17/05/2018 - 21:52

Nhiều cơ hội và thách thức từ các FTA thế hệ mới 

Đến nay, nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đặc biệt, với việc tham gia các  FTA thế hệ mới  như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã mở ra rất nhiều cơ hội phát triển đất nước. Song, từ đó cũng có nhiều khó khăn, thách thức chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua.

Cơ hội và thách thức

Trong buổi nói chuyện mới đây tại diễn đàn Hội nhập và xúc tiến xuất khẩu năm 2018 được tổ chức tại TP Cần Thơ, chuyên gia Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương  mại Việt Nam, cho rằng phần lớn nội dung của Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn giữ như TPP, có 22 điều  được hoãn thực thi hoặc điều chỉnh.  Toàn bộ phần thương mại hàng hóa (bao gồm thuế quan, dệt may, quy tắc xuất xứ, hợp tác hải quan…) không thay đổi. CPTPP tuy không mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Việt Nam như TPP nhưng vẫn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư...

Nước ta còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới. Trong ảnh: Trái sầu  riêng và măng cụt  được bày bán tại một điểm kinh doanh ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Nước ta còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới. Trong ảnh: Trái sầu  riêng và măng cụt  được bày bán tại một điểm kinh doanh ở TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa khi nước ta tham gia các FTA thế hệ mới là rất lớn bởi theo lộ trình cam kết thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ dần được cắt giảm và xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại nhiều thị trường lớn. Đặc biệt, các cơ hội tích hợp của các FTA mang lại là rất lớn, nhất là FTA với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), với EU (EVFTA) và  hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội, chúng ta cũng cần nhận diện rõ các thách thức để chủ động vượt qua. Đó là cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn trên nhiều cấp độ. Đối với AEC tính cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ rất cao vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau. Đối với EVFTA và CPTPP, sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu dù lộ trình giảm thuế quan của nước ta là khá dài (thịt gà sau 11-12 năm, thịt heo tươi sau 10 năm, thịt heo đông lạnh sau 8 năm) do sức các sản phẩm này của nước ta còn rất kém so với các nước. Đối với sản phẩm nông nghiệp nói chung, thách thức lớn nhất vẫn là bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, nếu không thì dù thuế nhập khẩu của các nước được đưa về 0%, hàng nông sản nước ta vẫn khó xuất khẩu.

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nhân lực và thách thức  về thực thi cũng rất lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức lực lượng con người để thực thi tốt các cam kết và chủ động tranh tụng trong các vụ khiếu kiện, tránh bị trừng phạt thương mại và bảo vệ được nền sản xuất trong nước. Ngoài ra, nước ta còn đối mặt với các thách thức về an ninh mạng và thách thức về mặt xã hội. Những người nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, cũng như người dân sống và làm việc tại các khu vực nông nghiệp và nông thôn rất dễ bị tổn thương do trình độ sản xuất và khả năng cạnh tranh kém, khoảng cách giàu nghèo sẽ bị giãn ra, ảnh hưởng đến định hướng của sự phát triển nếu không thực thi hiệu quả chiến lược tăng trưởng bao trùm.

Hành động kịp thời

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, đòi hỏi các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và đối tác để thực thi cho đúng, đồng thời phải có các hành động kịp thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình và cho cả nền kinh tế.  

  Việt Nam đã và đang đàm phán các FTA thế hệ mới như: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA) có hiệu lực năm 1999; FTA Việt Nam-Chi Le (VCFTA) có hiệu lực từ 2014; FTA Việt Nam-Hàn Quốc đã ký tháng 5-2015; FTA Việt Nam-Liên minh Á-Âu  đã ký tháng 8-2015. Đặc biệt, vào tháng 12-2015, 10 nước ASEAN trong đó có Việt Nam đã thống nhất thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với khu vực mậu dịch tự do khá lớn, với dân số khoảng 625 triệu dân. Hiện nay, nước ta cũng đã và đang tiếp tục tham gia đàm phán: FTA Việt Nam-Hongkong (Trung Quốc); FTA với Israel; FTA với Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu; Hiệp định đối tác và đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Newzealand… Đặc điểm của các FTA thế hệ mới  bao gồm các nội dung trong cam kết WTO cộng thêm các nội dung cam kết mới theo hai hướng chính gồm: nội dung nào đã có trong WTO thì cam kết sâu rộng hơn hoặc đưa thêm một số nội dung mà WTO chưa điều chỉnh.

Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, việc cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô là rất quan trọng và có tính quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thể chế tốt bảo đảm tính công khai minh bạch và môi trường chính sách ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp- là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, cần tăng cường liên kết với các bên liên quan và quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mô hình quản trị và chiến lược kinh doanh để hạ giá thành sản xuất, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm chắc FTA về những nội dung liên đến lĩnh vực hoạt động của mình và các lộ trình giảm thuế và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của đối tác để được hưởng ưu đãi. Ông Nguyễn Vũ Lộc, Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Westfood), cho biết: “Xoài Peru hiện xuất khẩu vào Nhật Bản và Hàn Quốc có thuế suất 0%, trong khi xoài Việt Nam xuất sang các thị trường này hiện có thuế suất trên dưới 20%. Nhiều loại trái cây đóng hộp của Việt Nam xuất đi các nước cũng đều bị mức thuế khoảng 17-20%, như vậy mình đã yếu còn lại “chấp thuế người ta nên sản phẩm khó cạnh tranh. Do vậy, tham gia CPTPP, EVFTA, cũng như các FTA thế hệ mới khác tương tự, trái cây và hàng nông sản Việt Nam nói chung được giảm thuế, tạo cơ hội cho xuất khẩu. Doanh nghiệp cần nắm rõ lộ trình giảm thuế từng mặt hàng để tận dụng tốt cơ hội”. Theo ông Lộc, tới đây công ty sẽ tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA nói chung để đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới sang các thị trường còn nhiều tiềm năng, nhất là Nhật Bản và Canada. Thời gian qua, các sản phẩm trái cây và nước ép trái cây đóng hộp của công ty đã  được xuất khẩu  đi rất nhiều nước trên thế giới.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam,  cho rằng: “Các FTA thế hệ mới họ đặt ra các yêu cầu về chất lượng hàng rất khắt khe, trong đó đòi hỏi hàng nông sản phải an toàn, đảm bảo chất lượng theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm”. Theo Tiến sĩ Võ Mai, gia nhập sân chơi quốc tế thì nông dân cần phải tìm hiểu nắm rõ các quy định và tuân theo các cam kết quốc tế. Thời gian qua, Hội làm vườn Việt Nam cũng đã tích phối hợp các bên liên quan thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích nông dân tại các địa phương phát triển sản xuất trái cây theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP để phát triển xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết