18/10/2015 - 17:37

Nhiếp ảnh ĐBSCL vẫn giữ vững “phong độ”!

Nhiếp ảnh ĐBSCL hiện đang phát triển như thế nào? Làm sao để nhiếp ảnh đồng bằng hội nhập với thế giới?... Đó là những vấn đề được các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) bàn bạc tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL tại TP Cần Thơ, diễn ra vào sáng 18-10. Các nghệ sĩ đánh giá, nhiếp ảnh ĐBSCL vẫn giữ vững "phong độ" lá cờ đầu của cả nước, song để tiệm cận với nhiếp ảnh hiện đại, các nghệ sĩ cần cải tiến, đổi mới.
Báo Cần Thơ xin giới thiệu một số ý kiến tại buổi tọa đàm này.

 

NSNA Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam:
NHIẾP ẢNH ĐBSCL VẪN RẤT "KHỎE KHOẮN"!

Điều đáng mừng của Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần thứ 30 tổ chức tại TP Cần Thơ là số lượng tác giả, tác phẩm dự thi rất đông với gần 3.000 tác phẩm của 428 tác giả. Con số ấn tượng này nói lên sức sống khỏe khoắn của nhiếp ảnh đồng bằng. Đặc biệt, ảnh dự thi năm nay có chất lượng rất tốt, cả về nội dung lẫn kỹ thuật làm ảnh, nhất là thể loại ảnh đen trắng. Gần 3.000 tác phẩm phản ánh nhiều lĩnh vực, toát lên sức sống của vùng đất miền Tây sông nước. Điều đáng ghi nhận nữa là so với nhiều năm trước, cuộc thi phát hiện nhiều tay máy trẻ, triển vọng, với góc nhìn và cách thể hiện mới lạ, ấn tượng. Đây là lực lượng kế thừa đáng tin cậy, có đủ đam mê, thiết bị công nghệ, trí tuệ…

Cách đây 30 năm trước, cũng tại Cần Thơ, Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức với sáng kiến của cố nhà thơ Bảo Định Giang và cố NSNA Lâm Tấn Tài. Hôm khai mạc chấm ảnh (17-10), chúng tôi đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các vị. Từ sáng kiến này, liên hoan đã được phát triển ra khắp 8 khu vực trong cả nước cho đến hôm nay. Cũng từ ĐBSCL, cách chấm ảnh online đã được sáng kiến và nhân rộng trong cả nước. Điều đó chứng tỏ sự năng động, không ngừng đổi mới của nhiếp ảnh đồng bằng.

 

NSNA đặc biệt xuất sắc (E.VAPA/G) Bùi Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan:
ĐỪNG QUÁ PHỤ THUỘC VÀO KỸ THUẬT

Qua chấm ảnh liên hoan lần này, tôi muốn chia sẻ rằng, hiện nay kỹ thuật, công nghệ đang giúp nhiếp ảnh phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá phụ thuộc vào kỹ thuật, đừng để kỹ thuật quyết định tác phẩm mà phải là trái tim của người nghệ sĩ. Tôi đưa ra hai dẫn chứng. Đầu tiên là ống kính fish-eye (loại ống kính có cấu tạo đặc biệt, làm cong hình ảnh giống như mắt cá – PV). Rất nhiều nghệ sĩ dùng ống kính này thể hiện tác phẩm nhưng không phù hợp, lạm dụng, nhất là khi chụp các công trình kiến trúc, nhà máy, xí nghiệp, ta cứ bẻ cong vút, làm biến dạng, mất tính chân thực của bức ảnh. Thứ hai là công nghệ flycam (thiết bị bay có gắn camera-PV), ta cũng đang biến nó thành "trào lưu". Tuy nhiên, đây chỉ như thời trang, rồi cũng sẽ chán theo thời gian!

Tôi muốn gửi gắm thêm rằng, các NSNA cần đổi mới tư duy chụp ảnh. Nhiều tác giả năm trước có tác phẩm đạt giải, năm nay lại chụp với bố cục, cách thể hiện "na ná". Điều này là không nên, bởi nhiếp ảnh đòi hỏi sự sáng tạo, mới mẻ, trước hết ngay bản thân người cầm máy phải đổi mới hằng ngày.

 

NSNA xuất sắc quốc tế (E.FIAP) Quảng Ngọc Minh (An Giang):
CẦN NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG

Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL tổ chức hằng năm suốt 30 năm qua đã trở thành cuộc hội ngộ của giới NSNA chúng tôi. Cứ sau cuộc thi năm, anh em lại lao vào sáng tác cho mùa giải sau. Dù cho tác giả có giải hay không họ vẫn đến liên hoan để xem chấm ảnh, rút kinh nghiệm. Nhiếp ảnh đồng bằng không phát triển rôm rả nhưng bền bỉ, vững chắc thể hiện qua mỗi kỳ liên hoan.

Nhưng có điều tôi băn khoăn là so với công sức anh em bỏ ra đầu tư cho tác phẩm thì số lượng giải thưởng và trị giá giải thưởng chưa xứng tầm, nếu không muốn nói quá thấp. Điển hình như ở tỉnh An Giang, giải thưởng nhiếp ảnh cấp tỉnh là 10 triệu đồng cho giải Nhất, cấp huyện là 6 triệu đồng trong khi giải khu vực ĐBSCL này chỉ 5 triệu đồng cho giải Nhất. Một thành quả "nuôi nấng" trong cả năm, "chen lấn" qua hàng ngàn tác phẩm để đạt giải mà trị giá giải thưởng không cao, chưa xứng tầm là điều cần suy ngẫm. Tôi mong rằng những năm tới, giá trị giải sẽ cao hơn để tạo động lực cho anh em.

 

NSNA Lâm Hương Nguyên (27 tuổi, Bạc Liêu):
NGƯỜI CẦM MÁY TRẺ PHẢI ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH RIÊNG

Theo tôi, điều mà nhiều người trẻ đam mê nhiếp ảnh còn thiếu là chưa định hình phong cách nhiếp ảnh riêng, chưa phác thảo cho mình được bố cục riêng mà còn đi theo lối mòn, mô típ của những người đi trước. Đây là khuyết điểm chung của nhiếp ảnh trẻ cả nước. Tại Festival nhiếp ảnh trẻ vừa qua, các chuyên gia nhiếp ảnh cũng đã nhận định như vậy. Theo tôi, nguyên nhân cũng một phần do các cô chú NSNA đi trước đã "lùng sục" thể loại, đề tài, cách thể hiện… nên vùng đất ĐBSCL cũng không có quá nhiều "đất" để các tay máy trẻ khai thác: cũng là thành tựu kinh tế, làng nghề, thủy sản, nông nghiệp…

Lợi thế của các tay máy trẻ như chúng tôi là tiếp cận công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, làm đẹp thêm cho bức ảnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên lạm dụng. Một khi chụp ảnh là phải cho ra một tác phẩm thật tốt, ngay từ lúc bấm máy, không phải đợi đến hậu kỳ. Bởi ta thi nhiếp ảnh chứ không phải thi hậu kỳ, thi xử lý ảnh. Photoshop giờ đã trở thành "phù thủy" của nhiếp ảnh hiện đại, có thể "thiên biến vạn hóa". Nhưng nhiếp ảnh ngoài nghệ thuật cũng đòi hỏi tính nhân văn, chân thật và cảm xúc của người chụp.

ĐĂNG HUỲNH (ghi)

Chia sẻ bài viết