16/08/2018 - 09:37

Nhật Bản khẩn trương đối phó Trung Quốc 

Chỉ vài tháng sau khi ra mắt Lữ đoàn đổ bộ triển khai nhanh (ARDB) lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, Nhật Bản dự định cho lực lượng này tham gia cuộc tập trận hải quân đầu tiên trong năm nay.

Ảnh: Reuters

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, giới lãnh đạo xứ hoa anh đào đã giải tán quân đội, nhưng những năm gần đây họ quay sang thành lập các lực lượng vũ trang. Cuối tháng 3 vừa qua, Nhật Bản cho ra đời ARDB, với nhiệm vụ bảo vệ các đảo xa của nước này. Đóng quân ở phía Tây Nam Nhật Bản, ARDB chuyên trách các hoạt động sử dụng xe thiết giáp đổ bộ AAV-7, máy bay vận tải MV-22 và trực thăng Chinook CH-47. Lực lượng này được cho là học tập mô hình Đơn vị Thủy quân lục chiến viễn chinh của Mỹ (MEU), vốn có thể triển khai nhiều ngày ở nước ngoài để tham gia huấn luyện và phản ứng nhanh trước các cuộc khủng hoảng, bao gồm thảm họa thiên nhiên hoặc xung đột. Đến đầu tháng 4, ARDB tiến hành cuộc diễn tập trên đảo Kyushu (ảnh) và sắp tới sẽ là tập trận hải quân đầu tiên.

Dù Tokyo không tiết lộ địa điểm cụ thể tổ chức cuộc tập trận hải quân, nhưng giới phân tích cho rằng quần đảo Senkaku, vốn do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh tranh chấp và gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, có thể là khu vực triển khai chiến dịch của đơn vị gồm khoảng 2.100 binh sĩ này. Sự kiện quân sự này liên quan đến hoạt động tiếp cận và bảo vệ một hoặc nhiều hòn đảo trên Biển Hoa Đông. Đây sẽ là đợt đầu tiên trong một loạt hoạt động huấn luyện nhiều khả năng được lên kế hoạch thường xuyên trong tương lai.

Quyết định tái kích hoạt ARDB nằm trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản cũng như ngăn chặn các hoạt động ngày càng đáng ngại của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và khu vực. Trong đó, cuộc tập trận sắp tới của ARDB dường như là câu trả lời đối với các cuộc tập trận trên biển gần đây của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan, bao gồm diễn tập trên Biển Hoàng Hải từ ngày 10-8 đến 13-8 vừa qua. Các bài tập của Trung Quốc khi đó bao gồm bắn đạn thật chống tên lửa và phòng không, hàm ý ngăn chặn sức mạnh của Mỹ và đồng minh Nhật Bản cũng như các lực lượng quân đội khác hoạt động trong khu vực này.

Thật ra, thành lập ARDB không phải là bước đi duy nhất mà Nhật Bản đưa ra để tăng cường sức mạnh quân sự hoặc đối phó Trung Quốc. Tokyo đang theo đuổi các liên minh và đối tác bên ngoài, nhưng phần lớn trọng tâm của họ đặt vào những cải cách trong nước. Năm 2014, Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và một năm sau quốc hội nước này thông qua đạo luật cho phép triển khai hoạt động quân sự ở nước ngoài theo những điều kiện cụ thể. Ngân sách dành cho quốc phòng của Nhật Bản năm ngoái đạt mức cao nhất trong lịch sử nước này.

Cách đây 5 tháng, Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản tiến hành đợt tái cơ cấu lớn nhất kể từ năm 1954, trong đó chính thức thành lập Bộ chỉ huy trung tâm thống nhất, nắm giữ tất cả quyền hành tối cao. ARDB cũng nằm dưới sự điều động của bộ này. Gần đây, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ tăng độ tuổi tối đa đối với tân binh từ 26 lên 32 tuổi, với hy vọng mở rộng quân số tiềm năng hiện sụt giảm do tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Lâu nay, ông Abe ấp ủ “giấc mơ” sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, trong đó từ bỏ quan điểm chủ hòa có từ sau Thế chiến thứ hai. 

Philippines kêu gọi Trung Quốc “kiềm chế”

Hôm 14-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng ông muốn Trung Quốc “suy nghĩ lại” các hành động của họ trên Biển Đông và Bắc Kinh không có quyền xua đuổi tàu và máy bay nước khác đi qua các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp tại đây.

Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo Philippines hy vọng Trung Quốc cần “kiềm chế” hành vi để không dẫn đến một cuộc đối đầu, có thể là với Mỹ. Trước đó, truyền thông xứ cờ hoa thông báo máy bay tuần thám P-8A Poseidon của hải quân nước này đã bị Trung Quốc liên tục cảnh báo và xua đuổi khi bay qua các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp.

 

 THANH BÌNH (Theo Business Insider, Reuters)

Chia sẻ bài viết