22/12/2015 - 09:16

Nhật - Trung và “cuộc chiến” đường sắt cao tốc

Theo Thời báo Tài chính số ra ngày 20-12, Nhật Bản và Trung Quốc đang ra sức cạnh tranh để giành những dự án đường sắt cao tốc trị giá hàng tỉ đô la trong cuộc cách mạng hóa cơ sở hạ tầng khu vực, như bước đệm chiến lược gia tăng ảnh hưởng kinh tế trên toàn châu Á.

Hồi đầu tháng 10, Nhật Bản đã thất bại trong cuộc đua với Trung Quốc khi để vuột mất hợp đồng quan trọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 5 tỉ USD ở Indonesia vào tay Bắc Kinh. Nhưng trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tokyo đã "gỡ" lại cơ hội lớn hơn với thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc liên kết thành phố Mumbai đông dân nhất Ấn Độ với vùng Ahmedabad thuộc bang Gujarat với trị giá hợp đồng lên tới 15 tỉ USD.

Tàu cao tốc Shinkansen - biểu tượng sức mạnh công nghệ của Nhật Bản có thể đạt vận tốc 320 km/h. Ảnh: Telegraph

Hiện tại, Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực để xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc Shinkansen - biểu tượng đáng tự hào của xứ sở Mặt trời mọc về sức mạnh công nghệ thời hậu chiến, theo cam kết về xuất khẩu đầu tư cơ sở hạ tầng đạt 248 tỉ USD vào năm 2020 của Thủ tướng Abe. Do đó ngoài hợp đồng với Ấn Độ, Nhật Bản cũng đang hướng tới mục tiêu mới là xuất khẩu tàu cao tốc Shinkansen trong dự án tàu cao tốc nối liền Singapore và Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật như tập đoàn Hitachi hay tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi.

Theo giới phân tích, bản chất "cuộc chiến đường sắt cao tốc" Nhật – Trung không còn thuộc về vấn đề lợi nhuận, mà phản ánh sự mở rộng cạnh tranh giữa 2 cường quốc châu Á nhằm thể hiện sức mạnh công nghiệp và ảnh hưởng chính trị khu vực. Về chuyên môn, Bắc Kinh vịn vào công trình của họ là rẻ hơn với quy mô sản xuất lớn và chi phí lao động thấp để thu hút khách hàng. Trong khi đó, Nhật Bản - quốc gia xây dựng tàu cao tốc đầu tiên của thế giới hơn nửa thế kỷ trước, lấy tiêu chí an toàn với việc tàu Shinkansen chưa từng có tiền sử tai nạn để cạnh tranh. Để thắng thầu trong dự án đường sắt ở Indonesia, Trung Quốc còn không đòi hỏi chính quyền Tổng thống Joko Widodo có bảo lãnh và vốn nhà nước. Về phần mình, Nhật Bản cũng nhượng bộ rất nhiều khi cho New Delhi vay 12,1 tỉ USD trong tổng kinh phí với mức lãi suất chỉ 0,1% trong thời gian 50 năm so với 30 năm trước đây. Sau thời gian 15 năm, Tokyo còn bổ sung khoản vay với gói tài trợ kỹ thuật và đào tạo.

Tuy mỗi nước đều có lợi thế riêng, nhưng giới phân tích cho rằng khó khăn của cuộc cạnh tranh còn nằm ở thực tế rằng không có nhiều quốc gia thực sự đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật, đặc điểm dân số hoặc thủ tục tài chính để xây dựng các tuyến đường cao tốc, dù đây là biểu tượng được đánh giá cao của sự phát triển kinh tế.

Đối với Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng đưa ra cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực Đông Nam Á với khoản vay mới 10 tỉ USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời gia tăng viện trợ cho các quốc gia kém phát triển của khu vực. Về phần Nhật Bản, Thủ tướng Abe và giới ngoại giao Nhật Bản cho rằng ngoài thành tích về chất lượng, an toàn lưu thông, bảo vệ môi trường, Tokyo phải bắt kịp tốc độ thay đổi ở châu Á, linh hoạt các thủ tục vay vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), cũng như mau mắn trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng khu vực nếu muốn giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh với Bắc Kinh.

MAI QUYÊN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết