25/02/2018 - 17:47

Nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp 

Nông dân canh tác trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ theo từng nông hộ rất khó phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn với chất lượng tốt, đồng nhất và có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.  Để khắc phục điểm yếu mang tính quyết định trên, nông dân tại các địa phương ở TP Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh liên kết thành lập các tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là hợp tác xã nông nghiệp (HTX) để có điều kiện đổi mới quy mô, phương thức canh tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Mới thành lập hồi năm 2016, nhưng HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Hưng ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ  đã khẳng định được vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Trung Hưng, HTX đã liên kết, ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu lúa của xã viên với giá cao hơn bên ngoài từ 50-100 đồng/kg.  HTX cũng phát huy tốt hiệu quả làm dịch vụ thu hoạch lúa cho nông dân bằng máy gặt đập liên hợp. Năm 2018, HTX xác định tiếp tục mở rộng thêm các dịch vụ bơm tưới, dịch vụ làm đất, sạ lúa, bón phân, phun thuốc… nhằm giúp các  thành viên cùng hàng trăm hộ dân có liên kết sản xuất với HTX tiếp tục được hưởng lợi từ dịch vụ tiện ích. HTX cũng chú ý thực hiện đa dạng hóa các khâu dịch vụ theo hướng kinh doanh tổng hợp phù hợp với cơ chế thị trường, như: ký hợp đồng sản xuất lúa giống với doanh nghiệp, tìm đầu ra cho các loại hoa màu…

Trồng hoa kiểng tại Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Trồng hoa kiểng tại Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Thành lập hồi tháng 4-2017, đến nay Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Lợi ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cũng đã  nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho xã viên. Lúc mới thành lập HTX gồm 16 thành viên tham gia góp vốn là 964 triệu đồng. Bước đầu HTX thực hiện cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ nuôi ếch. Sau 6 tháng hoạt động, HTX đạt doanh thu 2,8 tỉ đồng, trừ chi phí hợp tác xã có mức lãi 7%/tháng/vốn góp. Trong quá trình cung ứng thức ăn, HTX đã xây dựng và thực hiện nuôi ếch theo chuẩn VietGAP và đến tháng 12-2017 đã được công nhận đạt chuẩn với 3 hộ, sản lượng 65 tấn/năm. 

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết,  thành phố  đã chọn 15 HTX nông nghiệp để hỗ trợ  đầu tư, tham gia thực hiện thí điểm theo Quyết định 445/QĐ-TTg  của Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”. Cần tổ chức các hợp tác xã này thành những mô hình “điểm sáng” để nhân rộng ra.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX làm vườn Trường Thuận 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: “Nhờ sự liên kết giữa các hộ dân và được hỗ trợ tích cực của ngành chức năng trong công tác tập huấn kỹ thuật và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phụ vụ sản xuất, hiện HTX Trường Thuận 1 có thể sản xuất trái cây đạt chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ khó tính. Năm qua, lợi nhuận bình quân của xã viên HTX đạt 100 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay.  HTX có 16 xã viên, với diện tích vườn cây khoảng 20 ha, trồng các loại trái cây như: sầu riêng, vú sữa, mít, nhãn, cam xoàn, hạnh và ổi”. Theo ông Tô Thành Mông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Tân, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, nhờ liên kết lại để phát triển sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao và làm lúa giống mà  52 thành viên của HTX với diện tích đất hơn 80ha cũng đã nâng cao được thu nhập đáng kể so với trước đây làm lúa hàng hóa. Năm 2017, mỗi thành viên có lãi bình quân khoảng 87 triệu đồng. Tính bình quân 1 ha đất cho thu nhập hơn 56,4 triệu đồng.

Cần hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp

Được sự khuyến khích, hỗ trợ tích cực các ngành chức năng, nông dân tại nhiều địa phương đã mạnh dạn liên kết, hình thành các “cánh đồng lớn” và mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, đáp ứng được các yêu cầu chất lượng cao của thị trường, cũng như phát triển nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ xã viên. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng , khẳng định là một hướng đi cần thiết phát triển ngành nông nghiệp. Có như vậy, nông dân mới thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp và các bên liên quan để có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất và ổn định đầu ra sản phẩm. Năm qua, TP Cần Thơ đã thành lập mới 18 HTX, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn lên hơn 110 HTX nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ưu điểm nổi bật của các HTX nông nghiệp là đã thể hiện được vai trò “dẫn dắt” kinh tế hộ phát triển. HTX hướng đến vì lợi ích chung của xã viên, hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm và từng bước thích ứng  với cơ chế thị trường.  Tuy nhiên, việc đổi mới tư duy hoạt động theo Luật HTX mới tại một bộ phận HTX còn chưa kịp thời, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hoạt động của HTX cũng còn gặp khó do quy mô nhỏ,  dịch vụ  chưa đa dạng, năng lực quản lý còn hạn chế, khó tiếp cận vốn và công nghệ mới. Để củng cố và phát triển HTX, ngành nông nghiệp đang rất quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm rõ vai trò, sự cần thiết của các HTX kiểu mới để tích cực tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn để năng cao năng lực hoạt động của HTX, tích cực khuyến khích, hỗ trợ HTX  mở rộng quy mô hoạt động và đa dạng hóa dịch vụ…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến  cuối năm 2017, trên địa bàn TP Cần Thơ có 111 HTX nông nghiệp, với 1.984 thành viên, diện tích canh tác hơn 2.702 ha, tổng vốn điều lệ  hơn 125,5 tỉ đồng.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết