30/08/2017 - 21:15

Thị trường xuất khẩu cá tra

Nhiều cơ hội và thách thức mới 

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường xuất khẩu cá tra đang có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu mới được hình thành và phát triển nhanh, tiêu thụ với lượng hàng khá lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cá tra Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi mà tiêu chuẩn sản phẩm cá tra nhập khẩu của nhiều nước bắt đầu có sự thay đổi và trở thành rào cản lớn cho con cá tra...

Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc 2) tập trung thực hiện các công đoạn chế biến, phi lê cá tra xuất khẩu. 

Tăng thị trường xuất khẩu

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA), đến giữa tháng 8-2017, ở các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL thu hoạch cá tra với diện tích trên 2.120ha, có tổng sản lượng gần 650.000 tấn (giảm 6% so với cùng kỳ 2016), năng suất trung bình 306 tấn/ha. Hiện nay, diện tích nuôi mới trên 2.100ha, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng thu hoạch cao như: Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang và TP Cần Thơ. Những tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra có xu hướng tăng. Cụ thể: đến cuối tháng 6-2017, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 836 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường Trung Quốc và Hồng Công, Brazil, Mexico, Colombia tăng so với cùng kỳ; thị trường Mỹ, EU, ASEAN giảm so với cùng kỳ.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VINAPA, phân tích: “Theo số liệu thống kê đầu năm 2017 đến nay, diện tích vùng nuôi, năng suất và sản lượng cá tra vẫn giữ mức tương đương cùng kỳ 2016. Thị trường cá tra xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng, trong đó thị trường Mỹ tuy chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng xu hướng cơ cấu thị trường đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ khiến doanh nghiệp, nhà xuất khẩu phải chú ý trong thời gian tới”. 

Nhận định thị trường xuất khẩu cá tra của VINAPA cho rằng từ năm 2009 đến nay thị trường nhập khẩu cá tra vào EU có xu hướng giảm; thị trường Mỹ tăng liên tục giai đoạn 2007-2012 và sau đó ổn định; thị trường Trung Quốc - Hồng Công tăng liên tục đến nay.

Đối với thị trường EU sụt giảm mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2017 kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 101 triệu USD, giảm 24,1%, nguyên nhân do gặp cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng bản địa (cá tuyết, cá Alaska, Pollock), cá biển khác (cá ngừ, cá hồi) và bị truyền thông một số nước EU bôi xấu hình ảnh cá tra.

Trong khi đó, VINAPA nhận định về thị trường Trung Quốc có xu hướng gia tăng về giá trị và kim ngạch xuất khẩu. Dự báo của VINAPA đến cuối năm 2017 cá tra xuất vào Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ và vươn lên dẫn đầu... Tuy nhiên, việc xuất khẩu này sẽ gặp nhiều thách thức do những quy chuẩn, rào cản kỹ thuật mới từ các nước nhập khẩu.

Nhiều thách thức

Theo VINAPA, đến nay Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng cá tra Việt Nam hiện đang đứng trước 3 trở ngại, thách thức lớn ở nước này. Đó là DOC (Bộ Thương mại Mỹ) công bố mức thuế cao áp cho cá tra (POR12) và từ ngày 1-8 vừa qua kiểm tra 100% lô hàng cá tra, ngày 1-9 bắt đầu thực thi đầy đủ qui định của Đạo luật nông trại Mỹ (Farm Bill).

Trong đó có 3 vấn đề tập trung kiểm tra về nhãn mác, các thông số ghi trên bao bì và dư lượng hóa chất. FSIS (Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm Mỹ) kiểm soát nghiêm ngặt theo từng công đoạn từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy chế biến… Những điều này sẽ trở thành rào cản cho thị trường xuất khẩu cá tra.

Doanh nghiệp thu mua, vận chuyển cá tra xuất về cơ sở để chế biến.

Đối với thị trường Trung Quốc, tuy dự báo đến cuối năm 2017 sẽ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, vươn lên dẫn đầu. Tuy vậy, thị trường Trung Quốc vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Bởi, chi phí vận chuyển cao, trở ngại trong thanh toán và là điểm nóng về an toàn vệ sinh thực phẩm... Việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng là vấn đề cần đặt ra, cá tra xuất sang Trung Quốc cũng đáp ứng theo tiêu chuẩn nhất định mà thị trường nước này yêu cầu...

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, thời gian tới,  cá tra vẫn còn nhiều cơ hội mới, thị trường xuất khẩu mới xuất hiện ở một số nước đang nhập khẩu cá tra... Đồng thời, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra dự thảo về TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) - Quy phạm thực hành chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh để lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Đào Trọng Hiếu, Trưởng phòng Phát triển thị trường thủy sản – Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết: “Dự thảo TCVN Quy phạm thực hành chế biến sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có liên quan đến công đoạn chế biến cá tra là nhằm mục tiêu đáp ứng các điều kiện theo tiêu chuẩn thống nhất chung về qui trình chế biến; đồng thời khuyến khích đơn vị chế biến, sản xuất áp dụng quy phạm này để nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu... Sau 2 năm khảo sát thực hiện dự thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp đến cuối năm 2017 chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Khoa học Công nghệ công bố, áp dụng trên cả nước”.

Để đáp ứng thị trường xuất khẩu cá tra trong thời gian tới, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho biết thêm: “Dự báo, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt khoảng 1,7 tỉ USD. Cá tra tuy gặp thách thức trong khâu xuất khẩu, nhưng thị trường vẫn mở ra nhiều cơ hội. Để giữ vững phát triển ngành hàng cá tra cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để cải thiện chất lượng từ con giống, nuôi cá thương phẩm đến chế biến và môi trường; tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam nhằm phát triển thị trường...”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết