08/05/2018 - 21:29

Đồng bằng sông Cửu Long

Nhận diện thách thức, xây dựng lộ trình ứng phó biến đổi khí hậu 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng trọng điểm lương thực của Việt Nam là một trong những điểm nóng của thế giới về biến đổi khí hậu (BĐKH) khi những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi và tác động nặng nề lên khu vực này. Tham vấn dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là hội thảo vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức với sự tham dự của các bộ ngành Trung ương, các địa phương trong vùng. Hội thảo đưa ra lộ trình, giải pháp đồng bộ, giúp các địa phương trong khu vực ĐBSCL ứng phó BĐKH...

Nhận diện thách thức

Theo Bộ TN&MT, vùng ĐBSCL là địa bàn quan trọng của cả nước, chiếm 12% diện tích đất, 19% dân số cả nước, với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, thuận lợi về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo... Hằng năm, ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây cho cả nước. Trong đó, đồng bằng có khoảng 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy, hải sản xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Công. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, ĐBSCL mặc dù có nhiều cơ hội song cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất thấp, chịu nhiều tác động bởi sự thay đổi của tự nhiên, BĐKH.

Thời gian qua, TP Cần Thơ xây dựng nhiều công trình ứng phó sạt lở bờ sông, chỉnh trang đô thị. Trong ảnh: Bờ kè sông Thốt Nốt xây dựng hoàn thành, góp phần hạn chế sạt lở bờ sông.

Những thách thức từ BĐKH và nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo tại vùng ĐBSCL. Đặc biệt, mùa lũ hằng năm biến động thất thường, ngập lụt ở các đô thị do triều cường với diện tích và thời gian tăng hơn; hiện tượng sạt lở bờ sông, bão, lốc xoáy xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên. Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; hiện tượng xâm nhập mặn dọc theo các tỉnh ven biển ngày càng lấn sâu vào nội đồng; đồng thời chịu nhiều tác hại do các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công xây dựng đập thủy điện, làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nguồn nước ở vùng hạ nguồn ĐBSCL. Đây là những thách thức và khó khăn lớn nhất mà ĐBSCL phải gánh chịu và cần phải có kế hoạch liên kết phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng, ứng phó BĐKH kịp thời và mang tính lâu dài...

Cụ thể, những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn, mưa lớn kèm theo lốc xoáy, bão, sạt lở bờ sông, đê biển... xảy ra đến mức báo động ở nhiều địa phương như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, An Giang và TP Cần Thơ... Theo thống kê, sạt lở ở ĐBSCL diễn biến rất nhanh, với 49 điểm/266km bờ biển bị sạt lở; 513 điểm/520km bờ sông bị sạt lở, trong đó có 40 điểm/131km bờ sông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh mạng, sản xuất, kinh doanh, tài sản của người dân. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định: "Sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực ĐBSCL là vấn đề cấp bách cần được quan tâm, hỗ trợ khắc phục, ứng phó của bộ, ngành Trung ương. Song song đó, việc di dân ở các vùng sạt lở cũng khẩn trương thực hiện, cần phải làm ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2020".

Theo các nhà khoa học, tương lai khí hậu biến đổi, ĐBSCL sẽ thiệt hại nặng nề hơn nữa nếu không có giải pháp thích ứng của toàn vùng. Dự báo đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng, tài sản do lũ lụt, bão, lốc xoáy, sạt lở. Đặc biệt, sự nhiễm mặn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và giảm năng suất của lúa. Trung bình, năng suất lúa có thể giảm đến 20 - 25%, thậm chí đến 50%. Do đó, ĐBSCL cần giải pháp ứng phó mang tính cấp vùng, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Hành động ứng phó

Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã cử cán bộ tham gia xây dựng Chương trình hành động tổng thể. Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT), cho biết: "Mục đích của Chương trình hành động tổng thể nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong từng giai đoạn để các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết 120 của Chính phủ đề ra".

Chương trình được chia thành 2 giai đoạn thực hiện: giai đoạn đầu (2018-2020) dựa trên kế hoạch đầu tư công trung hạn tại khu vực ĐBSCL đã được phê duyệt đến năm 2020. Giai đoạn này tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, những hoạt động có tính "mềm", không đòi hỏi đầu tư cơ bản lớn, nhưng rất quan trọng nhằm thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, khả thi đã ghi trong Nghị quyết 120 và chuẩn bị cho những nhiệm vụ, giải pháp "cứng", đầu tư xây dựng cơ bản lớn ở giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2 (2021-2030), đây là giai đoạn quan trọng trong ứng phó BĐKH, phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trọng tâm của giai đoạn này tập trung vào hoạt động triển khai các chương trình, dự án đã được phê duyệt, đồng thời xúc tiến những hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, chuyển đổi cơ cấu kinh tế... với nguồn kinh phí lớn để thực hiện.

Tại hội nghị tham vấn Chương trình hành động tổng thể, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho rằng: "Chương trình cần xem lại cơ cấu phân bổ các công việc cho hợp lý. Cụ thể, vấn đề sạt lở cần phải thực hiện ngay trong giai đoạn đầu, nhằm ứng phó, hạn chế tình trạng sạt lở xảy ra tại khu vực ĐBSCL. Tỉnh Trà Vinh đồng thuận cao trong việc thành lập Quỹ phát triển bền vững ĐBSCL, đồng thời Trà Vinh sẽ xin thành lập Quỹ dự phòng để ứng phó xử lý môi trường thời gian tới".

Dự thảo về chương trình hành động của Bộ TN&MT đề cập phát triển hài hòa các tiểu vùng sinh thái của khu vực ĐBSCL; tận dụng hầu hết các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, hình thành cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "Các dự án trong Chương trình hành động đa phần có chủ trương thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, cần rà soát tránh trùng lắp, dành nguồn lực thực hiện cho giai đoạn sau 2020 đến 2030. Thời gian thực hiện gian đoạn đầu còn rất ngắn, nên cân nhắc thêm thời gian đảm bảo thực hiện lộ trình cho phù hợp. Việc thành lập Hội đồng điều phối vùng và Quỹ phát triển bền vững vùng ĐBSCL là cần thiết. TP Cần Thơ hưởng ứng các hoạt động này nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc ứng phó BĐKH của toàn vùng. Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động tổng thể cần tham khảo các tổ chức phi chính phủ, những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng phó BĐKH như Hà Lan; tăng cường vai trò liên kết của các địa phương trong vùng thông qua hoạt động của Ủy hội Sông Mê Công...".

Những ý kiến tham vấn trên được Bộ TN&MT ghi nhận, bổ sung, điều chỉnh lộ trình thực hiện Chương trình hành động tổng thể ứng phó BĐKH, phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong tương lai.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết