24/10/2014 - 09:28

Nhiều vấn đề nan giải tại hội nghị thượng đỉnh EU

Hôm qua 23-10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã có mặt tại Thủ đô Brussels của Bỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào mục tiêu thiết lập lộ trình cho vấn đề khí hậu và năng lượng vào năm 2030, cuộc khủng hoảng Ebola cùng những thách thức kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU được dự đoán phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thảo luận mục tiêu năng lượng - khí hậu vào năm 2030 để thay thế khuôn khổ hiện hành sẽ hết hạn vào năm 2020. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đặt ra 3 mục tiêu chính gồm: giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, tăng nguồn nhiên liệu xanh lên 27% trong tổng năng lượng sử dụng đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng lên 30%. Nếu thành công, EU sẽ là khối kinh tế lớn đầu tiên thiết lập mục tiêu giảm khí thải cho năm 2030, tạo bước đệm cho Hội nghị về năng lượng với các cường quốc công nghiệp khác trên thế giới sẽ diễn ra tại Thủ đô Paris của Pháp vào năm 2015.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các nước thành viên EU còn đang chia rẽ sâu sắc về chi phí xung quanh mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo khi một số quốc gia Đông Âu vốn có nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch lên tiếng không ủng hộ, trong khi một số nước khác lập luận rằng năng lượng xanh là cần thiết để hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Vấn đề năng lượng, môi trường đang gây chia rẽ EU. Ảnh: Bloomberg

Một vấn đề gai góc khác mà giới lãnh đạo EU phải giải quyết trong cuộc họp lần này với sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và người đứng đầu Nhóm Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem là đà tăng trưởng trong bối cảnh "sức khỏe" kinh tế Eurozone đang có dấu hiệu "mỏi mệt".

Trong cảnh báo hồi tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Eurozone có 40% nguy cơ rơi vào suy thoái với những thông tin tiêu cực về tỷ lệ lạm phát tháng 9 vừa qua giảm xuống mức thấp nhất (0,3%) trong vòng 5 năm qua trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức kỷ lục tại nhiều quốc gia. Mặt khác, Eurozone còn đang bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp leo thang về chính sách kinh tế khi Pháp và Ý kêu gọi Đức và Brussels linh hoạt hơn trong việc áp dụng các quy tắc tài chính, mà cụ thể là nới lỏng các chính sách khắc khổ và tăng cường đầu tư.

Ngoài hai nội dung chính nêu trên, hội nghị tại Brussels dự kiến còn đề cập những căng thẳng trong quan hệ với Nga quanh vấn đề Ukraina và mối đe dọa từ nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lộng hành tại Syrie và Iraq. Liên quan cuộc khủng hoảng Ebola, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về khả năng mở rộng quy mô hỗ trợ tài chính và chăm sóc y tế tại vùng tâm dịch ở Tây Phi. Hiện các nước thành viên EU đã cam kết khoản viện trợ 600 triệu euro cho cuộc chiến chống Ebola, nhưng theo nguồn tin chính phủ Anh, Thủ tướng David Cameron dự kiến kêu gọi các nhà lãnh đạo tăng số tiền hỗ trợ lên 1 tỉ euro.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Global Post, AFP)

Chia sẻ bài viết