26/11/2017 - 13:58

Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Kỹ sư nông nghiệp “lai tạo giấc mơ” 

Trong một lần ngồi với đạo diễn Lê Văn Duy có đề cập đến diễn viên quá cố Lê Công Tuấn Anh và phim Nàng Hương, mới biết phim này có liên quan đến nhà thơ Trần Hữu Dũng. Lê Công Tuấn Anh đã hóa thân thành Trần Hữu Dũng trong Nàng Hương nhưng không phải với tư cách một nhà thơ mà là một kỹ sư nông nghiệp.

Người miền Tây Nam bộ gọi “ông Hai Lúa” như một cách gọi chung cho những người nông dân. Nhưng thực tế ông Hai Lúa là con người cụ thể có thật trên cõi đời này. Ông Hai Lúa tên thật là Võ Văn Chung, làm ruộng nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng kể: “Năm 1979 tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Đại học Cần Thơ, tôi được bổ nhiệm về Công ty Giống cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp TPHCM. Trước đó, tôi có thời gian thực tập ở nhà ông Võ Văn Chung, thường gọi ông Hai Chung ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, dân trong vùng quen gọi là ông Hai Lúa, vì lúc ấy ông sản xuất lúa giống bán cho cả miền Nam”.

Nhà thơ Trần Hữu Dũng ký tặng Âm thanh những giấc mơ cho bạn bè


Lúc ấy, đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TPHCM, có mời ông Võ Văn Chung đi truyền đạt kinh nghiệm về giống lúa chống rầy nâu ở các huyện ngoại thành vào năm 1978, Trần Hữu Dũng và 5 cô nông dân cấy giỏi được đi cùng. Trong nhóm sinh viên thực tập ở nhà ông Hai Lúa ngày đó, Trần Hữu Dũng được bầu làm tổ trưởng kỹ thuật.
Ông Trần Hữu Dũng nhớ lại: “Ông Hai Chung trở thành hình mẫu sáng tạo của người nông dân thời đó. Hàng trăm văn nghệ sĩ kéo đến tham quan, lấy tư liệu viết bài, soạn chập, tuồng cải lương, sáng tác nhạc. Trong sổ ghi cảm tưởng còn lưu lại tại nhà ông Hai Chung còn có bút tích của một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn như Nguyễn Quang Sáng, Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, Hồng Sến, Lê Văn Duy…”.
Cuộc đời ông Hai Chung và những thông tin này được nhà thơ Trần Hữu Dũng kể lại cho đạo diễn Lê Văn Duy nghe và đạo diễn đã chuyển thành phim Nàng Hương, chiếu trên truyền hình giữa những năm 1990.
Câu chuyện khiến đạo diễn Lê Văn Duy hào hứng dựng thành phim còn bởi khi đó ông Hai Lúa chấm chàng sinh viên Trần Hữu Dũng làm ruộng giỏi ở rể nhà mình. Hỏi về việc “làm rể hụt” nhà ông Hai Lúa, Trần Hữu Dũng phân trần: “Ông Hai Chung yêu quý 5 chàng trai thực tập ở nhà ông ngang nhau. Một thời trẻ tuổi lãng mạn, nhiều lý tưởng, tôi được ông tin cậy nhiều hơn. Còn vợ chồng thì phải có… duyên mới được”.  
Phim Nàng Hương được quay ở Long An, 3 tập đầu do nhà văn Võ Phi Hùng chấp bút kịch bản, sau bận việc nên đạo diễn Lê Văn Duy kiêm biên kịch luôn đến tập thứ 6 thì ngưng vì diễn viên chính Lê Công Tuấn Anh mất. Phim Nàng Hương hấp dẫn ở đề tài thời sự nông thôn đang nóng bỏng, không khí đổi mới ở hợp tác xã miền Nam thời hòa bình với nhiều trăn trở, biến động, xáo trộn đến tận gốc rễ đời sống người nông dân thời đó.
Qua ông Hai Lúa - Võ Văn Chung, chàng sinh viên Trần Hữu Đức (tên thật của Trần Hữu Dũng) làm ruộng giỏi gặp được đồng chí Võ Văn Kiệt. Dù thực tập ở nhà ông Hai Lúa, nhưng Trần Hữu Dũng được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng kỹ thuật.
Nhưng khi ông Võ Văn Kiệt hỏi về tuổi Đoàn, tuổi Đảng thì chàng sinh viên Trần Hữu Đức bảo, chưa vào vì có cha làm công chức chế độ cũ. đồng chí Võ Văn Kiệt trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Tôi sẽ xin cậu về Sở Nông nghiệp TPHCM với điều kiện cậu phải nằm trong nhóm 10 sinh viên đỗ đầu khi ra trường”.
Khi học ở Khoa Trồng trọt, Trần Hữu Dũng may mắn được thọ giáo rất nhiều giáo sư đầu ngành nông học, trong đó có Giáo sư Võ Tòng Xuân. Anh may mắn thêm khi được ông Hai Lúa thương như con trong nhà, được ông hướng dẫn thực hành trên đồng ruộng rất tận tình. Không phụ lòng Giáo sư Võ Tòng Xuân, ông Hai Lúa và đồng chí Võ Văn Kiệt tin tưởng, chàng trai Trần Hữu Đức đã đứng thứ 6 trong số những sinh viên tốt nghiệp Đại học Cần Thơ năm 1979.
Giữ đúng lời hứa, đồng chí Võ Văn Kiệt đã xin Trần Hữu Đức về làm ở Công ty Giống Cây trồng của Sở Nông nghiệp TPHCM, ông gắn bó với ruộng đồng và người nông dân 21 năm rồi chuyển qua làm Báo Văn nghệ TPHCM đến năm 2016 về hưu. Trong thời gian làm kỹ sư nông nghiệp, ông Trần Hữu Dũng và đồng nghiệp đã lai tạo được nhiều giống lúa từ phòng kỹ thuật của Sở Nông nghiệp, như: giống Ấn Độ hạt nhỏ, IR36, hàng loạt giống lúa miền Tây ký hiệu MTL…
Ông Trần Hữu Dũng cho biết: “Các bạn tốt nghiệp sau này áp dụng công nghệ mới lai giống, nhân giống từ phôi nhũ trong phòng thí nghiệm nên đạt thành công nhanh chóng hơn, ít vất vả lăn lội ngoài đồng ruộng. Bây giờ tôi trở thành lạc hậu so với nền công nghệ áp dụng vào thực tiễn nông nghiệp mới này rồi”.
Nhà thơ Trần Hữu Dũng tự nhận thấy: “Dù làm bất cứ công việc gì, dấu ấn nông nghiệp vẫn ăn khá sâu vào tiềm thức của tôi”.
Trong cuốn Thơ đến từ đâu (NXB Lao động năm 2009) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng, mở đầu bài phỏng vấn nhà thơ Trần Hữu Dũng, có viết: “Gần đây, trên các trang web văn học, người ta đọc thấy một giọng thơ mới mẻ, dịu dàng, nhưng khá lạ, là giọng thơ Trần Hữu Dũng: Chạy mãi trên đồng trống, đường trắng/Có ai cắn nát trái cam mặt trời/Có ai chọc khẽ vào tim nhói buốt/Thương là thương người ấy/Đầm xa ếch lẻ bạn kêu chiều… Thơ anh đầy hương vị nông thôn miền Nam. Đây là điều khá hiếm trong thơ Việt Nam hiện nay…”.
Ngoài các giống lúa đã lai tạo được, làm nguyên mẫu trong phim Nàng Hương, nhà thơ Trần Hữu Dũng đã ấn hành 9 tập thơ, 1 tập truyện vừa và mới nhất là tập thơ Âm thanh những giấc mơ (NXB Hội Nhà văn) như những giấc mơ mà anh “lai tạo” được góp vui với cuộc đời.


Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

 

Chia sẻ bài viết