11/09/2017 - 10:40

Nông nghiệp huyện Cờ Đỏ

Nhiều chuyển biến tích cực 

Huyện Cờ Đỏ có diện tích tự nhiên trên 31.000ha, trong đó có 26.500 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hằng năm, ngoài sản xuất lúa với tổng diện tích khoảng 66.000ha/năm, huyện còn sản xuất trên 4.200ha rau màu, nuôi thủy sản với diện tích trên 5.200ha và chăn nuôi hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm… Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.800 ha vườn cây ăn trái, trong đó có trên 80% vườn cây đang cho trái. Thời gian qua, huyện Cờ Đỏ tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thêm thu nhập cho nông dân.

HIỆU QUẢ SẢN XUẤT...

Điển hình trong các mô hình được nhân rộng là mô hình phát triển cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu ở huyện Cờ Đỏ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, mô hình này tiếp tục triển khai ở 10 xã, thị trấn của huyện với trên 13.000 hộ tham gia cả 3 vụ, tổng diện tích thực hiện trên 33.560 ha, đạt 103% kế hoạch năm, tăng hàng chục ngàn ha so với năm đầu triển khai thực hiện (năm 2013). Nông dân tham gia cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 150 đồng/kg trở lên, góp phần tăng thêm lợi nhuận so với ruộng lúa sản xuất bên ngoài mô hình. Theo nhiều bà con ở Tổ cánh đồng lớn ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, trước đây bà con trồng lúa rất lo về đầu ra sản phẩm, bởi đến mùa thu hoạch rộ giá lúa thường giảm mạnh, thậm chí có lúc bán không được. Nhưng nhiều năm nay, bà con rất an tâm về vấn đề đầu ra do tham gia mô hình cánh đồng lớn và được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Bên cạnh đó, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu còn được áp dụng thực hiện các khâu liên kết trong làm đất, bơm tát nước tập thể, xuống giống tập trung đồng loạt đã giúp nông dân thuận lợi trong khâu cơ giới; doanh nghiệp cung cấp trực tiếp nhiều loại vật tư đầu vào nên nông dân có nhiều điều kiện giảm phí sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lúa và tăng thêm lợi nhuận ít nhất 2 triệu đồng/ha/vụ.

Lãnh đạo huyện Cờ Đỏ kiểm tra sản xuất lúa và vận động nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả canh tác. Ảnh: HÀ VĂN

Ông Trần Văn Tâm, nông dân xã Thới Xuân, cho biết: “Nhiều năm nay tham gia cánh đồng lớn, sản xuất lúa của gia đình tôi được nhiều thuận lợi. Tôi thường xuyên được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học, cơ cấu lại cây trồng phù hợp thời vụ… Đặc biệt được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cung cấp giống và các loại vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng cho nông dân. Đến thời điểm thu hoạch lúa, doanh nghiệp bố trí người đến tận ruộng để thu mua lúa tươi với giá từ bằng đến cao hơn bên ngoài thị trường, nhờ đó lợi nhuận thu được hơn 30 triệu đồng/ha”. 

Ngoài mô hình trồng lúa, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất cho hiệu quả cao như mô hình “lúa – tôm”, sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây màu trên nền đất lúa, hay trồng luân canh cây màu với cây lúa... Một số bà con nông dân còn tận dụng diện tích bờ bao, đất trống xung quanh nhà trồng hoa màu, tăng thêm thu nhập. Thời gian qua, huyện Cờ Đỏ cũng hình thành một số vùng sản xuất tập trung rau màu, hoa cây cảnh và cây ăn quả đặc sản như mô hình trồng chuyên canh chuối già cấy mô có nguồn gốc từ Nam Mỹ ở Thới Hưng…

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

Huyện Cờ Đỏ hiện là một trong những địa phương thuộc TP Cần Thơ được tham gia thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Mục tiêu của Dự án VnSAT là tăng 30% lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Tham gia dự án này, nông dân được tập huấn hỗ trợ để hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Với kỹ thuật này, cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, nhất là đối với sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá,  lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng được sử dụng hạn chế nên tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác hại đến môi trường. Cùng với đó, huyện Cờ Đỏ cũng tích cực chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện mới.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, địa phương hiện đang thí điểm trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như: mô hình trồng cúc tại xã Trung Hưng; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa ở xã Thới Hưng, Đông Thắng và xã Thới Xuân; mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạc ở xã Trung An, Trung Hưng; mô hình nuôi heo đực gieo tinh nhân tạo ở xã Thới Xuân... Các mô hình này hứa hẹn cho kết quả khá cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, 8 tháng qua, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức 2 cuộc hội thảo, trên 10 lớp tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân; nạo vét 7 kênh nội đồng với tổng chiều dài 5,68km (tổng kinh phí thực hiện 227 triệu đồng do nhân dân đóng góp), phục vụ 295 ha đất sản xuất nông nghiệp; thực hiện 18 công trình thủy lợi tạo nguồn, với tổng chiều dài trên 51km, khối lượng nạo vét 514.808 m3, phục vụ hàng chục ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi tồng thủy sản... Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT  huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo các trạm chuyên môn phối hợp cùng địa phương thăm đồng định kỳ vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần để kịp thời phát hiện dịch bệnh và hướng dẫn nông dân xử lý. Bên cạnh đó, địa phương củng cố, đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch hại từ huyện đến các xã, thị trấn; phân công từng cán bộ chịu trách nhiệm địa bàn cụ thể, thường xuyên kiểm tra và thông báo dịch hại để nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục vận động bà con nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, nhất là nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả cao...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cờ Đỏ