13/06/2011 - 21:57

DỰ ÁN KHU CÔNG NGHIỆP HƯNG PHÚ 1 VÀ 2

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

Công tác GPMB ở Khu công nghiệp Hưng Phú 2B còn nhiều khó khăn.

Dự án Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 1 và 2 thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, nằm ở vị trí “tiền sông, hậu lộ”- một vị trí hấp dẫn đối với những nhà đầu tư. Tuy nhiên, 2 KCN này gần chục năm có chủ trương đầu tư đến nay vẫn chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng như mong đợi với lý do “cũ mèm”: Vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (!). Vậy, bao giờ khó khăn này mới được giải tỏa?

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cái Răng, diện tích quy hoạch trên địa bàn quận khoảng 2.300ha với khoảng 73 dự án (tập trung chủ yếu ở khu Nam Cần Thơ). Nhưng đến nay mới có 27 dự án với diện tích khoảng 384ha được giải phóng mặt bằng đạt 100% diện tích. Trong khu quy hoạch này có 2 KCN Hưng Phú 1 và 2 nằm liền kề nhau, có tổng diện tích 474ha. Trong đó, KCN Hưng Phú 1 có diện tích 262ha do Công ty Cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ làm chủ đầu tư; KCN Hưng Phú 2A nằm liền kề KCN Hưng Phú 1, có diện tích 134ha, do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại (BMC) làm chủ đầu tư; và KCN Hưng Phú 2B do Công ty TNHH MTV Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư với diện tích 78ha. Các KCN này được quy hoạch xây dựng ở các vị trí thuận tiện về giao thông thủy, bộ, gần Cảng Cái Cui, lại nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông - thủy - hải sản, có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng hạ tầng ở các KCN này diễn ra “cầm chừng”, trong đó chủ yếu do khó khăn trong công tác GPMB, tái định cư, gây bức xúc cho bà con trong vùng dự án.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thứ, quận Cái Răng, cho biết: “Vấn đề đền bù giải tỏa cho bà con trong dự án KCN Hưng Phú 1 và 2 hiện hết sức nan giải. Các dự án triển khai chậm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Đối với những hộ dân có nhu cầu về nhà ở, lại không được xây dựng nhà, hay những hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng không thể thế chấp nhà, đất để vay tiền ngân hàng để xoay xở, làm ăn... Chính vì vậy, không ít hộ đã tự ý xây dựng nhà ở không phép, sai phép...”. Cũng theo chính quyền địa phương, những lần họp cử tri gần đây, người dân địa phương rất bức xúc về những bất cập nêu trên. Các chủ đầu tư dự án đền bù giải tỏa không đến nơi đến chốn, dẫn đến tình trạng “da beo”, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhiều người còn “làm liều” bán đất bằng “giấy tay” hoặc tự thỏa thuận gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền địa phương...

Bà Nguyễn Thị X. ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, than phiền: “Gia đình tôi có hơn 1.000m2 nằm trong dự án KCN Hưng Phú 2B. Dự án đã triển khai mấy năm nay, nhưng đến giờ vẫn chưa đền bù gì hết. Người dân ở đây khổ sở lắm. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng không được vay vốn, bán đất cũng không được, muốn tách đất cho con cái làm ăn, xây dựng nhà cửa cũng không xong...”. Bà X. chỉ tay qua những đám lau sậy mọc um tùm gần nhà, bức xúc: “Không biết khi nào sẽ giải tỏa xong nên người dân ở đây không ai dám làm ăn gì hết, đất đai bỏ hoang lau sậy mọc cao như rừng. Nhà đầu tư cứ “hẹn lần, hẹn lượt”, từ năm này qua năm khác mà vẫn không thấy làm gì thêm. Khổ quá!”.

Ông Phạm Hùng Thống, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cái Răng, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn quận Cái Răng có rất nhiều dự án, địa phương rất muốn thực hiện hoàn thành nhanh chóng. Tuy nhiên, khâu GPMB luôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhà nước luôn quan tâm và đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Cơ chế chính sách đền bù giải tỏa của Chính phủ thường xuyên thay đổi để hoàn thiện, nên buộc chính quyền địa phương mất nhiều thời gian điều chỉnh phương án đền bù giải tỏa phù hợp với quy định hiện hành... Tuy nhiên, về phía người dân, một số trường hợp không hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác GPMB. Nhiều hộ tự ý xây dựng thêm nhà ở, chuồng trại, trồng cây... để đòi tiền đền bù, càng gây khó cho cơ quan chức năng. Một số hộ không hợp tác trong công tác kiểm kê, đo đạc... làm hồ sơ đền bù; một số trường hợp khác lại kỳ kèo “làm giá” không chịu giao đất... Thực tế, trong công tác GPMB, nếu có trường hợp không hợp tác sẽ làm ảnh hưởng chung đến những hộ dân thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình. Chính quyền địa phương vẫn khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, trồng cây ngắn ngày năng suất cao thay thế cho cây dài ngày. Địa phương tiếp tục công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện để đảm bảo quyền lợi, tranh thủ từng bước tháo gỡ khó khăn, tập trung GPMB...

Đối với khu tái định cư 10,4ha của KCN Hưng Phú 1 đã đền bù 100% diện tích. Cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện, dự kiến trong tháng 6 này sẽ thực hiện đấu nối hệ thống điện, nước hoàn chỉnh để sớm bàn giao cho người dân tái định cư vào ở, đồng thời tiếp tục thực hiện khu tái định cư 42ha... Ngoài ra, ông Phạm Hùng Thống, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cái Răng, cho biết: Qua những kiến nghị của các ban, ngành về những khó khăn thực tế trong công tác GPMB, cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân, UBND thành phố đã kịp thời ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND (Quyết định 15) ngày 6 tháng 5 năm 2011 về việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 4 tháng 2 năm 2010 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Cần Thơ. Với chính sách bồi hoàn được bổ sung đầy đủ hơn và giá bồi hoàn phù hợp, sát với tình hình thực tế nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dân. Đây sẽ là hướng mở cho công tác GPMB của quận trong thời gian tới. Hiện nay, trung tâm tiến hành tập trung rà soát và điều chỉnh các dự án trọng điểm đền bù giải tỏa theo quy định mới ban hành. Tuy nhiên, để công tác GPMB diễn ra một cách nhanh chóng và thuận lợi, nhất thiết phải có sự phối hợp tốt giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư...

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thứ, quận Cái Răng, cho biết: Ở cấp phường, chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác vận động người dân giao đất. Tuy nhiên, các cấp thẩm quyền, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án KCN Hưng Phú 1và 2, thực hiện công tác tái định cư khẩn trương hơn để người dân sớm có cuộc sống ổn định. Phía địa phương, UBND phường đang kết hợp cùng phòng thương binh xã hội quận bước đầu mở một số lớp dạy nghề cho người dân, như: sửa xe, điện tử... Nhưng lâu dài, chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư phải quan tâm đến giải quyết việc làm cho người dân sau khi được tái định cư để ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết