31/08/2016 - 10:46

Nhận diện các triệu chứng trầm cảm sau sinh và biện pháp vượt qua

Trở thành cha mẹ thực sự mang lại cảm giác hào hứng nhưng cũng không kém phần căng thẳng vì trách nhiệm nặng nề hơn. Nhiều người mẹ trẻ không thể thích nghi với nhiệm vụ mới cùng những căng thẳng liên quan tới việc chăm sóc trẻ sơ sinh nên có thể phát triển trầm cảm sau sinh – chứng bệnh nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mẹ lẫn em bé. Dưới đây là 5 triệu chứng điển hình của trầm cảm sau sinh mà các ông bố bà mẹ cần nhận diện để kịp thời chữa trị:

1. Cảm giác thất vọng, giận dữ hay buồn phiền

  Ảnh: durangocounseling

Chứng trầm cảm sau sinh không chỉ mang lại cảm giác choáng ngợp khi chào đón đứa con đầu lòng, mà còn khiến bạn cảm thấy như thể mình không chuẩn bị tốt để làm một người mẹ, thậm chí nghĩ rằng bản thân lẽ ra không nên có em bé. Điều này thường dẫn tới cảm giác tội lỗi, khi tin rằng những bà mẹ khác xử lý cảm xúc tốt hơn mình. Việc cảm thấy không có sự gắn kết với em bé và đứa trẻ dường như không thực sự cần mẹ khiến bạn dễ rơi vào tâm trạng tức giận và buồn bã.

2. Ăn uống không ngon miệng và mệt mỏi

Tâm trí không phải là thứ duy nhất bị ảnh hưởng khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh, mà cơ thể họ cũng chịu tác động rất lớn từ tình trạng căng thẳng này và thường dẫn đến rối loạn ăn uống (chán ăn hoặc ăn quá nhiều), cùng các vấn đề về dạ dày. Theo lý giải trên trang sức khỏe Web MD, thay đổi cân nặng có thể xảy ra mỗi ngày từ việc bạn ăn uống khác với thói quen bình thường. Bạn cũng có thể cảm thấy như thể nếu nạp ít năng lượng, bạn chắc chắn không đủ sức để chăm sóc em bé. Trong một số trường hợp, người mẹ cảm thấy kiệt sức ngay khi thức dậy vào buổi sáng.

3. Nhức đầu, đau lưng và đau khớp

Nhiều chuyên gia tin rằng trầm cảm có thể khiến bạn cảm nhận cơn đau khác với khi không có bệnh, và chứng trầm cảm sau sinh cũng có tác động tương tự. Ngay cả khi bạn đang tập thể dục hoặc yoga, những cơn đau cũng không biểu hiện giống với kiểu đau nhức cơ bắp thông thường. Theo chuyên trang về các vấn đề sức khỏe hậu sản Postpartum Progress, nhiều bà mẹ trẻ liên tục hứng chịu những cơn đau đầu, đau lưng, đau khớp và khó chịu trong bụng. Bệnh cũng có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn hoặc đau thắt ngực.

4. Cảm thấy khó chịu, dễ khóc và dễ kích động

Hiệp hội mang thai Mỹ cho biết có khoảng 70-80% phụ nữ sinh con lần đầu trải qua cảm giác buồn phiền và lo lắng liên quan đến chuyện sinh nở. Nhưng nếu bạn thấy mình hay khóc trong mấy tuần gần đây thì có lẽ đó là dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Tức giận cũng là một triệu chứng phổ biến, có thể vì bạn cảm thấy cả ngày không tập trung vào bất cứ điều gì.

5. Xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực có hại bản thân hoặc em bé

Cảm xúc tiêu cực có thể biến thành những suy nghĩ nghiêm trọng chứ không chỉ là buồn. Cơ quan Sức khỏe phụ nữ thuộc Bộ Y tế Mỹ cho biết mặc dù bạn có thể biết mình sẽ không bao giờ gây hại cho ai, nhưng bạn có thể có những suy nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa bé. Trong trường hợp ít nghiêm trọng, bạn có thể cảm thấy dửng dưng với em bé. Nếu rơi vào tình trạng này, bạn cần đến gặp bác sĩ. Họ có thể cho bạn lời khuyên và hỗ trợ vượt qua thời gian khó khăn này.

Làm gì để đối phó với trầm cảm sau sinh?

7 lời khuyên chuyên môn sau đây sẽ giúp các bà mẹ trẻ vượt qua tình trạng này:
1. Cố gắng gần gũi và gắn bó với con càng nhiều càng tốt. Việc tránh xa em bé chỉ khiến bệnh của mẹ thêm trầm trọng, trong khi khoảng cách này cũng có thể gây tổn thương về tinh thần cho trẻ về sau.

2. Đảm bảo bản thân có một chế độ ăn uống lành mạnh, trong đó bao gồm các loại hạt và chuối – những thực phẩm có thể làm tăng nồng độ dopamine trong não. Đây là chất dẫn truyền thần kinh giúp điều trị trầm cảm hiệu quả.

 Ăn uống điều độ, tập thiền và hòa đồng với mọi người là những cách hiệu quả để vượt qua trầm cảm sau sinh.

3. Cố gắng thực hiện một số bài tập thể dục ít nhất vài phút mỗi ngày, bởi  vận động thân thể không chỉ giúp bạn đẩy lùi trầm cảm mà còn giảm bớt trọng lượng thừa sau khi sinh (một trong những lý do gây buồn phiền).

4. Thường xuyên tập yoga hoặc ngồi thiền vì những hình thức rèn luyện liên quan đến sự tĩnh tâm này đã được chứng minh có thể giúp giảm stress và điều trị chứng trầm cảm sau sinh.

5. Đừng tự cô lập bản thân mà nên cố gắng hòa nhập với gia đình và bạn bè càng nhiều càng tốt. Tranh thủ mọi sự giúp đỡ từ người thân, bao gồm chồng, mẹ hoặc chị em trong việc chăm sóc em bé. Đừng cố xoay xở mọi việc một mình bởi nó có thể làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm.

6. Dành nhiều thời gian cho bản thân để làm những điều bạn thích, có thể là xem phim, đi ăn hoặc mua sắm … Bạn có thể gửi em bé cho người thân hoặc bạn bè trong khoảng thời gian nhất định để giải khuây. 

7. Nếu cảm thấy có các biểu hiện nghiêm trọng, bạn nhất định phải gặp bác sĩ để được tư vấn hoặc kê thuốc chữa bệnh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CheatSheet, Boldsky)

Chia sẻ bài viết