19/12/2015 - 16:16

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nhiều dự án trọng điểm được tài trợ vốn đầu tư

Trung tuần tháng 12, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công thương và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã tổ chức chương trình trao đổi về hợp tác đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 và ký kết tài trợ vốn cho các dự án trọng điểm với số vốn trên 3.400 tỉ đồng. Trước thềm năm mới 2016, đây là một động thái tích cực để khởi động các dự án trọng điểm, bức xúc, cũng như tài trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần đưa ĐBSCL cất cánh…

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015, các đại biểu tham dự chương trình đều thống nhất, tình hình kinh tế - xã hội khu vực đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định ở mức khá, tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân của vùng ước đạt 8,87%/năm. Nông nghiệp phát triển ổn định, giữ vững vai trò vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Xuất khẩu tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 12,3 tỉ USD, bằng 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 14,7%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhanh, từ 7,4% năm 2013 xuống còn 5,7% năm 2014, và dự kiến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 4,5%...

Phối cảnh cầu Quang Trung (nhánh 2) sẽ được đầu tư trong năm 2016, từ nguồn vốn ODA. Ảnh: T.K

Tuy nhiên, theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, bên cạnh các kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của vùng vẫn còn không ít hạn chế: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; thu hút vốn FDI kém hiệu quả, tính đến cuối năm 2014, tổng số vốn đăng ký FDI còn hiệu lực chỉ đạt trên 12 tỉ USD, chiếm 4,8% so với cả nước. Thu nhập người nông dân chưa bền vững; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, doanh thu du lịch của toàn vùng hiện chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu du lịch của cả nước.

Bằng năng lực, kinh nghiệm cũng như tâm huyết đối với việc phát triển kinh tế – xã hội quốc gia nói chung và vùng BĐSCL nói riêng, BIDV xác định sẽ là đơn vị đi đầu trong tham gia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định và đề xuất nhóm các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, quan tâm tháo gỡ, giải quyết những "nút thắt" phát triển vùng trong thời gian tới, như sau: Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết vùng. Về kết cấu hạ tầng, nên thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Tổ chức hợp tác nghiên cứu về mô hình đổi mới, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Phối hợp với tổ chức phát triển Nhật Bản – JICA xây dựng chương trình chuẩn về tín dụng nông thôn. Xây dựng các mô hình tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được lợi ích, gắn với sản xuất và thị trường. Ứng dụng, tiếp nhận đào tạo công nghệ cao trong nông nghiệp,với mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững…

Ngoài ra, năm 2016 được Chính phủ lựa chọn là năm du lịch Tây Nam bộ, bên cạnh các hoạt động đầu tư, BIDV đề xuất tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Israel, Đài Loan về ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất rau, củ, quả, chăn nuôi công nghệ sạch, chất lượng cao, nâng cao giá trị thương phẩm của sản vật vùng châu thổ ĐBSCL.

"Bám" quy hoạch để đầu tư phát triển

Các tham luận tại chương trình này đề xuất trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 (theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ), cần thiết có những điều chỉnh, bổ sung, đánh giá tình hình thực tế. Đặc biệt, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị, tập trung phát triển vùng đô thị trung tâm, xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm về công nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính – ngân hàng, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo của toàn vùng.

Theo đó, BIDV cũng đề nghị Chính phủ sớm đưa ĐBSCL thành khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế theo tinh thần Quyết định 941/QĐ-TTg ngày 25-6-2015. Cần thiết có thể thiết lập hội đồng điều hành vùng, nhằm liên kết phát triển, tạo tính thống nhất, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng. Để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, đề xuất Chính phủ sớm đưa ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Đồng thời, thiết lập hội đồng điều hành vùng, thực hiện theo Quyết định 941/QĐ-TTg về việc thành lập tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, trước mắt cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn với việc sớm triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa (lúa, rau màu, trái cây, thủy sản) vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, "bám" các quy hoạch này để đầu tư phát triển vùng ĐBSCL theo đúng định hướng phát triển chung này.

Giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ đề xuất các gói hỗ trợ, cung cấp nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại cho công tác nghiên cứu, quy hoạch; cũng như nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các ứng dụng có khả năng sản xuất hàng hóa công nghiệp tại vùng và các địa phương. Đồng thời, tham gia, phối hợp trong công tác nghiên cứu, tư vấn chuyên sâu đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành thủy sản của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm của vùng, BIDV cam kết dành 10-15 nghìn tỉ để triển khai dự án kênh Quan Chánh Bố, kênh Chợ Gạo thông qua hình thức hợp tác công-tư (PPP); 12-15 nghìn tỉ đồng để phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc. Bên cạnh đó, BIDV sẵn sàng hỗ trợ 10 tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và 10 tỉ đồng cho công tác quy hoạch vùng nguyên liệu hải sản, cây ăn quả. Về hoạt động an sinh xã hội, giai đoạn 2016-2020, BIDV sẽ tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội đã cam kết, đồng thời đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội mới tập trung cho lĩnh vực y tế, giáo dục, đền ơn đáp nghĩa.

Trao đổi tại chương trình, đại diện lãnh đạo các tỉnh trong khu vực cũng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội khu vực, sát với tình hình, nhu cầu và khả năng thực tế tại từng địa bàn, đặc biệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, doanh nghiệp để nhanh chóng triển khai các dự án trọng điểm, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khu vực giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn chiến lược đến năm 2030.

THIỆN KHIÊM

Để hiện thực hóa các cam kết, ngay tại chương trình trao đổi đã diễn ra ký kết 11 thỏa thuận hợp tác và hợp đồng tín dụng cùng hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các dự án trọng điểm sẽ được triển khai tại khu vực ĐBSCL giữa các chi nhánh BIDV và các doanh nghiệp. Cụ thể gồm:

- Thỏa thuận tài trợ các dự án tư vấn kỹ thuật phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, công tác quy hoạch, tiếp nhận và ứng dựng kỹ thuật công nghệ cao trong chuỗi giá trị gia tăng thủy sản, quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, quy hoạch phát triển vùng cây ăn quả giữa BIDV và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ 20 tỉ đồng.

- Thỏa thuận tư vấn hỗ trợ nâng cao kiến thức hội nhập giữa BIDV và tỉnh Vĩnh Long trị giá 10 tỉ đồng.

- Hợp đồng tín dụng triển khai xây dựng dự án nhà máy xi măng giữa BIDV Chi nhánh Cần Thơ và Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ với tổng số tiền vay là 110 tỉ đồng, trong đó tài trợ đầu tư dự án 60 tỉ đồng, cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho nhà máy 50 tỉ đồng.

- Hợp đồng tín dụng triển khai Dự án Nhà máy gia công sang chai đóng gói và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giữa BIDV Chi nhánh Cần Thơ và Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật Phú Nông giá trị 124 tỉ đồng.

- Hợp đồng tín dụng ngắn hạn giai đoạn 2015 - 2016 giữa BIDV Cần Thơ và Công ty cổ phần chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh giá trị 300 tỉ đồng

- Hợp đồng tín dụng ngắn hạn giai đoạn 2015 – 2016 giữa BIDV và Công ty cổ phần Hiệp Thanh giá trị 200 tỉ đồng.

- Hợp đồng tín dụng triển khai dự án Khu tái định cư dự án Trường Đại học Y dược Cần Thơ (giai đoạn II) giữa BIDV Vị Thanh và Hợp tác xã xây dựng Thanh Bình giá trị 50 tỉ đồng.

- Hợp đồng nguyên tắc triển khai dự án BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng giữa Sở Giao dịch 2 BIDV và Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng giá trị 1.206 tỉ đồng.

- Hợp đồng nguyên tắc triển khai dự án BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu giữa Sở Giao dịch 2 BIDV và Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Bạc Liêu giá trị 538 tỉ đồng.

- Hợp đồng nguyên tắc triển khai Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Xi trên địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh giữa BIDV Bình Chánh và Công ty Cổ phần Đầu tư BOT quốc lộ 53 Long Hồ Ba Xi giá trị 861,7 tỉ đồng.

- Hợp đồng nguyên tắc về việc tài trợ dự án Chuỗi liên kết nuôi cá tra giữa Công ty TNHH Thủy sản Biển đông với BIDV Chi nhánh Hậu Giang.

Chia sẻ bài viết