua lúa ở ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) cho biết, đội ngũ "cò" thông thạo tình hình sản xuất lúa tại địa phương nên thu gom lúa nhanh, sản lượng lớn. Chúng tôi không lụy "cò" thì cũng không được. Bởi, không có "cò" thì không thể mua lúa được ở vùng đó. Trước khi vụ mùa bắt đầu, "cò" lúa đã đến nông dân thỏa thuận mua lúa hết rồi, nếu không thông qua họ thì họ cũng tìm những thương lái khác thôi.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: "Việc xử lý "cò" và thương lái kỳ kèo trong thu mua lúa cho người dân là rất khó. Bởi, giữa họ không có một ràng buộc nào cả. Để tránh tình trạng phải lụy "cò" và thương lái, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần phải tham gia vào mô hình "Cánh đồng lớn". Vì khi DN kéo dài thời gian thu hoạch lúa cho nông dân, ngành chức năng sẽ xử lý được, vì có hợp đồng ràng buộc giữa 2 bên". Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, "cò lúa" đã xuất hiện nhiều năm nay, đóng vai trò trung gian trong thu mua lúa cho nông dân. Hằng năm, vào vụ thu hoạch, lãnh đạo tỉnh đều chỉ đạo cho các ngành có liên quan theo dõi sát tình hình thị trường, nếu phát hiện "cò lúa" ép giá nông dân quá mức thì cần điều tiết, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được trường hợp nào.

Kỳ vọng đầu ra ổn định

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 11-6-2015, các DN xuất khẩu khoảng 2,123 triệu tấn gạo, trị giá FOB 893,152 triệu USD, trị giá CIF 918,667 triệu USD. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2014, các DN xuất khẩu trên 3 triệu tấn gạo các loại. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm, do nhu cầu thị trường yếu. Với tình hình này, rất nhiều địa phương lo lắng khi vụ hè thu 2015 đang thu hoạch rộ.

Ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Tỉnh hiện có một DN được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhưng chủ yếu là làm nhiệm vụ cung ứng. Từ đầu năm đến nay, DN này đã cung ứng hơn 10.000 tấn gạo cho các DN xuất khẩu trực tiếp. Hiện giá lúa tươi giống IR50404 khoảng 3.900-4.000 đồng/kg, lúa dài 4.600- 4.700 đồng/kg; lúa khô IR50404 từ 4.800-4.900 đồng/kg, lúa dài 5.500-5.600 đồng/kg". Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng tình hình xuất khẩu hiện còn nhiều khó khăn, vụ hè thu năm nay, tỉnh có khoảng 4.000-5.000 ha lúa được DN bao tiêu sản phẩm. Nếu đầu ra xuất khẩu thuận lợi, giá lúa ổn định như hiện nay thì nông dân mới đảm bảo có lãi.

Tại TP Cần Thơ, hiện diện tích hè thu thu hoạch khoảng 20.000ha (khoảng hơn 25% diện tích gieo sạ), năng suất bình quân 6,25 tấn/ha (cao hơn vụ hè thu trước 0,2 tấn/ha). Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, với giá lúa hiện nay (lúa tươi IR 50404 từ 4.100- 4.200 đồng/kg, lúa dài hơn 5.000 đồng/kg) đảm bảo cho nông dân có lời từ 30% trở lên. Diện tích xuống giống của thành phố đa phần là lúa chất lượng cao, lúa IR50404 vụ này chiếm khoảng 20% diện tích gieo sạ. Mặc dù giá lúa chưa phấn khởi lắm cho nông dân, nhưng bù lại năng suất năm nay cao, giá thành sản xuất thấp, nên nông dân vẫn có lãi. Dự kiến đầu tháng 7-2015 sẽ thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, nếu thị trường xuất khẩu khá hơn, giá lúa ổn định, nông dân mới có lợi.

Khải Ca- Gia Bảo

Chia sẻ bài viết