09/07/2010 - 20:43

Nhiều bến khách ngang sông Hậu chưa an toàn

Thời gian qua, các cơ quan chức năng địa phương đã có nhiều nỗ lực để đưa hoạt động của các bến khách ngang sông (BKNS) trên tuyến sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, sau khi Cụm phà Hậu Giang ngưng hoạt động, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa trên tuyến sông Hậu trở nên phức tạp, vì một số người dân tự ý dùng phương tiện của gia đình đưa rước khách qua lại tuyến sông này. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất cao về tai nạn giao thông đường thủy.

4 giờ sáng 25-6-2010, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy tổ chức tuần tra, kiểm soát các BKNS trên tuyến sông Hậu, chỉ trên đoạn sông hơn chục cây số (từ Cụm phà Hậu Giang (cũ) đến phường Phước Thới, quận Ô Môn) có đến 3-4 BKNS hoạt động khá phức tạp. Hàng ngày, các bến khách này hoạt động từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, thường xuyên chở quá số người quy định (chở gấp rưỡi sức chở cho phép). Đây là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy nội địa, nhất là đang trong mùa mưa bão.

Tại Bến đò Cái Chôm- Xẻo Lá thuộc phường Phước Thới, lực lượng CSGT đường thủy đã phát hiện phương tiện mang biển số VL:13191, do ông Nguyễn Văn Mười, ngụ xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long điều khiển chở 105 người và 50-60 chiếc mô tô và xe đạp, trong khi phương tiện này chỉ đăng ký chở 49 người. Phương tiện đưa khách từ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long sang làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, chở dư 54 người, kẻ thì đứng vịn phương tiện của mình, người ngồi trên ghế nhựa nhỏ... trong khi ghe lắc lư hết sức nguy hiểm.

 Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ kiểm tra giấy phép hoạt động Bến khách ngang sông tại Bến đò  Cái Chôm - Xẻo Lá.

Do nhu cầu của người dân ở bờ Vĩnh Long sang bờ Cần Thơ mua bán, học tập và làm việc tăng cao, nếu đi đường bộ vòng cầu Cần Thơ bằng xe hon-đa ôm phải mất từ 30.000 đồng-40.000 đồng, xa hàng chục cây số nên một số người dân dùng phương tiện của gia đình không đăng ký, đăng kiểm (ĐKĐK) và người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn (CCCM), làm phương tiện đưa rước khách ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ngang sông Hậu (thuộc khu vực cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Mặc dù, CSGT Công an TP Cần Thơ kết hợp với Thanh tra giao thông thành phố nhiều lần xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện 10 ngày... nhưng sau đó phương tiện lén lút hoạt động trở lại... Đa phần các phương tiện này chở người và xe đạp mua rau, củ ở huyện Bình Tân và huyện Bình Minh sang các chợ nhỏ ở Cần Thơ bán lại. Mỗi ngày phương tiện này hoạt động 3 đợt: sáng từ 5-6 giờ; trưa 11 -12 giờ; chiều 16 -17 giờ. Điều đáng nói là phương tiện chở khách này rất nhỏ, không đảm bảo các quy định về giao thông đường thủy nội địa, chở người và xe đạp vượt sông Hậu không đảm bảo an toàn cho hành khách.

Còn tại Bến đò Rạch Nọc, phường Phước Thới, quận Ô Môn, khi nghe thông tin có Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ đến, chủ phương tiện đã điều chỉnh giờ chạy khác hơn mọi ngày để không bị bắt quả tang. Đây là một kiểu đối phó với lực lượng chức năng, bởi vì, nhiều lần bến đò này đã bị CSGT đường thủy xử phạt hành chính do chở quá số người quy định. Tại bến đò này, lúc 7 giờ ngày 8-6-2010, CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ đã phát hiện phương tiện mang biển số ĐT:17982, do ông Nguyễn Thành Lợi, ở phường Thới An, quận Ô Môn điều khiển, chở 95 người và 50 mô tô, trong khi phương tiện của ông chỉ đăng ký chở 49 người. Phương tiện tại bến khách này đều bằng gỗ rất cũ kỹ, một số phao cứu sinh treo trên mui đầy bụi bặm, dường như đã lâu không sử dụng... Khi đò cập bến, nhiều hành khách e ngại trước ống kính ghi hình của chúng tôi và vội vàng lên bờ để kịp vào ca sáng. Rõ ràng, hành khách sang sông còn rất chủ quan, chỉ thấy trước mắt là qua đò đỡ tốn chi phí và thời gian hơn đi vòng đường cầu Cần Thơ mà chọn cách đi bằng phương tiện đò thiếu an toàn cho tính mạng và tài sản của hành khách.

Tại Bến đò Cô Bắc thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Đoàn kiểm tra phát hiện phương tiện mang biển số VL: 6424 đưa khách từ xã Tân Quới, huyện Bình Tân sang Bến đò Cô Bắc, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) chở 51 người, khoảng 30 chiếc mô tô và xe đạp, do ông Võ Thanh Long, ở xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long điều khiển. Điều bất ngờ hơn là khi đến đầu cồn Sơn, ông Long vô tư ghé cho khách lên dọc đường (không bến bãi), khi CSGT phát hiện, ông Long lý giải: “Do khách yêu cầu lên bờ tại khu vực đó nên tôi phải chiều khách”. Ông Long bị CSGT xử phạt hành chính về hành vi trả khách không đúng bến, còn việc chở quá số người quy định thì lực lượng chỉ nhắc nhở... Trước đây, Bến đò Cô Bắc, hoạt động bằng vỏ lãi đưa đò dọc, nhưng sau khi phà Cần Thơ ngưng hoạt động, nhu cầu của người dân qua sông tăng cao nên một số người dân nơi đây góp cổ phần, tổ chức BKNS, kể từ đó tình hình tại bến này diễn biến phức tạp”.

Người dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long còn nhớ rất rõ vụ TNGT đường thủy xảy ra cuối năm 2009, cũng trên sông Hậu, một chiếc đò chở 4 du khách người nước ngoài tham quan Vĩnh Long bị tai nạn đã nhấn chìm 4 du khách, bà con cứu vớt được 2 người, còn 2 người mất tích. Còn tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, trên tuyến sông Rạch Ông Bền (trước cổng Trường Tiểu học Thới An Đông II), bà Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1969, ngụ khu vực Thới Hòa, phường Thới An Đông, dùng ghe tam bản nhỏ của gia đình không ĐKĐK, không bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, làm phương tiện đưa rước học sinh sang sông. Trong quá trình chở 17 học sinh từ trường ra giữa sông thì ghe bị chìm, nhờ bà con hai bên bờ kịp thời cứu vớt đưa đi cấp cứu, nên không có trường hợp bị tử vong.

Trung tá Vũ Đức Hưng, Đội trưởng Đội xử lý TNGT (thuộc Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ), cho biết: “Sau khi phà ngưng hoạt động, lưu lượng khách tại các BKNS trên tuyến sông Hậu tăng đột biến, tình trạng vi phạm chở quá số người quy định diễn ra thường xuyên và phức tạp, nguy cơ TNGT thủy cao... Cụ thể như: Bến đò Rạch Nọc, bến Cái Chôm- Xẻo Lá, bến Cô Bắc... trong giấy phép đăng ký chỉ chở 45 hoặc 49 người, nhưng khi các phương tiện hoạt động lại chở từ 95 người đến 150 người. Tuy nhiên, quá trình xử lý, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, do các BKNS tự phát hoạt động từ 4-5 giờ sáng, buổi trưa và chiều. CSGT đường thủy đã xử phạt nhiều lần nhưng do nhu cầu đi lại của người dân nên khi lực lượng qua khỏi thì các chủ các BKNS vẫn tiếp tục cho phương tiện hoạt động trở lại”. Dì Hai Hồng ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, tâm sự: “Gần chục năm qua, tôi mua hàng nông sản của người dân địa phương sản xuất mang sang bỏ mối tại các chợ ở Cần Thơ, mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, từ khi phà ngưng hoạt động, nếu chở hàng đi vòng cầu Cần Thơ rất xa, chi phí cao, không có lời. Do vậy, chúng tôi đành bấm bụng đi bằng đò ngang, với giá qua sông từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chuyến, dù biết đi bằng phương tiện này không đảm bảo an toàn”.

Theo ông Đoàn Thanh Vũ, Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy khu vực 4, Phó Đoàn kiểm tra liên ngành TP Cần Thơ: “Gần đây, các BKNS trên tuyến sông Hậu vi phạm các lỗi phổ biến nhất: chở quá số người quy định. Điều đáng nói là mặc dù Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố và CSGT đường thủy đã nhiều lần xử phạt hành chính nhưng các BKNS này vẫn cố tình vi phạm. Trong đó có yếu tố vì hám lợi của chủ phương tiện và sự chủ quan của hành khách. Vi phạm này rất nguy hiểm, nếu gặp sóng to, gió lớn hoặc một phút bất cẩn của hành khách thì hậu quả rất khó lường. Nhiều người dân trên tuyến sông Hậu lo lắng, đề nghị Ban ATGT và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Cần Thơ sớm có kế hoạch rà soát, mở BKNS tại khu vực bến phà (cũ) để phục vụ nhu cầu đi lại, làm việc, học hành và mua bán của người dân hai bờ Vĩnh Long và Cần Thơ”.

Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, kiêm Phó Ban ATGT thành phố, cho biết: “Trước nhu cầu qua sông của người dân sinh sống, làm việc ở hai bờ Vĩnh Long và Cần Thơ (nếu đi đường cầu Cần Thơ phải vòng rất xa nên bà con chọn cách đi bằng phà để đỡ tốn thời gian, chi phí, chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long mở tuyến xe buýt từ Vĩnh Long qua cầu Cần Thơ, đến trung tâm TP Cần Thơ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nhất là học sinh và công nhân lao động sang học tập và làm việc tại TP Cần Thơ. Sở GTVT thành phố lập đề án “Đầu tư xây dựng bến phà phục vụ dân sinh”, đang chờ ý kiến ngành chức năng, sau đó trình UBND TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long để xin Bộ GTVT cho phép 2 địa phương mở bến phà tại vị trí bến phà cũ. Dự kiến, bố trí ít nhất 3 chiếc phà (2 chiếc hoạt động, 1 chiếc dự phòng), tải trọng mỗi chiếc phà từ 50-60 tấn để phục vụ cho bà con đi lại an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ...”.

Mong rằng những đề xuất của lãnh đạo hai địa phương sớm được Bộ GTVT chấp thuận, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi lại bằng phà, ngăn chặn vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa của BKNS, đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách có nhu cầu sử dụng phương tiện thủy khi qua sông Hậu...

Bài, ảnh: Xuân Đào

Chia sẻ bài viết