24/02/2009 - 09:26

Tiến sĩ Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP Cần Thơ:

Nhiều dự án hỗ trợ cụ thể cho việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, vấn đề bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trở nên đặc biệt quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu trong các quan hệ kinh tế quốc tế. Nằm trong xu thế chung đó, cuối năm 2008, TP Cần Thơ bắt đầu triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, Trưởng Ban quản lý chương trình, về vấn đề bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của thành phố.

* Thưa ông, từ trước đến nay, các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân tại TP Cần Thơ quan tâm như thế nào đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?

- Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được TP Cần Thơ quan tâm từ những năm 1990. Cần Thơ là một trong 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lượng văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nhiều nhất cả nước. Doanh nghiệp tại Cần Thơ đăng ký bảo hộ chủ yếu cho nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Đến cuối năm 2007, toàn thành phố có 216 doanh nghiệp được cấp 681 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và 24 cá nhân, đơn vị được cấp 109 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có 1 loại giống cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh (giống xoài cát Hòa Lộc- CT1). Việc bảo hộ phần mềm máy tính chưa toàn diện và rất ít tác giả quan tâm. TP Cần Thơ cũng chưa có đối tượng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan...

So với yêu cầu, kết quả trên còn rất khiêm tốn. Nhiều sản phẩm, dịch vụ có uy tín, có tiềm năng phát triển chưa được quan tâm xây dựng và bảo hộ SHTT. Mặt khác, tình trạng xâm phạm quyền SHTT đã bắt đầu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến nỗ lực đầu tư sáng tạo của các tổ chức, cá nhân cũng như trật tự thị trường, tâm lý xã hội.

* Những hạn chế nêu trên có phải do hoạt động SHTT của thành phố còn gặp nhiều khó khăn, thưa ông?

- Thời gian qua, việc tổ chức hoạt động SHTT còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Ở phần lớn các sở, ngành, bộ phận có chức năng quản lý Nhà nước về SHTT được ghép với một bộ phận có chức năng khác. Chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở quản lý chuyên môn và cơ quan thực thi về SHTT. Hầu hết các ngành, địa phương thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho công tác quản lý SHTT. Đa số doanh nghiệp cũng không có cán bộ phụ trách SHTT. Một số cán bộ công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo chuyên về lĩnh vực SHTT nên còn lúng túng khi giải quyết vụ việc. Mặt khác, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu tra cứu, đánh giá giám định SHTT cho các tổ chức, cá nhân ở địa phương. Một số doanh nghiệp có đăng ký bảo hộ SHTT nhưng chưa quan tâm đến việc phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình, nhất là đầu tư tài chính cho hoạt động SHTT. Hợp tác bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT trong khu vực ĐBSCL còn mang tính tự phát.

Trước những khó khăn, hạn chế đó, UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt và giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ TP Cần Thơ giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn đến năm 2020”. Mục tiêu của chương trình là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trong công chúng. Đồng thời, tăng nhanh số lượng các đối tượng SHTT được bảo hộ; phối hợp quản lý và bảo vệ quyền SHTT trên địa bàn thành phố.

* Ông có thể cho biết cụ thể chương trình sẽ hỗ trợ gì để bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của TP Cần Thơ?

- Chương trình có 4 nhóm dự án. Thứ nhất là nhóm dự án “Nâng cao năng lực quản lý về SHTT cho cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý các cấp và doanh nghiệp”. Dự án này có 3 dự án nhánh. Các dự án tập trung tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền để nâng cao kiến thức và năng lực quản lý SHTT cho chính quyền các cấp và doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống tổ chức về SHTT trên địa bàn, nhất là các ngành, quận, huyện. Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công thương quận, huyện sẽ có 1 lãnh đạo phòng và tối thiểu có 1 biên chế phụ trách về khoa học và công nghệ (trong đó có lĩnh vực SHTT). Các sở, ngành liên quan bố trí cán bộ phụ trách hoặc kiêm nhiệm về SHTT. Nhóm dự án này do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị thực hiện.

Nhóm dự án thứ hai là “Phát triển tài sản SHTT của thành phố”. Dự án này có 5 dự án nhánh, nhằm phát triển tài sản SHTT ở các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, phần mềm máy tính, văn học nghệ thuật, kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ. Dự án sẽ hỗ trợ về thiết kế, đăng ký bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm... Đối tượng được hỗ trợ là cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của ngành, có tiềm năng xuất khẩu...

Thứ ba là dự án “Hỗ trợ khai thác thông tin SHTT”. Dự án sẽ thành lập cơ sở dữ liệu về SHTT của thành phố, các thông tin liên quan phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã... Các thông tin được cung cấp bằng nhiều hình thức: đưa lên website, trả lời bằng văn bản, điện thoại, hợp đồng cung cấp thông tin trọn gói, tổ chức thư viện điện tử về SHTT.

Thứ tư là dự án “Hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT”. Dự án sẽ tổ chức các ký kết ghi nhớ hợp tác; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn xã hội tự giác chấp hành các quy định pháp luật về các quyền SHTT; tổ chức các hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm; trao đổi, cung cấp thông tin định kỳ giữa các đơn vị quản lý, bảo vệ quyền SHTT.

* Thưa ông, chương trình sẽ được triển khai như thế nào?

- Chương trình được thực hiện từ năm 2008 đến 2010, với tổng kinh phí dự kiến trên 4,6 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tháng 12-2008, chương trình đã được triển khai cho các sở, ngành, đơn vị liên quan. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương để thực hiện chương trình. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các sở, ngành, đơn vị khác.

Tháng 2 năm 2009, UBND TP đã ban hành quyết định thành lập Ban quản lý chương trình và Ban chủ nhiệm các dự án. Các đơn vị chủ trì thực hiện dự án sẽ xây dựng dự án cụ thể. Ban quản lý Chương trình sẽ tổng hợp và tổ chức xét duyệt theo quy định. Sau khi được duyệt, các dự án sẽ được triển khai thực hiện từ tháng 5-2009 đến tháng 10-2010. Thời gian còn lại sẽ tổ chức nghiệm thu các dự án và tổng kết kết quả thực hiện chương trình giai đoạn 2008- 2010, triển khai thực hiện giai đoạn 2011- 2015.

* Xin cảm ơn ông!

Lệ Thu (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết