20/11/2011 - 10:49

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam bàn về thiên chức người thầy

Đọc lại sách xưa nay, dù Đông hay Tây đều thấy hai từ “thiên chức” chỉ dành xưng tụng người mẹ và người thầy. Trong xã hội phong kiến, thầy chỉ đứng sau vua “Quân - Sư - Phụ”. Thầy đem chữ nghĩa thánh hiền truyền lại cho đàn hậu tấn. Do được xem là thiên chức chứ không phải là một nghề nên thầy chẳng hưởng lương mà sống nhờ vào lộc của nhân dân và cha mẹ học sinh. Và nhân dân xem việc lo lắng chu đáo, tận tình cho thầy của con mình từ vật chất đến tinh thần là một nghĩa vụ thiêng liêng. Mọi việc quan, hôn, tang, tế ở nhà thầy, học sinh đều có mặt và chung lo. Mùa nào thức ấy, trên bàn gia tiên nhà thầy “đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Trong xã hội hiện đại, thầy giáo được nhà nước trả lương vì đây cũng là nghề như bao nghề khác, nhưng nhân dân vẫn xem đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Điều đó cho thấy trong xã hội xưa hay nay đều dành cho người thầy sự trân trọng, tôn kính, thậm chí ví người thầy ngang bằng với cha mẹ. Điều đó cũng thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Cũng chính vì sự tin yêu, kính trọng đó dành cho người thầy mà xã hội có những yêu cầu, chuẩn mực đạo đức đối với người thầy có phần cao hơn so với một số người làm ở các ngành nghề khác. Một số đồng nghiệp trẻ thở than tại sao làm nghề khác thoải mái quá, làm thầy giáo cứ bị thiên hạ dòm ngó tóc tai, quần áo, đến lời ăn tiếng nói. Nhưng cũng cần thấy rằng nhiều người quan tâm chăm sóc mình như thế, bởi vì trong cái nhìn của xã hội, chỗ đứng của thầy cô giáo chúng ta, trong lòng nhân dân, vẫn là chỗ đứng đáng tự hào. Cũng vì “thiên chức” cao quý đó mà dù ở trong hoàn cảnh nào, người thầy luôn phải giữ cốt cách của người truyền bá đạo học. Khi cuộc sống còn khó khăn, không ít thầy cô phải dùng nghề tay trái để giữ cho tay phải đủ sức mà cầm phấn, cầm bút. Chính sự bươn chải trong cuộc sống khiến hình ảnh người thầy trong mắt nhiều người “nửa thánh nửa tục”, nhưng dù khó khăn đến đâu, khi đã chọn nghiệp dĩ này thì người thầy cần luôn phấn đấu để làm tròn “thiên chức” của mình.

Tôi vẫn nghe trong xóm có người mắng con “Thầy con dạy con như vậy à?”. Tôi nghe cảm thấy vui vì như vậy là bà con vẫn còn tin vào người thầy, như tin vào một mẫu mực sống phải đạo. Nhiều nghiên cứu cho thấy, quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ người giáo viên. Cho nên một người thầy tốt, chính là tấm gương sáng soi đường và thức tỉnh, giúp học sinh mình trở thành những con người hữu ích cho gia đình và xã hội. Thuở nhỏ, tôi quý vô cùng cô giáo dạy lớp ba của tôi. Cô có tật nói là chớp mắt. Tôi lây cái tật chớp mắt ấy đến mức vào đại học mới bỏ được. Tôi biết có những học sinh nhại theo giọng nói, cách viết chữ của người thầy mà mình yêu kính. Có những học sinh, nhất là các em cán sự lớp, tính cách, lối xử sự ngày càng giống cô chủ nhiệm. Và ngược lại, khi người thầy có những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực thì học sinh cũng bắt chước theo. Vì vậy, người thầy không nên khinh suất trong nói năng, hành xử hàng ngày. Trong đời dạy học của mình, tôi vô cùng quý mến và cảm phục bao người thầy với tình thương, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, đã góp phần dìu dắt, chắp cánh cho bao thế hệ học sinh bay cao, bay xa hơn - Những người thầy luôn tâm niệm “Dạy chữ là dạy người”. Tôi cũng không khỏi xót xa khi nghe kể về những người thầy tự biến mình thành những người “bán chữ” lạnh lùng, coi học sinh như máy ATM để thỏa sức rút tiền, hoặc những người thầy thiếu tôn trọng, lợi dụng, xâm hại, hành xử bạo lực với học trò, dẫn đến cảnh “thầy không ra thầy, trò chẳng ra trò”.

Bên cạnh sống mẫu mực, để xứng đáng với thiên chức của mình, người thầy cần không ngừng học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng khuyến khích sự chủ động sáng tạo của học sinh. Trong trái tim bao dung, trong niềm tự hào của đạo làm thầy chân chính, chúng ta phải đào tạo được các lớp học trò giỏi hơn thầy, linh hoạt hơn thầy mới là đáng quý.

Mỗi năm, trở về trường cũ vào dịp 20-11, nhìn những đồng nghiệp mái đầu đã bạc, sắp bước qua cái dốc bên kia của cuộc đời, lại thấy lòng mình dâng lên bao cảm xúc vui buồn với nghề. Một số người thở than cho rằng cái đạo học ngày nay đã hỏng, học trò hỗn láo, thậm chí xúc phạm đến thầy; người thầy không còn được coi trọng... Điều đó cũng xảy ra ở nơi này, nơi khác nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn còn mãi, tỏa sáng, với sức sống bất diệt. Xã hội vẫn luôn tôn trọng người thầy và tình nghĩa thầy trò vẫn mãi mãi là những câu chuyện cảm động, tuyệt vời cứ nối tiếp không bao giờ cạn nguồn trong cuộc sống.

Tôi đã sống với nghề 39 năm, trải qua biết bao là thăng trầm, buồn vui. Tuổi thanh niên tôi chọn nghề vì trong tôi có bao hình ảnh những người thầy cao quý. Nay trong tuổi nhàn hưu nhìn lại, tôi nhủ lòng là mình đã không chọn lầm nghề. Sống giữa đồng nghiệp, học trò, tôi được vây bọc bởi tình thân ái, bao dung. Giá như có một phép mầu, được trở lại tuổi 20 để chọn nghề, tôi vẫn chọn lại cái nghề gắn liền với phấn trắng bảng đen, cái nghề người đời vẫn thường ví là “kẻ đưa đò”...

LÊ VĂN QUỚI

Chia sẻ bài viết