05/05/2018 - 07:11

Nhầm thầy - lẫn thuốc: Tiền mất tật mang
Bài 1: Những căn bệnh khó nói 

Rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười xuất phát từ tâm lý ngại ngần, mắc cỡ cũa bệnh nhân; nhất là đối với những căn bệnh liên quan đến những vùng “nhạy cảm” trên cơ thể. Điều đáng nói hơn là cũng bởi tâm lý này, nhiều người bệnh đặt niềm tin vào những lời đường mật của quảng cáo.

Bài 1: Những căn bệnh khó nói

Nhiều người bệnh có tâm lý mặc cảm khi không may mắc các bệnh “khó nói”, như bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay các bệnh sản phụ khoa... Bệnh nhân ngại đến bệnh viện (BV) tìm bác sĩ chuyên khoa, nên lần theo những lời quảng cáo từ các địa chỉ tự xưng “chất lượng quốc tế” hoặc tìm mua các sản phẩm được giới thiệu là “thần dược”, để rồi tiền mất, tật mang.

Một ca điều trị bệnh xã hội tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ.
Một ca điều trị bệnh xã hội tại Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ. 

Từ tâm lý ngại thổ lộ

Một cụ bà gần 80 tuổi, khai với bác sĩ các triệu chứng của bệnh trĩ, nhưng khi bác sĩ yêu cầu được thăm khám để chẩn đoán chính xác thì cụ bà nhất quyết không cho, vì “từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ, không cho ai nhìn thấy vùng kín”. Đó là câu chuyện có thật trong quá trình khám chữa bệnh khiến các bác sĩ “bó tay” vì tâm lý mắc cỡ của người bệnh. Bác sĩ CKII La Văn Phú, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, do điều trị không đúng, nhiều bệnh nhân bị trĩ bị nhiễm trùng vùng hậu môn, đại tiện không tự chủ. Ngoài ra, bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng có một số triệu chứng tương đồng, nhưng vì người điều trị không đủ trình độ chuyên môn chẩn đoán, bỏ sót thương tổn. Chỉ khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân mới hay bị ung thư giai đoạn cuối, không còn khả năng cứu chữa. Hậu quả đáng tiếc đó xuất phát từ sự mắc cỡ và hiểu biết chưa đầy đủ của người bệnh. Một số người ngại đến cơ sở y tế công lập vì sợ nhiều người biết bệnh, sợ gặp người quen, hay sợ quy trình của BV rườm rà, phải chờ đợi lâu.

Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, BV Đa khoa TP Cần Thơ, một phần nguyên nhân gây nên tâm lý e ngại nơi chị em là hầu hết các bác sĩ ngoại khoa đều là nam. Ngoài ra, trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ung thư, người bệnh lại cho rằng ung thư là chết, “đụng dao kéo” càng chết sớm. Vì nhận thức sai lệch này mà nhiều người bệnh đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả. Chẳng hạn với bệnh bướu cổ, ở người càng trẻ thì nguy cơ đó là khối ung thư càng cao. Tuy nhiên, nếu được phát hiện, phẫu thuật sớm thì khối u ác tính cũng chỉ như u lành. Ngược lại, nếu tác động không đúng cách, khối u sẽ phát triển ngày càng nhanh.

Đối với chị em mắc các bệnh lý sản, phụ khoa, tâm lý mặc cảm, e ngại lại càng nặng nề hơn. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ nhìn nhận, chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ chưa sinh đẻ thường chậm trễ khám bệnh khi mắc các bệnh lý sản phụ khoa, bệnh xã hội, hoặc “tránh” đến cơ sở y tế công lập, vì họ rất ngại để người khác biết mình mắc bệnh. Đến cơ sở y tế công lập, người bệnh phải trải qua một quy trình khám chữa bệnh tiếp xúc với rất nhiều người. Chưa kể, không ít người cho rằng, các phòng mạch tư có chi phí điều trị cao, nên chất lượng tương xứng, theo kiểu “tiền nào của nấy”. 

Đặc biệt, các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khiến nhiều “thân chủ” ngại ngùng, muốn tìm nơi “kín đáo” để thuận tiện điều trị. Bác sĩ CKI Phạm Đình Tụ, Trưởng Khoa Nội trú BV Da liễu TP Cần Thơ cho biết, trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục, một số bệnh có triệu chứng gây ngứa ngáy, đau nhức, hay dịch có mùi hôi, nổi hạch, mủ, khiến người bệnh khó chịu, như: bệnh lậu, bệnh hạ cam mềm... Những trường hợp mắc các bệnh này, nên đến bác sĩ sớm. Còn những bệnh thường gặp như sùi mào gà, giang mai, lại diễn tiến âm thầm, nếu không phát hiện, điều trị sớm, bệnh cứ từng bước diễn biến sang các giai đoạn nặng. Đến khi triệu chứng bệnh bộc phát, người bệnh lại mắc cỡ, giấu giếm, muốn tìm địa chỉ bí mật để điều trị. “Đây là một trong những nguyên do bệnh không được điều trị đúng cách, nhiều trường hợp nặng thêm và lây truyền bệnh cho cộng đồng...”- bác sĩ Phạm Đình Tụ chia sẻ. 

Đến những lời quảng cáo “êm tai”

“Chất lượng phòng khám luôn được đánh giá là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại khu vực phía Nam. Hàng nghìn bệnh nhân đã đặt niềm tin vào chúng tôi để đến điều trị các bệnh chuyên khoa nam khoa, phụ khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ,… Ngoài đội ngũ y bác sĩ của phòng khám là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm khám hỗ trợ điều trị bệnh chuyên khoa tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam, được đào tạo ở các đại học y hàng đầu Việt Nam cũng như được tu nghiệp tại các nước có nền y học tiên tiến như Singapore, Mỹ, Pháp thì phòng khám còn được trang bị các thiết bị y tế hiện đại, các phòng phẫu thuật được vô trùng theo tiêu chuẩn quốc tế…”.

Đó là thông tin trên trang web giới thiệu “phòng khám uy tín số 1 tại Cần Thơ”. Ngoài ra, đơn vị này còn thực hiện quảng cáo ở nhiều đài truyền hình trong vùng suốt một thời gian dài. Tin vào thông tin quảng cáo này mà nhiều người đã phải "ngậm đắng nuốt cay". Câu chuyện của chị Trịnh Ngọc Yến (41 tuổi, ở quận Thốt Nốt) là một điển hình. Chị Yến “sống chung” với bệnh trĩ đã hơn chục năm. Sau khi xem chương trình giới thiệu của phòng khám trên ti vi, chị vay mượn tiền để trị bệnh. Thực tế không như lời quảng cáo, tổng chi phí hơn 23 triệu đồng, đổi lại, chị bị rỉ phân tự do, hậu môn bị nhiễm trùng hoại tử, cơ vòng tổn thương nặng, đối mặt với nguy cơ đặt hậu môn nhân tạo suốt đời.

Chị Yến càng không ngờ rằng, phòng khám mà chị trót tin, là nơi đã nhiều lần bị ngành chức năng xử phạt vì tồn tại nhiều sai phạm thời gian dài, do không niêm yết giá rõ ràng, có người Trung Quốc làm việc tại phòng khám nhưng không có giấy phép hành nghề… Đặc biệt, nhân lực của phòng khám chỉ có 4 bác sĩ thường xuyên vắng mặt và 5 người có trình độ trung cấp, chứ không như quảng cáo là “có đội ngũ chuyên gia được đào tạo ở các đại học y hàng đầu Việt Nam cũng như được tu nghiệp tại các nước có nền y học tiên tiến”. 

Có thể nói, với sự bùng nổ mạng xã hội, mọi người dễ dàng tìm kiếm thông tin chỉ với một cái nhấp chuột. Tranh thủ điều này, các công ty dược phẩm hay các đơn vị khám chữa bệnh “tự quảng cáo”. Người mắc bệnh tìm hiểu thông tin nhưng thiếu chọn lọc, thấy quảng cáo “êm tai”, mua về dùng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc bừa bãi không có chỉ dẫn của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Minh chứng là thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị viêm nhiễm phụ khoa như viêm lộ tuyến, huyết trắng, tự mua viên thuốc Bắc trên mạng về đặt. Họ kể với bác sĩ, thuốc có tác dụng nhanh chóng. Tuy nhiên, sau vài lần đặt thuốc, chị em đau bụng, nóng sốt, bội nhiễm âm đạo. Khi đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, bác sĩ ghi nhận tình trạng các mảng dịch bị xơ hóa, đóng dày phía trong âm đạo, thậm chí cán bộ y tế không đưa được dụng cụ vào thăm khám. Việc bóc tách mảng dịch xơ hóa đến đâu thì sung huyết tới đó. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, tình trạng viêm nhiễm cổ tử cung kéo dài, có thể biến chứng gây tổn thương lành tính hay chuyển hóa ác tính. Nếu viêm nhiễm tổn thương tới buồng tử cung, ra hai bên tai vòi dễ gây thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều bài thuốc, cách trị bệnh trĩ nhưng chưa được kiểm chứng công dụng. Thế nhưng với tâm lý, “may chủ, phước thầy” nên nhiều người tin theo. Mới đây, anh V. Th. Th. (42 tuổi, ở quận Ninh Kiều), phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa cầu cứu sau khi “tự làm bác sĩ”, thoa hỗn hợp được cho là thuốc trị trĩ của một người bạn cho, khoe thuốc “công hiệu lắm”. Anh Th. kể: “Sau khi thoa vào, suốt đêm đó tui đi vệ sinh chừng 30 lần. 3 ngày sau, búi trĩ bể, máu chảy ồ ạt, tui phải nhập viện cấp cứu”.

Thời gian gần đây, các bác sĩ BV Da liễu TP Cần Thơ ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh đến BV Da liễu sau khi đã điều trị ở các phòng khám Trung Quốc, tốn nhiều tiền mà bệnh không khỏi. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ và các cơ quan truyền thông cũng tiếp nhận nhiều phản ánh của bệnh nhân về dịch vụ của phòng khám có chi phí đắt nhưng chất lượng không như quảng cáo. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh trĩ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh sản phụ khoa.

HẢI TIẾN

(Còn tiếp)
Bài 2: Mất tiền, thêm bệnh

Chia sẻ bài viết