23/10/2018 - 07:16

Nhật Bản đua tranh ảnh hưởng tại châu Phi với Trung Quốc 

Trong 5 năm qua, trường Tateno tại Yokohama, thành phố lớn thứ hai Nhật Bản, đã thực hiện chính sách “Một trường học, Một quốc gia” mà theo đó học sinh lớp 12 được dạy về một quốc gia châu Phi. Dù chưa được học về Uganda nhưng học sinh nơi đây không khỏi phấn khích và tò mò về quốc gia này sau khi xem bộ phim siêu anh hùng Báo Đen (Black Panther). 


Thủ tướng Abe phát biểu tại TICAD lần thứ 6. Ảnh: Guardian

Với mỗi quốc gia được giới thiệu cho học sinh hàng năm, Hiệu trưởng Ishibashi Takashi cho biết trường đều mời các quan chức đại sứ quán của 35 quốc gia châu Phi tại Nhật Bản đến trò chuyện với học sinh. Thông thường, nội dung các cuộc trò chuyện đều nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của học sinh về châu Phi và hướng họ xem lục địa đen là thị trường, là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tiềm năng.

Theo tờ Daily Monitor, chính sách “Một trường học, Một quốc gia” được Tokyo triển khai vào năm 2008 tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ tư được tổ chức tại Nhật Bản. Trong những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của châu Phi ở một số lĩnh vực quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn 2008-2013, Nhật Bản đã xây dựng hơn 1.300 trường tiểu học và trung học cơ sở, nâng cấp gần 5.000 cơ sở y tế cũng như cung cấp nước uống cho hơn 10 triệu dân châu Phi.

Vào năm 2016, tại TICAD lần thứ sáu tổ chức ở Thủ đô Nairobi của Kenya với sự tham dự của khoảng 30 lãnh đạo châu Phi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói đầu tư trị giá 30 tỉ USD cho châu lục. “Đây là khoản đầu tư dành cho tương lai của châu Phi, và là khoản đầu tư để Nhật Bản và châu Phi cùng nhau phát triển” – Thủ tướng Abe tuyên bố.

Bên cạnh gói đầu tư khổng lồ nói trên, Thủ tướng Abe cũng tuyên bố sẽ triển khai chương trình đào tạo cho khoảng 18.000 người châu Phi nhằm cải thiện nguồn nhân lực của châu lục tại các trường đại học  Nhật Bản thông qua học bổng, trong khi 20.000 người khác sẽ được đào tạo để đối phó với các bệnh truyền nhiễm. Chỉ tính riêng tại Uganda, gói hỗ trợ phát triển của Nhật Bản dành cho quốc gia này kể từ khi hai nước bắt đầu hợp tác song phương là 1,2 tỉ USD dưới các hình thức như cho vay, trợ cấp và hỗ trợ kỹ thuật.

Giới chuyên gia cho rằng quyết định tổ chức TICAD lần thứ sáu tại Kenya, lần đầu tiên kể từ khi TICAD được hình thành cách đây 25 năm, được xem là một bước ngoặt trong quan hệ Nhật Bản-châu Phi, đồng thời được cho kết quả của nhiều yếu tố địa chính trị, gồm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi.  

Tương tự như sáng kiến “Vành đai -Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động vào năm 2013 nhằm tăng cường kết nối nhiều quốc gia trên khắp châu Á, châu Âu và châu Phi, chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được Nhật Bản ra mắt tại TICAD ở Nairobi được xem là “chìa khóa cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế”, vốn được tạo ra bằng cách kết nối châu Á và châu Phi thông qua Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương. Giới ngoại giao Nhật Bản cho biết, với chiến lược này, Tokyo cam kết sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gần đây tuyên bố, khác với cách tiếp cận của Trung Quốc, Nhật Bản khi giúp phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi đều mong muốn người dân địa phương hưởng lợi về mặt kinh tế. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết