27/02/2018 - 21:01

Nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” 

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) đã được Mặt trận, các đoàn thể ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền quan tâm vận động, tổ chức thực hiện. Phong trào  được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Phong Điền (bên phải) thăm mô hình trồng sầu riêng của hội viên. Ảnh: THANH THY

Cán bộ Hội Nông dân thị trấn Phong Điền (bên phải) thăm mô hình trồng sầu riêng của hội viên. Ảnh: THANH THY

Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng Khối vận thị trấn Phong Điền, năm 2017, Khối vận thị trấn đã phát động đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình DVK. Qua đó, đã nâng chất và nhân rộng 5 mô hình, xây dựng mới 3 mô hình DVK. Điển hình như mô hình “Phụ nữ thực hiện bếp an toàn phòng cháy chữa cháy” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Theo chị Phan Thị Bích Vân, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Phong Điền, năm 2015, Hội đã phối hợp với Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) huyện ra mắt mô hình “Vận động hội viên phụ nữ thực hiện bếp an toàn PCCC” tại ấp Nhơn Lộc 1 với 30 thành viên tham gia.

Chị Trần Thị Huệ, ấp Nhơn Lộc 1, cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC khi sử dụng gas, điện; được hướng dẫn cách phòng ngừa, xử lý sự cố về cháy…”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, ấp Nhơn Lộc 1, chia sẻ: “Nghe cán bộ Hội LHPN tuyên truyền vận động, tôi thấy mô hình này rất hiệu quả nên tham gia. Gia đình tôi đã mua bình chữa cháy để trong nhà và các thành viên được trang bị những kiến thức về PCCC, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Bên cạnh đó, trong các cuộc sinh hoạt, hội viên phụ nữ còn được tuyên truyền chính sách, pháp luật; các nội dung thực hiện phong trào gia đình “5 không, 3 sạch”; cách chăm sóc nuôi dạy con…”. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng với 45 hội viên Hội LHPN tham gia và trang bị 23 bình chữa cháy.

Ở ấp Nhơn Lộc 2, ông Đặng Văn Liệt được nhiều người ghi nhận là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Theo ông Liệt, trước đây, gia đình ông trồng màu, dâu, chôm chôm, mãng cầu… hiệu quả kinh tế không cao. Được các cán bộ huyện, thị trấn vận động chuyển đổi mô hình trồng chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao, ông cải tạo vườn,  trồng 400 gốc sầu riêng chuyên canh để tiện chăm sóc”. Theo ông Liệt, nhờ dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Khuyến nông tổ chức đã ông có kinh nghiệm trong chăm sóc,  xử lý các loại bệnh trên cây sầu riêng. Năm 2017, 200 gốc sầu riêng của gia đình ông cho trái, thu nhập trên 300 triệu đồng. Ông đã đầu tư hệ thống phun tưới tự động với chi phí 40 triệu đồng, nhằm giảm công chăm sóc, chi phí sản xuất...

Tương tự như gia đình ông Liệt, mô hình trồng chuyên canh cây sầu riêng đã giúp nhiều hội viên nông dân ở ấp Nhơn Lộc 2 nâng cao thu nhập. Anh Trịnh Văn Kha, người dân ấp Nhơn Lộc 2, nói: “Qua dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được Hội Nông dân hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, tôi mạnh dạn đầu tư trồng sầu riêng, thu huê lợi khoảng 400 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hơn trước. Theo ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, hiện nay, ở ấp Nhơn Lộc 2 có 67 hộ trồng sầu riêng với diện tích 31ha. Năm 2018, Hội Nông dân thị trấn sẽ vận động thành lập tổ hợp tác trồng sầu riêng để bà con được hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật… góp phần xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng ở địa phương.

 Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng Khối vận thị trấn Phong Điền, thời gian tới, Khối Dân vận tiếp tục tổ chức triển khai lựa chọn đăng ký các mô hình DVK thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, tập trung nâng chất và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao để tạo sự lan tỏa trong xã hội về thi đua thực hiện các mô hình DVK trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

THANH THY

Chia sẻ bài viết