27/11/2017 - 21:48

Dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học 2018

Nhiều băn khoăn, lo lắng 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dự kiến, tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) từ năm 2018 trở đi, sẽ bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng ghi nhận từ cán bộ quản lý các trường CĐ, trung cấp (TC) ở Cần Thơ, cho thấy nhiều sự băn khoăn, lo lắng từ dự định này.

Lo về nguồn tuyển

Điểm sàn là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh dự kỳ thi 3 chung  (chung đề, chung đợt và chung kết quả) của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, các trường đưa ra mức điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường, từng ngành. Nhưng theo Bộ GD&ĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018 trở về sau, dự kiến “khai tử” điểm sàn. Theo lý giải của Bộ, các trường ĐH sẽ phải xây dựng đề án tuyển sinh hoàn chỉnh; nhất là những quy định về công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 2 năm gần nhất… Sau đó cung cấp rộng rãi thông tin về các điều kiện tuyển sinh, Bộ GD&ĐT có thể không cần thiết phải quy định điểm sàn nữa mà trao quyền đó cho từng trường và xã hội. Đây cũng là quá trình đảm bảo quyền tự chủ của trường.

Dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ điểm sàn năm 2018. Thí sinh tốt nghiệp THPT có nhiều cơ hội vào trường ĐH. (Trong ảnh: Thí sinh ở Cần Thơ dự Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017). Ảnh: B.KIÊN

Sự đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD&ĐT thực hiện trong 3 năm qua, đã phần nào hiện thực hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý các trường CĐ, TC ở Cần Thơ, dự định bỏ điểm sàn trong năm 2018 gây nhiều băn khoăn.

Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ, cho biết: Việc Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn, chắc chắn nguồn tuyển sinh sẽ nghiêng về phía các trường ĐH, khiến các trường CĐ gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, tuyển sinh năm 2017 của trường đạt chỉ tiêu đề ra. Thế nhưng thời gian tới, tuyển sinh ở các trường CĐ nói chung, của trường nói riêng khó tránh khỏi khó khăn. Nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn ĐH, sẽ không còn sự phân tầng trong tuyển sinh. Thầy Chinh lý giải: “Những thí sinh dưới điểm sàn ĐH thì vào học CĐ; còn dưới điểm sàn CĐ thì vào học TC. Dự kiến, năm 2018, Bộ sẽ bỏ điểm sàn ĐH; như vậy, sẽ không còn rào cản đối với thí sinh và tâm lý chung của các em là chỉ muốn vào học ĐH. Một số trường CĐ vẫn tuyển đủ là nhờ uy tín, thương hiệu, giải quyết việc làm cho sinh viên”.

Đồng tình quan điểm trên, Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Ảnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Mekong, cho biết: Vài năm gần đây, các trường TC lâm vào hoàn cảnh khó khăn về nguồn tuyển sinh. Những thay đổi trong tuyển sinh của Bộ, càng khiến các trường tuyển sinh vất vả hơn. Việc Bộ sẽ bỏ điểm sàn, khiến thí sinh tìm mọi cách vào học ĐH; thậm chí học TC, CĐ của trường ĐH.

Đề xuất chưa vội bỏ điểm sàn

TP Cần Thơ hiện có 5 trường ĐH công lập và ngoài công lập; 7 trường CĐ, 3 phân hiệu đào tạo trình độ CĐ, 14 trường đào tạo trình độ TC... Qua thống kê, năm 2017, phần lớn các trường CĐ tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, trừ  2 trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, Nghề Cần Thơ; thậm chí có một số ngành không có thí sinh học. Theo cán bộ quản lý các trường, điểm sàn không phải là nguyên nhân duy nhất ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường; bởi một số trường ĐH có điểm chuẩn trúng tuyển cao.

Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội phổ biến, học sinh ưu tiên chọn học ĐH, sau đó mới đến các trường CĐ, TC. Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh vẫn chưa được làm tốt. Do đó, để vừa đảm bảo chất lượng đầu vào các trường ĐH, vừa giúp trường CĐ, TC có nguồn tuyển, Bộ GD&ĐT nên tiếp tục duy trì điểm sàn ĐH. Nếu bỏ điểm sàn thì Bộ nên lùi thời gian thực hiện một vài năm nữa.

Thạc sĩ Phạm Việt Ngoan, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Cần Thơ, cho rằng, với chính sách bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, nguồn tuyển của trường có thể bị chia sẻ, chất lượng đầu vào thấp. Các cơ quan quản lý nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ở trình độ ĐH; tránh trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu, ảnh hưởng nguồn tuyển của các trường TC,CĐ.

Theo Tiến sĩ bác sĩ Hồng Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Mekong, Bộ nên giữ điểm sàn để ổn định, đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường. Kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh của trường, trong 500 thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển, trường căn cứ vào tiêu chuẩn và chỉ tiêu xét tuyển, để tuyển được 300 em. Những em trúng tuyển có trình độ đồng đều, đạt chất lượng, công tác giảng dạy của giáo viên hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

***

Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không nên bỏ điểm sàn ĐH vào năm 2018. Theo cán bộ các trường, Bộ GD&ĐT cần thận trọng khi đưa ra quyết định chính thức, bởi sẽ liên quan nhiều yếu tố; trong đó có chất lượng của Kỳ thi THPT Quốc gia- cơ sở để các trường xét vào ĐH; sự phân tầng trong tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào ở các trường; công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh…

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết