26/10/2017 - 09:53

Nhân rộng mô hình lúa VietGAP 

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) hỗ trợ nông dân TP Cần Thơ áp dụng sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP trong vụ lúa thu đông 2017 đạt được kết quả khả quan. Sản xuất theo quy trình này giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo môi trường sống, hướng đến sản xuất lúa bền vững.

Kết quả khả quan

Mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo quy trình VietGAP được Dự án VnSAT hỗ trợ cho nông dân Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng và nông dân sản xuất ở ấp C1 (ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh). Diện tích sản xuất khoảng 100ha, với 42 hộ nông dân tham gia mô hình. Thông qua mô hình, nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Dự án đang cùng với ngành nông nghiệp hướng đến nhân rộng sản xuất lúa hàng hóa VietGAP trên toàn địa bàn TP Cần Thơ.

Nông dân HTX Nông nghiệp Quyết Thắng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong vụ thu đông 2017.

Dự án VnSAT tập trung tập huấn kỹ thuật canh tác mới “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ chi phí xin chứng nhận VietGAP; hỗ trợ cơ sở vật chất như: tủ thuốc y tế cho hộ gia đình, sửa chữa kho bảo quản phân thuốc… Đến nay, nông dân tham gia mô hình đã thu hoạch dứt điểm lúa thu đông 2017, năng suất lúa từ bằng đến hơn so với trước, chi phí sản xuất giảm đến 2 triệu đồng/ha.

Nông dân Nguyễn Đức Thuận, tham gia mô hình với diện tích 3ha, cho biết vụ lúa thu đông vừa qua ông thu hoạch được tổng cộng 19,8 tấn lúa giống, bán giá 5.600 đồng/kg thu được khoảng 110 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 40 triệu đồng. “Tôi chỉ sạ 15 kg lúa giống/công tầm lớn, bón phân dưới 50 kg/công tầm lớn, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật 4 lần/vụ. Giảm giống, phân, thuốc trên 3ha, tiết kiệm khoảng 6 triệu đồng”- ông Thuận nói. Theo ông Thuận, ban đầu sạ lúa thưa, ông rất đắn đo, sợ năng suất lúa giảm nhưng đến thu hoạch, năng suất tăng ông khá hài lòng với kỹ thuật mới từ dự án đem đến cho nông dân. Ngoài ra, sản xuất theo VietGAP phải có nhà kho bảo quản phân, thuốc bảo vệ thực vật và phải thu gom bao bì phân, thuốc lại đốt sau khi sử dụng trên đồng ruộng. Điều này vừa đảm bảo sức khỏe cho nông dân, vừa bảo vệ môi trường sống.

Nông dân Đoàn Văn Thoại tham gia mô hình với 2ha ông thu được 12 tấn lúa, bán giá 5.500 đồng/kg được 66 triệu đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 25 triệu đồng. Ông Đoàn Văn Thoại cho biết: “Nông dân dễ dàng thực hiện theo VietGAP. Ngoài áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất, quan trọng là ý thức bảo vệ môi trường, sản xuất lúa sạch và an toàn. Nông dân cũng đang mong đợi sớm được chứng nhận VietGAP để có thể bán được lúa với giá cao hơn”.

Nhân rộng mô hình

Dự án VnSAT và nông dân tham gia mô hình đang rà soát  quy trình áp dụng để hoàn chỉnh thủ tục xin cấp chứng nhận VietGAP. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: HTX Nông nghiệp Quyết Thắng là một trong 7 HTX của thành phố được Dự án VnSAT chọn đầu tư trong năm 2017. HTX Quyết Thắng đề nghị dự án hỗ trợ trạm bơm điện, máy cấy lúa và đã được Ngân hàng Thế giới, dự án chấp thuận. Tuy nhiên, nông dân và xã viên HTX phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chí được chọn. Tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác mới, nâng cao áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa: “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, HTX Quyết Thắng cũng là HTX đầu tiên của thành phố được lựa chọn để triển khai sản xuất lúa theo VietGAP. Đây là nền tảng để nhân rộng mô hình lúa VietGAP ra toàn địa bàn thành phố thời gian  tới. Hiện đã có hướng dẫn quy trình VietGAP cho nông dân áp dụng. Nhưng đợt đánh giá của ngành chức năng vừa qua tại mô hình, nông dân thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều kiến thức một số nông dân còn chưa nắm vững, nông dân có xây dựng kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, có thực hiện ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhưng còn thiếu sót. Do đó, cần tập huấn thêm cho nông dân để đạt yêu cầu của dự án.

Mới đây, Dự án VnSAT đã tổ chức đợt tập huấn mới cho nông dân, xã viên HTX Quyết Thắng. Theo chuyên gia, trong hội nhập và thị trường hiện nay, nông dân cần phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt. Trước tiên phải cho đối tác thấy nông dân đang thay đổi quy trình sản xuất để có sản phẩm tốt, sau đó mới tính đến chuyện giá bán và có quyền yêu cầu giá cao. Áp dụng VietGAP nông dân cũng dần nâng cao ý thức về vệ sinh, an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình trong quá trình sản xuất. Sổ tay ghi chép rõ ràng cũng là giúp nông dân có sự điều chỉnh trong sản xuất cho hợp lý, giảm chi phí sản xuất.

Ông Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch HÐQT-Kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cho rằng: Nông dân, xã viên HTX áp dụng quy trình VietGAP với 61 tiêu chí, hiện đã đạt 2/3 trong số đó. Nông dân đang khó khăn về xây dựng nhà kho chứa phân, thuốc bảo vệ thực vật và cần khắc phục trong thời gian tới. Dự án VnSAT đã xem xét hỗ trợ cho HTX trạm bơm (đầu tư khoảng 8,8 tỉ đồng) phục vụ cho diện tích 2 cánh đồng lớn 680ha và 2 máy cấy lúa. Đây là tin vui cho nông dân trồng lúa. Tới đây, nông dân HTX và trong khu vực sẽ có điều kiện sản xuất lúa tập trung, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết