10/10/2017 - 09:28

Nhật Bản sẽ chiếm lĩnh thị trường tái chế toàn cầu 

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tái chế thùng carton, chai nhựa và máy tính cũ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Bằng cách này, Trung Quốc đã tiết kiệm được hàng triệu tấn tài nguyên và gián tiếp tài trợ cho hàng ngàn chương trình và công ty tái chế trên khắp thế giới. Song, hiện họ muốn ngưng công việc này khi mà Bắc Kinh hồi tháng 7 đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng sẽ sớm cấm nhập khẩu nhiều loại rác có thể tái chế. Kết quả là, các chương trình và công ty tái chế toàn cầu đang cố gắng tìm “bến đậu” mới cho rác thải mà họ từng đưa đến Trung Quốc, mà trong nhiều trường hợp đó là các bãi rác.

Thật ra, Chính phủ Trung Quốc có lý do riêng để làm vậy. Trong khi tình trạng ô nhiễm do rác thải điện tử ở Trung Quốc đang ở mức báo động, số lượng ngày càng tăng các thiết bị do chính người Trung Quốc bỏ đi đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ nước ngoài. Vào thời điểm đỉnh cao, khu xử lý rác điện tử hàng đầu nước này hàng năm sản xuất ra tới 20 tấn vàng từ các thiết bị điện tử cũ, tương đương với 10% sản lượng vàng mà Mỹ khai thác vào năm 2016.

Quyết định trên của Trung Quốc được xem động lực khuyến khích các nước, các công ty và chương trình khác đầu tư vào công nghệ mới, sạch hơn để có thể chiếm lấy vị thế của Trung Quốc trong lĩnh vực tái chế rác thải. Trong đó, Nhật Bản là một đối thủ đáng gờm.

Với sự hỗ trợ lâu dài của chính phủ cho công tác nghiên cứu, một số công ty lớn nhất của Nhật Bản đang đẩy mạnh triển khai công nghệ ở trong và ngoài nước để thay thế một số hệ thống tái chế có chi phí thấp nhưng gây ô nhiễm môi trường từng được sử dụng ở Trung Quốc. Theo Bloomberg, Tập đoàn Mitsubishi Materials hiện đang đầu tư hơn 100 triệu USD vào các nhà máy tinh chế kim loại quý dành cho các thiết bị điện tử và đang có kế hoạch phát triển pin lithium-ion dành cho xe hơi. Ban đầu, Mitsubishi sẽ tập trung vào Nhật Bản. Song, công ty này cũng có kế hoạch mở một nhà máy tại Hà Lan, nơi Mitsubishi sẽ có thể thu gom một lượng lớn rác thải điện tử của Liên minh châu Âu (EU) vốn trước đây từng được đưa sang Trung Quốc.

Mitsubishi cho biết các nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động đầy đủ sớm nhất vào năm 2021. Và khi đó, nguyên liệu thô từ các nhà máy của họ sẽ được tự do mua bán trên toàn cầu. Lúc đó, các nhà sản xuất Trung Quốc buộc phải nhập khẩu các nguyên liệu này với giá cao hơn. Trước mắt, các nhà tái chế Nhật Bản sẽ hưởng lợi do Thế vận hội mùa hè 2020 tại Thủ đô Tokyo sẽ trao huy chương vàng, bạc và đồng được chế tạo từ rác thải điện tử do người tiêu dùng Nhật Bản bỏ đi.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết