20/06/2017 - 22:11

Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2017)

Nhà báo thời đa phương tiện

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra ở nhiều nước, đi đôi với đó là quá trình toàn cầu hóa, sự "bùng nổ" của công nghệ thông tin làm thay đổi thói quen đọc - nghe - nhìn của công chúng. Trong xu thế đó, báo chí cách mạng nước ta nói chung, báo chí ở ĐBSCL nói riêng đang hướng tới phát triển báo chí, truyền thông đa phương tiện. Thực tế đó đòi hỏi người làm báo không chỉ chuyên nghiệp, giỏi nghề, mà còn phải thạo ngoại ngữ, làm chủ công nghệ; tích hợp được các kỹ năng đa phương tiện nhằm sáng tạo ra sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

BẮT KỊP XU THẾ

Nhà báo Lê Văn Phúc, Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực ĐBSCL (VOV tại ĐBSCL), cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, đặc biệt mạng xã hội, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội; giữa các cơ quan báo chí và giữa các loại hình báo chí với nhau. Điều đó, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại – báo chí đa phương tiện. Các nhà báo phải "tích hợp" thêm nhiều "phương tiện" với những cách thức thể hiện khác nhau. Bên cạnh báo nói, hiện nay VOV còn có các sản phẩm báo điện tử, báo in, truyền hình. Tuy chỉ có 9 phóng viên nhưng theo nhà báo Lê Văn Phúc, nhờ ứng dụng kỹ thuật- công nghệ trong tác nghiệp, quy trình sản xuất chương trình, VOV tại ĐBSCL, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ở VOV tại ĐBSCL một phóng viên làm ở mảng phát thanh có thể viết tin, bài cho báo điện tử; hay phóng viên báo điện tử có thể quay phim, làm báo ảnh... Như vậy, với cùng một sản phẩm, công chúng có thể tiếp cận dưới nhiều hình thức phong phú, như: nghe – nhìn – đọc. Một trong những yếu tố quan trọng là nhà báo phải làm chủ kỹ thuật, phương tiện để xử lý công việc ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là thông tin hấp dẫn độc giả, vì vậy, người làm báo cần hội đủ 3 yếu tố: ý tưởng, nhanh nhạy và toàn diện (kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau).

Các nhà báo đang tác nghiệp tại Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, do Báo Cần Thơ đăng cai tổ chức.

Từng là phóng viên lĩnh vực phát thanh, sau gần 15 năm làm báo, nhà báo Lam Hiếu (Trần Thị Hiếu – phóng viên VOV thường trú tại tỉnh Kiên Giang), tâm sự rằng nếu như trước đây, nhà báo chỉ cần biết chụp ảnh, hoặc viết tin, bài cho báo in hoặc chỉ chuyên biên tập cho phát thanh thì mô hình chuyên biệt hóa như vậy không còn thích ứng nữa trong thời điểm hiện nay. Việc đài phát thanh có báo in, báo hình, báo điện tử... cùng với sự tương tác chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí đã thay đổi phương thức làm việc của các nhà báo. Bản thân nhà báo Lam Hiếu có thể thực hiện các sản phẩm thuộc nhiều loại hình báo chí khác nhau. Mới đây, chị còn được đồng nghiệp hướng dẫn cách làm video clip bằng điện thoại thông minh. Dù còn khá bỡ ngỡ với cách làm phim mới, nhưng chị vẫn sắp xếp thời gian, công việc tham gia học tập, tự rèn để không bị đào thải.

Theo nhà báo Phạm Tấn Hùng, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) TP Cần Thơ, bắt kịp xu thế phát triển báo chí đa phương tiện, Đài PT&TH thành phố cải tiến, nâng cao chất lượng chương trình; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác sản xuất các chương trình. Từ đầu năm đến nay, Đài đưa vào phát sóng 5 demo chương trình mới, theo hướng đa phương tiện, bước đầu tạo được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Đài PT&TH thành phố cũng đã thành lập Đội phóng viên tác nghiệp nước ngoài, gồm những bạn trẻ giỏi ngoại ngữ, thạo kỹ năng nghề nghiệp… Hiện nay, nhiều phóng viên của Đài có thể đảm nhận cùng lúc nhiều việc, quay phim, viết, biên tập tin, bài; hoặc có thể phụ trách nhiều lĩnh vực, địa bàn khác nhau để nâng cao hiệu quả công việc. Để đáp ứng nhu cầu làm báo hiện đại, Liên Chi hội Nhà báo, Ban lãnh đạo Đài cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, cử nhà báo tham gia các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại… Biên tập viên Trần Thị Ái Lê, Phòng Văn nghệ và Giải trí, chia sẻ: "Tham gia các khóa tập huấn về ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong sản xuất truyền hình, tôi học được nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, từ cách xử lý hình ảnh, âm thanh sao cho hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của khán giả". Theo Biên tập viên Ái Lê, bản thân cô luôn nỗ lực tự học, tự rèn để đổi mới chương trình mình phụ trách. Có thể kể đến là phóng sự "Đờn sến ba dây" được thực hiện với thể loại mới là phóng sự dài truyền hình (không lời bình). Đây là thể loại khó vì nhà báo không bình luận mà thông qua hình ảnh, phát biểu của nhân vật, người xem hiểu thông điệp phóng sự truyền tải. Tác phẩm đạt Huy chương Bạc, Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2013.

NHÀ BÁO CẦN GÌ?

Có thể thấy, thế hệ làm báo hôm nay vừa có trình độ chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ và ham học hỏi. Tuy nhiên, để không bị đào thải, các nhà báo cần lắm sự lăn lộn với nghề, không ngừng trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa - xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng lớn. Có như vậy, sản phẩm báo chí mới đủ độ sâu, để thuyết phục được công chúng. Nhà báo Trần Minh Trường, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) tại khu vực ĐBSCL, cho rằng, dù được đào tạo chuyên sâu về bất cứ lĩnh vực nào thì nhà báo cũng phải có kiến thức về nhiều ngành khoa học liên quan khác. Đồng thời, phải trang bị cho mình ít nhất là một ngoại ngữ để tự tin trong tác nghiệp. Cũng theo nhà báo Minh Trường, kỹ thuật – công nghệ là yếu tố quan trọng trong báo chí đa phương tiện, nhưng cũng một số người làm báo còn lệ thuộc vào công nghệ, để mạng xã hội dẫn dắt thông tin, thiếu ý thức tu dưỡng, tìm tòi, tự học và trình độ lý luận chính trị còn hạn chế. Một số nhà báo trẻ dễ tự mãn, nôn nóng nổi tiếng và dễ bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất. Những yếu tố nói trên đòi hỏi nhà báo cần được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị để theo kịp yêu cầu của đời sống báo chí hiện đại…

Hội Nhà báo TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm báo hiện đại cho hội viên. Trong ảnh: Các nhà báo trẻ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng quay phim. Ảnh: QUỐC THÁI

Theo nhà báo Dương Hồ Vũ, Trưởng phòng Báo Điện tử, Báo Cần Thơ, sắp tới, Báo Cần Thơ tập trung phát triển báo điện tử; trong đó, tích hợp nhiều phương thức truyền tải thông tin. Cụ thể, Báo Điện tử Cần Thơ sẽ có phiên bản tiếng Việt, Anh và Khmer, với hình thức và nhiều chuyên mục đa dạng, phong phú hơn. Để chuẩn bị ra mắt báo điện tử, Báo Cần Thơ đã cử nhiều phóng viên tham gia các lớp đào tạo về nghiệp vụ làm báo điện tử. Bước đầu đã bắt đầu tập dượt, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong làm báo, như: Thực hiện video clip bằng điện thoại thông minh, học quay phim, cải tiến cách viết tin, bài ngắn gọn, súc tích phù hợp với văn phong báo điện tử…

Từ báo in chuyển sang làm báo điện tử, nhiều nhà báo còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng. Phát triển báo chí đa phương tiện là xu thế tất yếu, đòi hỏi lực lượng làm báo, nhất là các nhà báo trẻ cần trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học để không bị đào thải… Nhà báo Trương Thu Sương, phóng viên Phòng Báo điện tử, Báo Cần Thơ chia sẻ: "Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo. Một trong những yêu cầu đó là nhà báo phải thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện, như xử lý văn bản, hình ảnh, âm thanh, các chương trình tương tác...". Với tâm thế hào hứng đó, chị không ngại khó tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật quay – dựng phim, cách viết tin, bài cho báo điện tử. Dự định của chị là tiếp tục học thêm tiếng Anh để tự nghiên cứu, tích lũy kiến thức đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Theo chị, nhà báo trong thời đại kỷ nguyên số không chỉ thành thạo kỹ năng xử lý ngôn ngữ đa phương tiện mà còn phải giỏi chuyên môn, ngoại ngữ để hội nhập với báo chí quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí". Với báo chí thời kỳ hội nhập rất cần những người làm báo đa năng, nhanh nhạy và thích ứng nhanh với công việc đa dạng. Trong xu thế phát triển báo chí đa phương tiện, bên cạnh những trợ lực để báo chí phát triển, thì việc đào tạo đội ngũ làm báo giỏi nghề, đa năng, "bút sắc, lòng trong, tâm sáng" là yếu tố then chốt nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của báo chí trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết