10/09/2018 - 10:12

Nhà báo Trần Thanh Phương: Nửa thế kỷ góp nhặt “bụi vàng” 

NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập bút ký chọn lọc Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê như một sự tổng kết nửa thế kỷ làm báo của kỷ lục gia Việt Nam - nhà báo Trần Thanh Phương. Nói về nghề viết của mình, Trần Thanh Phương thường tự trào: “Các nhà văn, nhà báo là những người có tài, còn Phương có tài… liệu”.

Nhà báo Trần Thanh Phương 

Lời tự trào của nhà báo Trần Thanh Phương liên quan đến nhà thơ Chế Lan Viên. Trong bức thư gửi cho một Việt kiều vào năm 1989, Chế Lan Viên có đoạn viết: “Tôi rất quý anh Trần Thanh Phương, tác giả hơn 10 cuốn sách về sử, địa chí, văn học… mà vẫn khiêm tốn… Anh Phương lại âm thầm làm cái việc sưu tầm tư liệu về văn hóa - văn nghệ nước nhà rất có ích. Có lẽ một ngày nào đó, tôi hay anh hay một người nào đó viết độ 1.000 chữ để giới thiệu cái việc làm “hồ sơ tư liệu” đó. Trên đời này tôi quý nhất hai loại người: Người có tài và người có tài liệu. Anh Phương có tài hay không, tôi chưa biết, nhưng anh Phương có tài liệu”.

Nhà thơ Chế Lan Viên từ gần 30 năm trước đã nhận ra công việc thầm lặng nhưng rất hữu ích với cộng đồng của nhà báo Trần Thanh Phương trong việc sưu tầm tài liệu. Căn nhà trong hẻm nhỏ gần ga Sài Gòn của ông bà Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương đã trở thành nơi lui tới của nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các bạn sinh viên, vì nơi đây lưu trữ nhiều tài liệu quý mà họ cần tìm.
Với người yêu văn học, có thể tìm thấy những bài viết được Trần Thanh Phương sưu tập đủ để in thành các cuốn sách hoàn chỉnh về Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Đặng Thai Mai, Nam Cao, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Quang Dũng, Nguyễn Quang Sáng… Những sưu tập này có thể giúp người đọc hình dung về diện mạo của các nhà văn thông qua nhận định của người đương thời.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nhận xét: “Có thể nói rằng, một nhà văn tự làm tư liệu cho mình cũng không thể làm bằng anh Trần Thanh Phương làm cho nhà văn. Có lần tôi mang ra Hà Nội hơn trăm bài báo viết về nhà văn Nguyễn Tuân gửi cho anh Xuân Đào là con Nguyễn Tuân. Gia đình rất cảm động và đặt tập tài liệu này lên bàn thờ Nguyễn Tuân thắp nhang và nói rằng: Chúng tôi rất cảm ơn anh Trần Thanh Phương, nhờ anh mà chúng tôi mới biết những gì về bố Nguyễn Tuân mà chúng tôi chưa biết được”.

Không chỉ sưu tầm tài liệu và hệ thống lại một cách bài bản để người đọc dễ tra cứu, nhà báo Trần Thanh Phương còn ý thức sưu tầm bút tích của các nhà văn để từ đó người đọc có thể hình dung lao động và tính cách của các nhà văn nổi tiếng thông qua nét chữ, sự chỉnh sửa bản thảo... trước khi tác phẩm được in thành sách. Chẳng hạn bút tích của nhà văn Sơn Nam, Nguyễn Khải là những trang bản thảo với chi chít những gạch xóa, sửa chữa. Điều này thể hiện Sơn Nam, Nguyễn Khải rất kỹ tính trước lúc đưa tác phẩm của mình ra công chúng.

Nhà báo Trần Thanh Phương sinh năm 1940 tại Cà Mau, quê ông ở Bến Tre nhưng vì không có tiền nộp “thuế thân” nên ông nội của ông đã đưa gia đình về Cà Mau và đổi từ họ Nguyễn sang họ Trần. Năm 1954, Trần Thanh Phương tập kết ra Bắc và năm 1967 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Cũng trong năm này, ông được nhận về Báo Nhân dân làm ở Ban miền Nam hay còn gọi Ban Thống Nhất của báo. Sau này Trần Thanh Phương còn làm ở Báo Giải phóng và về hưu năm 2005 khi làm Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết.

Bài báo đầu tiên trong đời của Trần Thanh Phương dài hơn 1.000 chữ 15 tuổi, hai lần dũng sĩ viết về Nguyễn Văn Hòa quê Thừa Thiên - Huế in trên báo Nhân dân số 16-12-1968. Bài báo này đã được nhà thơ Tố Hữu quan tâm gọi điện cho Tổng biên tập Báo Nhân dân Hoàng Tùng để gọi tác giả lên hỏi thêm cho rõ. Lúc đó Trần Thanh Phương rất lo lắng vì bài viết đầu tay mà đã “kinh động” đến nhà thơ Tố Hữu lúc ấy là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Không lâu sau, nhà thơ Tố Hữu có bài thơ lục bát dài 112 câu: Chuyện em… “Em tên là Nguyễn Văn Hòa/Mẹ em thường gọi em là cu Theo/Cha đi tập kết. Nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con…”. Sách giáo khoa có trích đoạn bài Chuyện em… để giảng dạy cho học trò sau này.

Theo Bộ luật Lao động, rất nhiều ngành nghề đều có tuổi về hưu, nhưng với nghề viết gần như không có khái niệm này. Hơn 50 năm cầm bút và sưu tầm tài liệu, nhà báo Trần Thanh Phương đã có cả một kho tàng đồ sộ. Thế nhưng cách đây khoảng 3 năm, ông đã hiến tặng toàn bộ kho tài liệu được công nhận kỷ lục Việt Nam của mình cho Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM.

Nửa thế kỷ viết và sưu tầm tài liệu của Trần Thanh Phương có thể ví như một người nhẫn nại gom nhặt những hạt “bụi vàng” để trở thành “vàng khối” rồi tặng lại cho đời. Hiện tuổi cao và mang trọng bệnh nhưng nhà báo Trần Thanh Phương vẫn không ngừng làm việc. Ông vừa hoàn thành bản thảo cuốn sách sưu tầm di chúc của các nhà văn. Theo Trần Thanh Phương, di chúc của các nhà văn rất có giá trị vì thể hiện những tâm tình chân thực nhất trước khi các nhà văn từ giã cõi đời này.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng

Chia sẻ bài viết