06/05/2018 - 17:05

Nhầm thầy - lẫn thuốc: Tiền mất tật mang
Bài cuối: Đừng để muộn màng 

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng là một loại hàng hóa có sự “thuận mua, vừa bán” giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và người bệnh có nhu cầu. Do vậy, để chọn được đơn vị có uy tín chất lượng, điều trị hiệu quả cho người bệnh với chi phí hợp lý, đòi hỏi người bệnh phải sáng suốt, cập nhật, chọn lọc thông tin để “chọn mặt, gởi vàng”, đừng quá tin vào quảng cáo.

Tự bảo vệ mình

Dư luận vẫn chưa khỏi hoang mang khi một lượng lớn “thần dược” lưu hành trong cộng đồng miền Tây có độc dược phenphoxmin như nghi vấn của các bác sĩ chuyên khoa ghi nhận đối với các ca bệnh tiểu đường tử vong đột ngột thời gian gần đây. Và một thực tế là rất nhiều người vẫn còn đang “tin dùng” vì tính chất ổn định đường huyết thấy rõ của loại thuốc này. Ngành chức năng còn bỏ ngỏ câu trả lời thì người dân còn tin...

Ê kíp phẫu thuật tim BV Đa khoa TP Cần Thơ thực hiện nội soi phẫu thuật cho một bệnh nhân thông liên thất.

Gần đây, vụ việc thạc sĩ – thầy giáo ở quận Thốt Nốt làm giả bằng bác sĩ và các chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh để hoạt động trị bệnh cho người dân theo kiến thức trên Internet cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý trên lĩnh vực y tế còn nhiều bất cập. Nguy hại hơn cả, nhiều đơn vị y tế vi phạm các qui định khi để người nước ngoài tham gia hoạt động khám chữa bệnh, gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Như vụ việc ở Phòng khám Đa khoa Hoàng Kim trước đây, đã nhiều lần bị ngành chức năng xử phạt. Việc kiểm tra, xử phạt được tiến hành khi có bệnh nhân bị biến chứng, thưa kiện đến Thanh tra Sở Y tế thành phố. Phòng khám bồi thường và tiếp tục hoạt động.

Từ những vướng mắc còn tồn tại của “thị trường y tế”, trước hết, người bệnh phải tự bảo vệ bản thân bằng việc tìm đúng thầy để bệnh được điều trị đúng, kịp thời và hiệu quả. Những câu chuyện “nhầm thầy- lẫn thuốc” gây tác hại vô cùng lớn cho người bệnh, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí gây đe dọa tính mạng bệnh nhân. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có vấn đề về sức khỏe, người bệnh nên thận trọng tìm hiểu thông tin, chọn lựa cơ sở y tế uy tín, tin cậy về chất lượng và hiệu quả cho nhiều người chứ không chỉ tin vào quảng cáo hay những lời đồn đoán truyền tai. Chủ trương của Nhà nước ta là kết hợp và phát huy nền y dược học cổ truyền với y học hiện đại, tuy nhiên, người dân tránh nhầm lẫn giữa những bài thuốc do lương y bào chế được cấp phép với những bài thuốc không rõ xuất xứ, thành phần. Tương tự, thông tin điều trị bệnh trên mạng Internet, ở các diễn đàn có cả tốt lẫn xấu, khó có thể kiểm chứng chính xác độ tin cậy. Vì thế, người bệnh cần tỉnh táo, cân nhắc khi chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc điều trị sớm, kịp thời, sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, tránh biến chứng và giảm chi phí cho người bệnh.

Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng

Xoay quanh dư luận phản ánh một số phòng khám “vẽ bệnh, chặt chém” người bệnh thời gian gần đây ở quận trung tâm thành phố, bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Chánh Thanh tra Sở Y tế thành phố cho biết, quận Ninh Kiều có khoảng 30 phòng khám đa khoa tư nhân, và chỉ có phòng khám có người Trung Quốc hoạt động thường xuyên bị người dân phản ánh, khiếu nại. Tuy nhiên, theo quy định, chi phí khám chữa bệnh do đơn vị cung cấp dịch vụ và người bệnh tự thỏa thuận, ngành chức năng không thể can thiệp được. Chỉ khi có đơn thưa, khiếu nại thì cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra.

Theo bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, thành phố có hơn 2.000 đơn vị y tế tư nhân đăng ký hoạt động. Mỗi năm, định kỳ hằng quý, Thanh tra Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra gồm các thành phần ban, ngành đoàn thể từ tuyến thành phố đến địa phương tổ chức kiểm tra các cơ sở. Tuy nhiên, chỉ thực hiện kiểm tra được số lượng nhỏ các đơn vị trong tổng số hơn 2.000 đơn vị, là những đơn vị thiếu điều kiện hoặc có dấu hiệu vi phạm. Bởi lẽ, nhân lực thanh tra còn mỏng, đảm đương nhiều công việc.

Điều trị theo các bài thuốc dân gian không đúng cách, trong nhiều trường hợp dẫn đến biến chứng khôn lường. Trong ảnh: Bác sĩ Phạm Đình Tụ thăm khám cho một bệnh nhân bị bệnh zona thần kinh. 

Về vấn đề quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế thành phố cho biết, Phòng đảm nhiệm chức năng quản lý, kiểm duyệt nội dung quảng cáo của các đơn vị hành nghề y dược tư nhân. Sau đó các phòng khám sẽ hợp đồng với đài truyền hình để phát các chương trình đã được phê duyệt đó. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số đơn vị tự bổ sung thêm nội dung quảng cáo, vượt quá năng lực chuyên môn của đơn vị. Thời gian qua, một số đài truyền hình cũng phối hợp tốt với Sở Y tế thành phố để kiểm duyệt nội dung trước khi phát chương trình đến khán giả. Còn những trường hợp lọt lưới, “nói quá” so với năng lực thực sự của đơn vị; ngành chức năng phát hiện tiến hành nhắc nhở, xử phạt.

Có thể thấy, mặc dù có sự kiểm duyệt của ngành chức năng, nhưng vẫn xảy ra tình trạng quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn của các đơn vị y tế, chiêu dụ lòng tin. Do đó, cùng với sự chọn lọc thông tin của mỗi cá nhân, vai trò của y tế cơ sở trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh tật, chăm sóc sức khỏe cũng như điều trị bệnh đúng nơi, đúng tuyến là rất quan trọng. Qua quá trình khám bệnh, cán bộ trạm y tế hướng dẫn người dân các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa uy tín, chất lượng, với chi phí hợp lý để người dân khỏi phải vượt tuyến, và "nhầm thầy- lẫn thuốc, tiền mất, tật mang".

TP Cần Thơ được xem như Trung tâm Y tế vùng ĐBSCL với nhiều BV đa khoa, chuyên khoa với đội ngũ nhân lực trình độ chuyên môn cao cùng các trang thiết bị hiện đại, triển khai được hầu hết các kỹ thuật cao từ mổ mở cho đến phẫu thuật nội soi và nội soi chẩn đoán. Theo đó, người dân thành phố và các tỉnh trong vùng ĐBSCL có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao với chi phí hợp lý, từ các đơn vị thuộc y tế công lập đến các đơn vị y tế tư nhân. Đặc biệt, người bệnh có bảo hiểm y tế được thanh toán phần lớn chi phí điều trị.

HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết