17/07/2011 - 20:34

BỆNH CHỔI RỒNG TRÊN NHÃN TIÊU DA BÒ:

Nhà vườn lao đao

Nhãn tiêu da bò là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, sản phẩm có đầu ra khá tốt. Nhưng gần đây, với sự xuất hiện của bệnh chổi rồng (còn gọi là bệnh đầu lân hay nhãn bị chùm bông dừa...) với mật độ và tầng suất ngày càng nhiều trên các vườn nhãn tiêu da bò, đe dọa đến việc duy trì và phát triển loại cây trồng này tại ĐBSCL. Nhiều nhà vườn rất lo lắng vì chưa biết cách phòng trị bệnh.

* Lao đao vì bệnh chổi rồng

Hiện tượng “chổi rồng” xuất hiện ngày càng nhiều tại các vườn nhãn tiêu da bò ở ĐBSCL.

Bệnh chổi rồng xuất hiện trên các chồi lá non và trên hoa nhãn, làm cho chồi lá, hoa không phát triển, bị đột biến cụm lại như bó chổi và trông giống như chùm bông dừa, nhiều nhà vườn gọi bệnh “chổi rồng” hay bị “chùm bông dừa”. Do bệnh chổi rồng tấn công ngay lúc nhãn ra đọt non và ra bông làm cho chùm bông nhãn không phát triển đậu thành trái hoặc đậu trái với tỷ lệ thấp làm giảm năng suất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, bệnh này lây lan rất nhanh và hiện chưa có thuốc đặc trị.

Theo nhiều nhà vườn trồng nhãn tiêu da bò ở các tỉnh, thành ĐBSCL, trồng nhãn nhẹ công chăm sóc, thường chỉ tập trung vào lúc xử lý cho cây ra bông cho đến lúc thu hoạch trái và tỉa cành, bồi gốc. Đối với các vườn nhãn khoảng 6-7 năm tuổi trở lên, nếu cây cho năng suất tốt có thể đạt trên 3 tấn/công, với giá bán khoảng 10.000-11.000 đồng/kg nhà vườn có thể lời được gần 30 triệu đồng/công, còn với giá 20.000 đồng/kg có thể đạt mức lợi nhuận trên 50 triệu đồng/công. Những năm gần đây, nhãn tiêu da bò được xuất khẩu ra nhiều nước và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ... nên ngày càng có giá. Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, có thời điểm giá nhãn tiêu da bò đã lên ở mức từ 20.000 đồng/kg, còn lúc thấp nhất cũng giữ mức 5.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bệnh chổi rồng đang làm cho năng suất và sản lượng của nhiều vườn nhãn có xu hướng ngày càng giảm khiến nhà vườn lo lắng.

Ông Nguyễn Bá Văn ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, có 10 công nhãn tiêu da bò, cho biết: “Bệnh chổi rồng chỉ mới xuất hiện tại địa phương cách đây khoảng 2-3 năm, nhưng đến nay nó đã lây lan và có mặt tại hầu hết các vườn nhãn với các tỷ lệ nhiễm bệnh khác nhau, từ lác đác một vài chùm bông của vài cây bị nhiễm, lên đến vài chục phần trăm tỷ lệ cây trong vườn bị nhiễm. Năng suất và sản lượng của nhiều vườn nhãn cũng đã bị giảm từ 10-50% so với trước, thậm chí còn cao hơn. Đáng ngại hơn là khi nhãn bệnh, nếu cắt bỏ hết các chùm bông để xử lý cho ra trái lại thì nếu cho trái thành công cũng thường đánh mất cơ hội thu hoạch nhãn ngay thời điểm có giá bán cao”. Còn anh Bùi Văn Tho ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cũng cho biết: “Tình trạng nhãn bị chùm bông dừa xuất hiện tại xã khoảng 4 năm nay, nhưng nó đã lây lan ra hầu hết các vườn nhãn trong vùng. Riêng 8 công nhãn của tôi (trong đó có 6 công được 6 năm tuổi và 2 công mới trồng lại được khoảng 3 năm tuổi) hầu hết đều bị nhiễm bệnh, kể cả nhãn tơ mới trồng lại. Năm nay, nhãn bị nhiễm bệnh nhiều quá, không biết có xử lý cho ra trái được không!”.

Cách đây khoảng 10 năm, khi bệnh chổi rồng mới xuất hiện ở các tỉnh miền Trung có nhiều giả thiết cho rằng nhãn bị bệnh là điều kiện dinh dưỡng không tốt và bón phân xịt thuốc không đúng cách làm cây bị đột biến, không đậu trái được. Sau đó bệnh đã lây lan nhanh và xuất hiện ngày càng nhiều tại các vườn nhãn ở các tỉnh miền Đông Nam bộ rồi đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Các nhà khoa học và cán bộ ngành nông nghiệp đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do virus gây ra, được lan truyền bởi côn trùng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhiều tranh luận và nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân và nguồn lây lan bệnh chổi rồng và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ tìm cách phòng trị bệnh hiệu quả nhất.

* Cần sớm có thuốc đặc trị

Tại TP Cần Thơ, bệnh chổi rồng xuất hiện tại các vườn nhãn từ cuối năm 2008 đầu năm 2009 trên diện tích không đáng kể. Song, đến nay bệnh chổi rồng đã xuất hiện phổ biến, trong đó có nhiều cây nhãn có 100% số chùm bông bị nhiễm bệnh. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thành phố có hơn 1.500 ha trồng nhãn tiêu da bò. Nếu cuối năm 2009 chỉ có vài chục héc-ta nhãn bị nhiễm bệnh, thì đến nay đã có hàng trăm héc-ta bị nhiễm với tỷ lệ phổ biến từ 10-15% số cây trong vườn, nơi nhiều hơn khoảng 30%, cá biệt cũng có trường hợp bị nhiễm tới 50% diện tích.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tại một số địa phương trong nước đã khuyến cáo nông dân chặt bỏ các vườn nhãn bị nhiễm nặng bệnh chổi rồng, chuyển sang các loại cây trồng khác. Riêng tại TP Cần Thơ, do mới ghi nhận tỷ lệ nhiễm bệnh trên các vườn nhãn còn ít, hơn nữa đây là loại cây trồng có đầu ra trong xuất khẩu tốt và tạm thời chưa có loại cây trồng tốt hơn để thay thế nên trước mắt ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trị bệnh nhằm giữ lại diện tích nhãn.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Cần Thơ, cho rằng: “Bệnh chổi rồng thường xuất hiện và tấn công nhãn khi nhãn ra đọt non và ra bông. Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhện lông nhung (Eirophyes litchii Keifer), chính là côn trùng truyền vi-rút gây bệnh chổi rồng trên nhãn. Đây là loài nhện có kích thước rất nhỏ, hầu như không thể nhận thấy nó được bằng mắt thường. Do vậy, để phòng trị bệnh chổi rồng, nông dân cần phối hợp thực hiện các biện pháp chăm sóc nhãn để tăng cường sức đề kháng cho cây và diệt trừ vật trung gian truyền bệnh là nhện lông nhung, đồng thời cắt bỏ những cành cây bị bệnh, đem ra khỏi vườn rồi tiêu hủy. Riêng về phía ngành nông nghiệp thành phố, ngành đang tiếp tục rà soát, khoanh vùng các diện tích nhãn bị nhiễm bệnh để có biện pháp hướng dẫn nông dân phòng trị và có các khuyến cáo kịp thời. Mặt khác, ngành nông nghiệp thành phố cũng đang phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu, tìm cách đặc trị bệnh chổi rồng”.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, nông dân trong vùng trồng nhãn ở thành phố cần phối hợp để thực hiện việc cắt và tiêu hủy đồng loạt các cành nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng nhằm cắt đứt nguồn phát tán mầm bệnh. Mặt khác, thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật, bón thêm phân hữu cơ để cải tạo đất... nhằm tạo điều kiện cho cây nhãn khỏe. Sau khi thu hoạch nhãn cần chú ý tỉa cành, tạo tán để cây phát triển tốt và ít sâu bệnh. Đồng thời, nhà vườn cần chú ý phun thêm các loại dầu khoáng, (như caltex DC Tron Plus), kết hợp với các loại thuốc trừ nhện (Ortus 5EC, SK Enspray 99EC...), nhất là vào thời điểm cây ra lá và đọt non chuẩn bị ra hoa. Ngoài ra, khi cây ra đọt non, nhà vườn có thể kết hợp thêm biện pháp dùng vòi nước mạnh để tưới nhằm rửa trôi nhện và tạo độ ẩm tốt cho cây trồng trong mùa nắng để hạn chế sự phát triển của nhện...

Bài, ảnh: Khánh Trung

Hiện tượng “chổi rồng” xuất hiện ngày càng nhiều tại các vườn nhãn tiêu da bò ở ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết