23/10/2018 - 10:22

Nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm diện tích mía 

Thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phá bỏ hàng nghìn ha mía để trồng cây khác. Chính vì vậy, diện tích mía ở khu vực này tiếp tục giảm đáng kể. Nguyên nhân được cho là giá mía và đầu ra bấp bênh, đồng thời sự biến đổi khí hậu cũng làm cho việc canh tác loại cây này trở nên khó khăn.

Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu hoạch mía. (Ảnh: Trung Chánh)

Với tình hình giá mía như hiện nay, tới đây người trồng mía ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phải chặt bỏ cây mía, bởi càng trồng càng lỗ. Hiện nay, cùng với các địa phương khác trong khu vực, nông dân Hậu Giang đang bước vào thu hoạch vụ mía mới năm 2018 - 2019. Tuy nhiên, giá mía thấp và khó tiêu thụ khiến hàng loạt hộ nông dân vô cùng khó khăn.

Tại tỉnh Hậu Giang, do nước lũ tràn về, ở những khu vực không có đê bao an toàn, nhiều diện tích mía bị ngập trong nước. Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có khoảng 2.300ha mía nguy cơ ngập trong nước lũ. Do phải bán mía chạy, nên mía nguyên liệu tại Hậu Giang đang ở mức từ 550 đồng đến 700 đồng/kg. Với giá này, người trồng mía lỗ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/ha.

Trước thực trạng trên, tỉnh Hậu Giang đang phải tính toán, giảm từ 10.500ha mía hiện nay xuống còn khoảng 6.000ha trong các vụ tới. Như vậy, những vùng mía ngoài đê bao, vùng sản xuất kém hiệu quả…, tỉnh Hậu Giang sẽ khuyến khích người dân chuyển từ đất trồng mía sang trồng các loại cây ăn trái, rau màu khác cho hiệu quả hơn.

Tại tỉnh Long An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, diện tích mía niên vụ 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh đã giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2017.Theo đó, diện tích trồng ước đạt 5.736ha, bằng 61,5% so với cùng kỳ năm 2017. Mía ở Long An được trồng tập trung tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa và Đức Huệ. Huyện Bến Lức có diện tích giảm mạnh nhất, trên 1.500ha, theo đó đầu năm 2018 có gần 6.000ha, thì đến nay, diện tích mía đã giảm còn hơn 4.300ha, nông dân ở đây đã chuyển sang trồng các cây khác như chanh, tràm vàng, mai, lúa…

Tại các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng… nhiều nông dân trồng mía cũng lao đao vì giá thấp và khó bán. Theo nhiều nông dân tính toán, vụ mía năm nay bà con đầu tư chi phí khoảng 50 triệu đến 60 triệu đồng/ha, nhưng do giá mía thấp, chữ đường giảm, tiêu thụ chậm… khiến nông dân trồng mía bị lỗ bình quân tới 20 triệu đồng/ha.

Theo các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mía tiêu thụ chậm như hiện nay là do giá đường cát trên thị trường quá thấp, nhưng vẫn khó bán. Số lượng đường tồn kho ở các nhà máy ngày càng tăng nên các nhà máy không dám mua nhiều mía để chế biến. Thậm chí do lượng đường nhập lậu qua biên giới cũng là một trong những nguyên nhân kéo giá đường nội địa sụt giảm và khó bán.

Các nhà chuyên môn cho rằng, để cây mía vượt qua giai đoạn khó khăn và từng bước phát triển ổn định thì cần thay đổi cơ cấu giống theo hướng chất lượng, năng suất cao; tăng cường liên kết giữa nông dân với nhà máy để hình thành “cánh đồng lớn”; áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng đường nhập lậu. Bên cạnh đó, những nhà máy đường đẩy mạnh đầu tư mới công nghệ, mở rộng công suất hoạt động… đưa ngành mía đường từng bước hội nhập, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Cùng với đó, các địa phương phải đi đầu trong quy hoạch vùng nguyên liệu với quy mô lớn để có điều kiện áp dụng kỹ thuật mới về phân bón, giống, thâm canh, thủy lợi… Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, cơ giới hóa từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sinh học sản xuất, lai tạo các giống mía mới như các giống lai, giống thuần cho năng suất cao…

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam

Chia sẻ bài viết