20/10/2010 - 21:26

MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG PHÂN PHỐI

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mặn mà ?

Kinh doanh các loại thực phẩm thiết yếu tại Cửa hàng Lương thực thực phẩm của Công ty Lương thực Sông Hậu ở Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo cam kết WTO, từ ngày 1-1-2009, doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối dưới hình thức 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ vẫn còn rộng cửa và chưa nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, do còn nhiều rào cản. Cuộc “đổ bộ” của NĐTNN như dự báo trên lĩnh vực phân phối hiện vẫn yên ắng! Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- chiếm khoảng 20% thị phần bán lẻ cả nước, nhưng DN (kể cả DN trong nước và nước ngoài) đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới phân phối.

Thị phần vẫn rộng cửa

Từ ngày 1-1-2009, DN có vốn đầu tư nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối dưới hình thức 100% vốn của NĐTNN tại Việt Nam. Trước đó, nhiều dự báo đưa ra là sẽ có cuộc “đổ bộ” của NĐTNN vào thị trường Việt Nam, nguy cơ sáp nhập trên thị trường bán lẻ là rất lớn, bởi ưu thế nghiêng về DN nước ngoài với năng lực tài chính, sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực phân phối sẽ chi phối thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế đã không có cuộc “đổ bộ” quy mô như dự báo, thị phần bán lẻ ở Việt Nam vẫn rộng cửa và vẫn ở mức tiềm năng. Hơn nữa, DN nước ngoài muốn mở cửa hàng thứ 2 phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)...

Năm 2009, tổng mức bán lẻ toàn vùng đạt 223.000 tỉ đồng. Toàn vùng hiện có 1.625 chợ (chiếm 19,5% tổng số chợ cả nước). Trong đó, chợ nông thôn 1.290 chợ (chiếm 80%). Với tiềm năng phát triển trên lĩnh vực nông sản dồi dào, dân số trẻ, tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương trong những năm gần đây khá ấn tượng... là lợi thế lớn cho DN khai thác thị phần bán lẻ. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống phân phối của DN nội địa vẫn là lỗ hổng lớn ở thị trường tiềm năng này. Phần lớn hàng hóa đến tay người tiêu dùng đều qua hệ thống phân phối của cá thể, tư nhân. Theo lý giải của DN, việc xây dựng mạng lưới phân phối trực thuộc DN tốn rất nhiều chi phí và cần thêm đội ngũ nhân sự quản lý khâu này. Do vậy, rất ít DN mạo hiểm, vì tiềm lực tài chính, kỹ năng quản lý hạn chế và đành phải chọn phương thức “mua đứt bán đoạn”.

Theo thống kê của ngành công thương các địa phương vùng ĐBSCL, trong 9 tháng đầu năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội toàn vùng ước đạt trên 231.693 tỉ đồng. TP Cần Thơ dẫn đầu với mức 52.404 tỉ đồng (trong đó, bán lẻ 28.904 tỉ đồng), kế đến là tỉnh An Giang 31.422 tỉ đồng, Kiên Giang 21.291 tỉ đồng... Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ, với mức tăng 19- 33,3%. Theo nhận định của ngành công thương, tăng trưởng thương mại 9 tháng đầu năm đạt mức cao là do các tỉnh, thành đều tuyên truyền và hưởng ứng tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” qua các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Qua đó, tạo điều kiện để người tiêu dùng nông thôn tiếp cận hàng Việt và DN hàng Việt phát triển mạng lưới phân phối của mình.

Các chuyên gia cho rằng, ĐBSCL là vùng kinh tế năng động, nhưng xét về quy mô kinh tế, sự phát triển của DN trong vùng còn nhiều hạn chế so với các vùng khác trong cả nước. Tại thị trường ĐBSCL, hiện mới có 2 siêu thị của nhà phân phối nước ngoài đặt tại TP Cần Thơ (Trung tâm Metro Cash & Carry Hưng Lợi) và tỉnh An Giang (Trung tâm Metro Cash & Carry Long Xuyên). Còn chuỗi siêu thị Co.opMart hiện đã có mặt ở hầu hết các thị trường trọng điểm của vùng ĐBSCL và có sức ảnh hưởng rất lớn đến thị phần bán lẻ của vùng. Mặt khác, các tỉnh, thành trong vùng cũng rốt ráo thực hiện đầu tư phát triển hệ thống chợ, siêu thị... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thúc đẩy sự phát triển của khu vực thương mại- dịch vụ.

Giữ vững thị phần - cần có hệ thống phân phối hợp lý

Nhiều ý kiến cho rằng, DN trong nước yếu kém trong việc thiết lập hệ thống phân phối nối dài từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trực thuộc đơn vị. Đây là yếu kém mà hầu hết DN đều thừa nhận, nhưng việc thiết lập hệ thống phân phối rất tốn kém về tài chính, thời gian. Trong khi đó, theo thống kê, đội ngũ bán hàng ở nông thôn (chủ tiệm tạp hóa) là lực lượng phân phối hàng hóa, sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và ngày càng mở rộng quy mô kinh doanh. Hiện nay, trên mặt hàng gạo đã thực hiện liên kết giữa hàng xáo và doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Dù chưa phổ biến sâu rộng, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nếu một số ngành hàng cũng thực hiện liên kết giữa DN và đội ngũ bán hàng ở nông thôn với cam kết chặt chẽ sẽ có được hệ thống phân phối vững chắc. Bởi trong hội nhập kinh tế, DN nhỏ vẫn tồn tại và nhờ vào những “ngách” thị trường riêng của mình. Tập quán tiêu dùng của người dân vùng ĐBSCL cũng là nhân tố quyết định, các DN nội địa có nhiều lợi thế hơn DN nước ngoài nhờ sự hiểu biết về thói quen tiêu dùng của người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố vừa phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020 và giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận huyện triển khai thực hiện. Hiện Sở đang hoàn chỉnh kế hoạch và sẽ triển khai sớm. Hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ được quy hoạch phù hợp với thực tế từ thị trường thành thị đến nông thôn. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển thương mại, phục vụ nhu cầu mua bán của dân cư, vừa đảm bảo tính liên kết của hệ thống phân phối với nhiều kênh phân phối, nhiều phương thức kinh doanh”. Việc phát triển mạng lưới phân phối không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động lưu thông hàng hóa được mở rộng, mà còn gắn kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, thị trường khu vực và thế giới...

Theo thống kê của ngành công thương TP Cần Thơ, giai đoạn 2006-2010, hàng hóa bán ra của thành phố đạt hơn 211.663 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 24%/năm. Trong đó, bán lẻ khoảng 103.651 tỉ đồng (tăng bình quân 22,7%/năm). Riêng năm 2010, hàng hóa bán ra ước thực hiện 68.290 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2009; trong đó, bán lẻ 32.211 tỉ đồng, vượt 11% kế hoạch năm và tăng 20,3% so năm trước. Theo xu hướng chung, hiện nhiều DN lớn đã có hệ thống phân phối hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều DN ở TPHCM đã mở đại lý tại Cần Thơ. Thành phố cũng đang tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ trung tâm, ở khu vực nông thôn để thúc đẩy sự phát triển và dần chuyên nghiệp hóa trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Có thể nói, việc xây dựng hệ thống phân phối vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, bình ổn giá, vừa tạo điều kiện để DN chiếm lĩnh thị phần nội địa trong cạnh tranh và hội nhập. Điều này đòi hỏi sự năng động của DN nội địa.

GIA BẢO

Kinh doanh các loại thực phẩm thiết yếu tại Cửa hàng Lương thực thực phẩm của Công ty Lương thực Sông H̑

Chia sẻ bài viết