06/08/2017 - 10:07

Nhà thơ yêu nước Lê Quang Chiểu 

Trần Phỏng Diều

 

Cụ Lê Quang Chiểu (1852-1924)- là nhà thơ của dòng văn học Hán Nôm thời cận đại, người làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ). Ông xuất thân trong gia đình thư hương, được người đời ngợi ca sống khí tiết, giỏi văn chương.


Cụ Lê Quang Chiểu là học trò của cụ cử Phan Văn Trị nên ông cũng chịu ảnh hưởng lòng yêu nước của thầy. Sau khi ông cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh bị nghĩa quân Đinh Sâm giết chết, người Pháp đưa cụ Lê Quang Chiểu lên làm Cai tổng Định Bảo (1). Điều này trái với lẽ sống của ông, bởi ông có tấm lòng yêu nước, ghét thực dân xâm lược và những tên tay sai bán nước. Nếu không nhận lời, thực dân Pháp sẽ gây khó dễ cho thân nhân, gia đình của ông, còn nếu nhận lời có nghĩa là chấp nhận làm tay sai cho giặc. Đối với ông, cả hai lựa chọn đều khó xử. Cuối cùng ông nhận chức nhưng tự hứa với lòng những việc gì có hại cho dân thì ông không làm, việc dân cần ông sẵn lòng giúp đỡ. Vì lẽ đó, cụ Lê Quang Chiểu được nhân dân yêu mến, không để lại tiếng xấu trong suốt thời gian làm việc cho Pháp. Thế nhưng,  hằng ngày phải chứng kiến những cảnh lầm than, sưu cao thuế nặng đè lên cuộc sống nhân dân, cụ Lê Quang Chiểu không thể tiếp tục làm việc cho bộ máy công quyền bấy giờ. Ông từ chức để sống một cuộc đời thanh bạch. Hành động này của ông đã được người đời sau hết lời khen tặng:

  Bìa công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000)”.


“Ngày nay, nói đến cụ Lê Quang Chiểu, một vị Cai tổng thời ấy, dám đứng lên bênh vực cho dân, nói thẳng với người Pháp qua chính sách cai trị, nào là sưu cao thế nặng, bắt dân đi làm xâu nơi rừng thiêng nước độc; trước sự tàn bạo của thực dân, cụ Chiểu lấy làm căm phẫn liền trả chức đứng về phía nhân dân, quyết giữ câu tiết tháo không khác nào trường hợp cụ Nguyễn Công Trứ thuở nào:


   Chen chút lợi danh đà chán ngắt,
   Cúc, tùng, phong nguyệt mới vui sao.
   Đám phồn hoa trót bước chân vào,
   Sực nghĩ, giật mình bao xiết kể.

Cụ Chiểu nghĩ như thế mới rời khỏi chốn quan trường, giữ được thanh danh của người trai đất Việt, đến nỗi kẻ dua nịnh, xu thời theo chân người Pháp cũng phải cúi đầu kính nể”. (2)

Trong thời gian này, cụ Lê Quang Chiểu có làm 10 bài bát cú liên hoàn “Tự thuật giải chức” để tự bạch. Mỗi bài đều bộc bạch nỗi lòng của ông:


   Miễn ta giữ trọn niềm ngay thảo,
   Dũng thế dầu kêu tiếng ngựa trâu.


Câu trên nói lên mối ràng buộc, không thoải mái khi phải làm việc cho Pháp và ông cảm thấy rất nhẹ nhõm sau khi đã được giải chức:


   Nhợ tổ mừng đà giải khỏi qua,
   Giải rồi mới phỉ tấm lòng ta.
   Dây ben máng cánh thêm ràng buộc,
   Mộc ký đeo lưng khó khỏe hòa.
   Có thóc gà lồng nồi nước cận,
   Không lương hạt nội đất trời xa.
   Sao bằng ở thế vui theo thú,
   Bốn bể đâu đâu cũng có nhà.


Đối với ông, phú quý mà chi khi phải làm tay sai cho giặc, khanh tước làm gì mà ôm chân kẻ xâm lược để hại dân:
 

    Phong hầu ta cũng chọn theo thì,
   Phú quý như vầy nghĩ chẳng chi.
   Mượn thú phong ba cùng tuyết nguyệt,
   Vui lòng thi họa với cầm kỳ.
   Cái sanh đã lộn trong trần cấu,
   Gìn giữ cho tròn lúc loạn ly.
   Nín nẫm theo thì mà xử thế,
   Trối ai gièm xiểm trối ai khi.

Mục từ Lê Quang Chiểu trong “Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000).


Và với tấm lòng yêu nước của mình, trong thời gian làm Cai tổng, cụ Lê Quang Chiểu đã tham gia họa 10 bài “Tự thuật” của Tôn Thọ Tường, góp phần với cụ Phan Văn Trị vạch mặt, lên án tên bán nước, hại dân, với lời lẽ hết sức thâm thúy:

   Giúp trị lẽ nào dung đặng gã,
   Trừ loàn rồi có kể chi ngươi.

   Và đây, 1 trong 10 bài họa thể hiện tinh thần bất hợp tác với giặc của ông:

   Rèn lòng đinh sắc hãy còn đây,
   Nín nẫm cho qua cái hội này.
   Hạc lộn bầy gà thương nỗi kẻ,
   Chồn mang lốt cọp gớm cho bây.
   Lỡ duyên cá nước toan chờ vận,
   Gặp lúc rồng mây há chẳng ngày.
   Sớm tính che phên ngừa gió cả,
   Cột rường chống chỏi sẽ lung lay.

Qua tinh thần bài thơ, chúng ta cảm mến, kính phục tấm lòng sắt thép của cụ, đã dứt khoát tư tưởng, bất hợp tác với kẻ đô hộ, lui về cố quán với nỗi niềm uất hận, không muốn nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan. (3)

Bên cạnh lên án Tôn Thọ Tường, cụ Lê Quang Chiểu còn châm biếm, mỉa mai, đả kích những tên tay sai khác như: Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Miêng, đốc phủ Nhuận, mà bài thơ “Khóc quan Tổng đốc Cái Bè” là tiêu biểu cho tinh thần này.

   Mấy năm lừng lẫy sức anh hào,
   Nam Bắc hai kỳ tiếng nổi phao.
   Mũi súng “trừ loàn” hơi nghi ngút
   Ngọn đèn đưa cữu gió lao xao.
   Trương bằng tổng đốc son còn đỏ,
   Cái xác hùng oai sắt đã rào
   Huân nghiệp rõ ràng danh giá thế,
   Mơ màng trong một giấc chiêm bao.

Tổng đốc Cái Bè là chức của tên Trần Bá Lộc được Tây cất nhấc lên, để “thưởng công đánh dẹp” cực kỳ tàn ác của hắn đối với các cuộc khởi nghĩa của những người yêu nước khắp đất nước ta: Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Mai Xuân Thưởng… Vì lẽ đó, sau này nhân dân yêu nước ở Cái Bè đã biểu tình đốt dinh thự nguy nga của Trần Bá Lộc tại địa phương. Nhà thơ Dị Nhơn Thị Cảm đề dinh Tổng đốc Trần Bá Lộc cháy, nguyên văn như sau:

   Dám đem xương máu của đồng bào,
   Mà cất cái dinh thật lớn lao!
   Khói tỏa Cung A rằng chuyện cũ
   Lửa thiêu dinh Bá khác đâu nào!
   “Phì gia” quân đối “sơn hà cố”,
   “Báo oán” dân đồng “nhật nguyệt cao”
   Nước sạch Cái Bè trong leo lẽo,
   Làm gương cho sách để về sau. (4)

Ngoài 10 bài bát cú liên hoàn “Tự thuật giải chức”, 10 bài họa thơ Tôn Thọ Tường, các bài thơ, vịnh khác, cụ Lê Quang Chiểu còn góp mặt trong tập “Quốc âm thi hiệp tuyển”, xuất bản vào năm 1903, gồm nhiều thơ của các sĩ phu yêu nước ở Nam kỳ, do cụ dịch và in bằng chữ Quốc ngữ. Có lẽ đây là tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Cần Thơ được xuất bản, và cũng là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất ở Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. (5)

Với những đóng góp cho dòng văn học cận đại ở Nam bộ, cụ Lê Quang Chiểu đã được các tác giả công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước cách mạng thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000)” lựa chọn để đưa vào công trình sách đồ sộ này. Công trình do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Quốc học (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thực hiện có bố cục theo ba giai đoạn (1900-1945; 1945-1975; 1975-2000) gồm 25 quyển, dày hơn 20.000 trang với 1.560 tác phẩm thuộc các thể loại tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, ký sự, thơ, kịch bản, chính luận, phê bình văn học, sân khấu, điện ảnh... của hơn 400 tác giả.

----------------------

(1). Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (2002), Địa chí Cần Thơ, tr.536.

(2). Huỳnh Minh (1966), Cần Thơ xưa và nay, Nxb Cánh Bằng, tr.104-105.

(3). Huỳnh Minh, Sđd, tr.104.

(4). Nguyễn Q Thắng (2007), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới, tập 1, Nxb Văn học, tr.528.

(5). Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ (2002), Sđd, tr.537.

 

Chia sẻ bài viết