03/07/2013 - 22:25

Nhật Bản và đối sách giải quyết tranh chấp

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G8.
Ảnh: RIA Novosti

Trong khi tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa ngã ngũ, tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ trong bài viết mới đây cho rằng vấn đề tranh cãi tương tự với Nga xung quanh 4 hòn đảo ngoài khơi Hokkaido ở miền Bắc Nhật Bản mà láng giềng phương Bắc gọi là quần đảo Nam Kuril đang bộc lộ nhiều tín hiệu lạc quan.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn chưa lên tiếng xác nhận, nhưng nguồn tin truyền thông nước này cho biết một cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa hai nước dự kiến sẽ diễn ra sớm nhất vào cuối tháng 8 tới, qua đó tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo vào cuối mùa hè năm nay. Ngoài ra, WSJ còn cho hay chuyến thăm Nhật Bản vào mùa thu của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov - đặt nền móng cho các cuộc đàm phán đầu tiên giữa cơ quan an ninh quốc phòng và Bộ Ngoại giao hai nước cũng sớm được lên kế hoạch. Xa hơn nữa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc đàm phán song phương tại Bắc Ireland trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) vừa qua dự kiến sẽ gặp lại nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại St Petersburg vào tháng 9 tới đây.

Theo WSJ, “hội chứng cửa xoay” (revolving door) trong cơ cấu chính trị Nhật Bản những năm gần đây là nguyên nhân của tình trạng “vắng bóng” đàm phán trong khi căng thẳng vẫn tiếp tục âm ỉ giữa hai bên. Nhưng sau khi trở lại nắm quyền vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Abe đã tìm cách tái khởi động vấn đề với Nga bằng chuyến công du ba ngày đến Thủ đô Mát–xcơ-va lần đầu tiên trong 10 năm qua. WSJ còn cho biết, nhân vật thân tín của Tổng thống Putin - Chủ tịch Duma Quốc gia  (Hạ viện) Nga Sergey Naryshkin hôm 28-6 đã nói với cựu thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori rằng, ông ủng hộ các cuộc đàm phán và hai nước cần có hành động để giải quyết vấn đề ở cấp cao nhất mà cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị G8 vừa qua là một điển hình.

Hãng tin của Mỹ cho rằng, đạt được tiến bộ đáng kể trong các vấn đề tranh chấp với Nga có thể mang lại lợi ích chính trị cho Thủ tướng Abe. Theo đó, chính quyền của ông Abe có thể “cân bằng” áp lực trước căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc – nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại của Tokyo với hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á đồng thời đặt ra nghi vấn về khả năng, vai trò lãnh đạo của Nhật Bản trên lĩnh vực an ninh ngoại giao trong khu vực.

Liên quan mâu thuẫn Nhật – Trung, Mỹ mới đây thông báo về việc triển khai thêm 12 máy bay vận tải cánh quạt nghiêng MV-22 Osprey tại Căn cứ không quân Futenma ở Okinawa mà theo WSJ thì tương lai sẽ trở thành một phần quan trọng của quân đội Nhật Bản trong trường hợp “xảy ra xung đột”.

Trước đó, Mỹ - Nhật đã tổ chức một cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo ở bang California và lần đầu tiên máy bay MV-22 Osprey cất và hạ cánh trên chiến hạm JS Hyuga (DDH 181) của Nhật. Theo giới chức quân sự Mỹ, sự hiện diện của MV-22 Osprey trên tàu khu trục Hyuga là cơ hội để Washington tăng cường quan hệ lâu dài với Tokyo, đồng thời chứng minh khả năng MV-22 Osprey có thể nhanh chóng đáp ứng khi xảy ra xung đột.

ĐƯỜNG THẤT
(Theo WSJ, The Diplomat)

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G8. Ảnh: R

Chia sẻ bài viết