13/12/2014 - 16:09

Nhà ở gần biển

 Truyện ngắn
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Anh hơn tôi 15 tuổi. Đôi khi tôi gọi anh bằng chú. Từ chú tôi gọi anh có vẻ ân cần và tha thiết, có chút gì đó tin cậy và đẫm thương yêu.

Anh làm việc ở Viện nghiên cứu thủy sản, thế giới của anh nồng nặc mùi ê-te và phóc-môn. Ở đó, tối ngày anh quan sát những sinh vật biển. Còn tôi thì quan sát anh vì hàng ngày tôi đã gặp tôm cá ở ngoài chợ.

 

Tôi nói đùa với anh là khi chọn một người đàn ông để yêu thương, con gái thường mơ người đàn ông ấy phải hơn mình một cái đầu. Anh đứng ngay giữa phố, chỗ có bảng trạm xe buýt, đứng sát bên tôi mà đo chiều cao. Anh hét “Trời ơi, anh hơn em tới một cái đầu rưỡi”. Tôi cũng không phải là thấp, vậy mà đứng gần anh, tôi thấp ơi là thấp. Anh pha trò “Khi hai đứa mình lấy nhau, anh sẽ mua một cái đòn ngồi”. Tôi trố mắt hỏi: “Chi anh?”. Anh cười “Mỗi lần muốn hôn em, anh sẽ cho em đứng trên chiếc đòn ngồi đó, không thôi em nhón gót, tội em”.

Anh nghiên cứu tôm, cá. Đó là do ba anh bắt anh đi học vì ba anh thích. Còn anh thì chỉ thích trở thành nhạc sĩ. Thương ba, anh vẫn học cái nghề gọi là thủy sản và giờ đây, khi đã lao vào công việc, anh thấy yêu: “Em biết không khi mình nuôi một con vật gì đó, hàng ngày nhìn nó lớn, trông thật vui”. Anh nói tiếp: “Anh đâu ngờ khám phá cuộc sống sinh vật biển là một điều thích thú, cực kỳ thú vị”.

Tôi chẳng liên quan gì đến phòng thí nghiệm và những điều thú vị liên quan đến sinh vật biển của anh, với đủ loại hồ thủy tinh, những ống nhựa cứ tỉ tê chảy nước vào hồ, bao quanh là cá lớn, cá nhỏ. Nhưng cuộc sống đôi khi là định mệnh. Ấy là cái hôm tôi về tòa soạn báo thực tập. Anh Trưởng phòng phóng viên phân công tôi đi viết về mảng nông nghiệp, thủy sản. Bài viết đầu tiên tôi được phân công là viết về nghề nuôi cá ngựa. Và người phải gặp là anh…

Tôi không có duyên với nghề báo. Bài viết về cá ngựa với sự giúp đỡ ý kiến chuyên môn của anh là bài viết duy nhất của tôi được đăng báo. Sau khi ra trường, tôi chuyển qua làm việc ở một công ty du lịch. Nhưng duyên nợ của anh và tôi như đã được ông trời sắp đặt. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau, tất nhiên là chẳng dính líu gì đến báo chí và thủy sản, mà chỉ là những lần đi cà phê, rồi đi ăn.

Anh tỏ tình với tôi vào mùa xuân. Anh tặng tôi hai chậu hoa cúc nở rực vàng và nói: “Qua Tết mình lấy nhau em nhé. Để sang năm anh và em cùng đi chợ Tết cho vui”. Anh nhẹ nhàng:“Nhà anh chỉ có anh là con trai lớn, còn ba cô em gái. Chẳng lẽ mình lại ra riêng. Vả lại mấy đứa em của anh cũng dễ thương. Thôi em cứ về nhà anh chiếm giữ một giang sơn”. Anh năn nỉ tôi như thế. Và tôi vẫn nghĩ thời buổi này thì việc ở chung hay ở riêng không còn là vấn đề quan trọng. Hơn nữa là tôi và anh tối ngày đều phải đi làm, đâu có thời gian để làm dâu hay làm chị chồng.

Nhà của anh đẹp, rộng. Vợ chồng ở trên tầng hai, hoàn toàn riêng tư. Nhưng ba cô em gái Thùy, Thanh và Thiên không như anh nói lúc đầu. “Ba cô em gái anh chưa chồng nên hơi khó tính một tí. Em rộng lòng đừng chấp”. Tôi cười với anh “Thì đàn bà con gái với nhau, dễ thông cảm. Anh cứ yên tâm”. Tôi không tin rằng tôi và ba cô em gái của anh sẽ trở thành lửa và nước.

***

Nhà tôi ngày xưa ở gần biển. Thói quen của tôi mỗi buổi sáng là dậy sớm, khi mặt trời chưa mọc, rồi chạy ra biển tập thể dục. Không gian buổi sáng khi đường phố chưa tấp nập xe cộ, mặt trời vẫn còn đang ngủ, tiết trời se lạnh thật tinh khiết, chỉ có ai thức và chạy bộ vào buổi sáng mới cảm nhận được. Tôi hay lãng mạn gọi là chạy về phía mặt trời.

Nhưng về nhà anh lại khác. Căn nhà lớn, buổi tối được khóa đủ loại khóa lớn nhỏ, mở cửa gây tiếng động, sẽ làm cho nhiều người thức giấc.

Trong ba cô em gái của anh, cô lớn nhất là Thùy. Thùy làm cho tôi mang cảm giác là mình đã phá vỡ sự tĩnh lặng của ngôi nhà, đã chiếm hữu anh của cô ấy và tình thương của mẹ chồng. Trước khi tôi về nhà anh, Thùy giống như chủ gia đình, quyết đoán mọi công việc. Tôi đã làm cho cuộc sống của cô xáo trộn khi cô phải nhường căn phòng đẹp nhất cho vợ chồng tôi.

Thùy làm việc ở ngân hàng, đến chức Trưởng phòng Tín dụng. Sau ba ngày tôi bước vào gia đình anh, Thùy mang tới phòng tôi một xấp hóa đơn. Tôi chẳng hiểu gì thì Thùy đã lên tiếng:

- Đồ đạc trong nhà đang tốt, ông chồng chị lại thay hết, bảo thay cho hợp với chị vì chị ở nhà này chưa quen. Chị còn không quen gì nữa nói luôn một thể để tính cho tiện…

Tôi không biết phản ứng ra sao cho phải vì đó là em, là ruột thịt của anh. Tôi không thể kể cho anh nghe rằng Thùy coi tôi như người lạ cần đề phòng. Tôi vắng nhà, Thùy âm thầm lục đồ đạc của tôi. Buổi tối, bận công việc tôi về trễ thì y như rằng tôi phải bấm chuông mỏi cả tay mới được mở cửa.

Những bữa ăn không có anh giống như một cực hình. Ăn bên cạnh một cô em chồng luôn bắt bẻ từng hành động, lời nói, mặt nặng mày nhẹ thì chẳng thà nhịn đói đi ngủ có vẻ tốt hơn. Những khi bất đắc dĩ có bạn tới nhà tôi lại càng có cảm giác là mình đang phạm tội gì rất lớn lao dưới ánh mắt soi mói của Thùy, giống như tôi đang âm mưu chiếm giữ căn nhà. Tôi cứ ngọ nguậy mãi trong cái ao tình yêu chật hẹp ấy mà không thể nói được với anh.

Đó là những năm tháng đầu làm vợ. Có lần anh đưa tôi đến viện nghiên cứu của anh để thăm con hải cẩu do một ngư dân ở Quảng Ngãi tình cờ lưới được. Chú hải cẩu con ngơ ngác nhìn tôi khi đến thăm. Chú đang bơi trong một hồ nước trong xanh, thức ăn gồm những con cá tươi ngon được người chăm sóc lựa mua ngoài chợ. Tôi buộc miệng nói với anh: “Anh thấy không, hồ nước đẹp, thức ăn ngon nhưng con hải cẩu vẫn buồn. Anh biết tại sao không? Vì nó không còn được tung tăng trong đại dương”.

Sau chuyến thăm chú hải cẩu ấy vài tháng, đột nhiên anh gọi điện về nhà, bảo tôi chuẩn bị để anh đưa đi dạo phố. Lâu lắm rồi chúng tôi chẳng đi chơi.

Anh đưa tôi đến một ngôi nhà nhỏ, nằm trong một con phố nhỏ và bảo tôi hãy tự mở cửa bước vào. Anh đi sau lưng tôi hỏi “Em thích con hải cẩu về với biển cả không?”. Tôi ôm anh như chưa từng ôm. Ngày mai tôi sẽ là tôi. Tôi sẽ nấu cho anh món ăn ưa thích và tôi có thể dậy sớm như xưa để đôi chân chạy về phía chân trời.

Chia sẻ bài viết