17/09/2009 - 06:02

TÁI DIỄN NẠN TRANH MUA MÍA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Nguy cơ thiếu hụt mía nguyên liệu !

Thương lái thu mua mía nguyên liệu ở
tỉnh Hậu Giang.
Ảnh: ANH KHOA

Tuy mới bước vào đầu vụ mía đường 2009-2010, nhưng giá mía ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cao ngất ngưởng, đến ngày 16-9 giá mía đạt 10 chữ đường ở vùng mía sớm tỉnh Hậu Giang đã vào khoảng 780 đồng/kg. Tại các vùng trồng mía, tái diễn nạn tranh mua mía với giá cao khiến nông dân vội bán mía non... Thực trạng này đang cảnh báo nguy cơ thiếu hụt mía nguyên liệu vốn là nỗi lo thường trực của các nhà máy đường trong khu vực!

GIÁ MÍA ĐẦU VỤ CAO NGẤT NGƯỞNG

Hơn 2 tháng qua, giá đường cát ở ĐBSCL luôn đứng ở mức cao. Riêng tại TP Cần Thơ, tiểu thương tại nhiều chợ đang mua vào nhiều loại đường cát với giá dao động ở mức 12.700-13.500 đồng/kg. Còn giá nhiều loại đường cát bán lẻ tại nhiều chợ của thành phố đang phổ biến ở mức khoảng 14.000-15.500 đồng/kg. Trong khi thời điểm này của năm trước, giá đường cát bán lẻ tại thành phố ở mức dưới 10.000 đồng/kg...

Giá đường cát trên thị trường luôn ở mức cao đã thôi thúc nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL quyết định bước vào niên vụ sản xuất đường 2009-2010 sớm hơn mọi năm. Trong đó, nhà máy của Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát (tỉnh Hậu Giang) đã vào vụ sản xuất sớm nhất, bắt đầu từ nửa cuối tháng 8-2009. Vào ngày 9-9, đến lượt 2 nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vào vụ sản xuất. Đến ngày 12-9, Casuco bắt đầu cung ứng đường cát ra thị trường với giá đường nhuyễn ở mức 12.900-13.000 đồng/kg, đường to: 13.400 đồng/kg...

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: “Các nhà máy đường như: Bến Tre, Thới Bình (Cà Mau) cũng đã vào vụ sản xuất. Việc các nhà máy đường vào vụ sản xuất sớm, làm gia tăng nhu cầu mía nguyên liệu. Từ đó, nạn tranh mua mía nguyên liệu tái diễn với giá mía nhích lên hằng ngày. Trong khi đó, mía ở Hậu Giang vẫn còn non, mới đạt trung bình khoảng 7-7,5 chữ đường đang được thu mua với giá cao khiến nhà máy đường đang gặp khó khăn, hoạt động ngấp nghé huề vốn...”.

BÁN MÍA NON: THIỆT ĐƠN THIỆT KÉP!

Vụ mía 2009-2010, toàn tỉnh Hậu Giang có 13.000ha mía. Đây là vùng mía nguyên liệu được nông dân trồng sớm nên cho thu hoạch sớm hơn so với các vùng mía nguyên liệu khác ở ĐBSCL. Do đó, cứ vào thời điểm đầu vụ mía đường hằng năm, thương lái tập trung về Hậu Giang tranh mua mía nguyên liệu...

Năm nay, các nhà máy đường vào vụ sản xuất sớm hơn mọi năm nên hoạt động tranh mua, tranh bán mía càng diễn ra sôi động hơn. Hơn 1 tuần qua, tại vùng mía nguyên liệu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) thương lái đi kiếm mía mua dập dìu, giá mía đang trong xu hướng tăng cao. Đến ngày 16-9, ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy giá mía đạt 9-10 chữ đường đã lên đến 720-780 đồng/kg, mía đạt 7-8 chữ đường khoảng 620-670 đồng/kg...

Anh Phan Văn Cơ, một thương lái mua mía ở Phụng Hiệp, cho biết: “Giá mía đầu vụ năm nay tăng quá nhanh. Cách nay hơn nửa tháng tôi mua mía sô (mía khoảng 7-8 chữ đường) chỉ với giá 520 đồng/kg, nhưng hiện nay lên đến 630 đồng/kg, thậm chí có người kêu giá hơn 700 đồng/kg. Tại Phụng Hiệp, nông dân đang vào thu hoạch mía rộ, nhưng muốn mua được mía cũng khó do nông dân đòi giá quá cao, do có quá nhiều người tranh mua...”.

Anh Nguyễn Văn Vình (ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Năm nay tôi trồng 2,5 công mía được 45 tấn mía cây. Mía mới đạt gần 8 chữ đường, nhưng do có giá cao, nên tôi quyết định bán cho thương lái ở tỉnh Kiên Giang đến mua với giá 620 đồng/kg. Bán với giá này tính ra tôi lời được khoảng 5 triệu đồng/2,5 công mía...”.

Nhiều nông dân trồng mía ở Hậu Giang do không ngờ giá mía đầu vụ năm nay lại tăng quá cao nên trước đó đã vội bán mía sớm với giá thấp, bị thiệt thòi. Ông Trần Văn Sum (ở phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy), đang bán mía trong ngày 14-9, nói: “Thời điểm này năm trước, giá mía đạt 8 chữ đường trở lên chỉ ở mức 380-450 đồng/kg. Năm nay tôi nghĩ giá mía vào sâu trong vụ khó tăng cao nên cách nay 20 ngày tôi đã lấy tiền cọc đồng ý bán mía cho thương lái với giá 650 đồng/kg (mía đạt 9-10 chữ đường). Nhưng đến hôm nay giá mía trên 9 chữ đường đã lên đến 710 đồng/kg. Với khoảng 100 tấn mía (6 công mía), vụ này tính ra tôi mất khoảng 6 triệu đồng...”.

Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, toàn thị xã có 1.006 ha mía vụ này, tập trung ở phường Lái Hiếu và Hiệp Thành. Đến ngày 14-9, nông dân đã thu hoạch được 110 ha và chủ yếu ở phường Lái Hiếu, năng suất bình quân 90-100 tấn/ha. Số diện tích thu hoạch sớm mía mới đạt khoảng 7-8 chữ đường, nhưng do ở Lái Hiếu nền đất thấp nên nông dân phải thu hoạch mía sớm để chạy lũ. Còn diện tích mía ở Hiệp Thành, nông dân có xu hướng giữ lại chờ mía đạt chữ đường cao mới bán...

Ông Lê Thanh Hoài, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Toàn huyện có 8.159 ha mía vụ 2009-2010, trong đó có hơn 6.000 ha nông dân đã ký hợp đồng bao tiêu với Casuco và Công ty cổ phần Mía đường cồn Long Mỹ Phát. Đến ngày 14-9, nông dân trong huyện đã thu hoạch gần 1.000 ha. Do giá mía cao nên nông dân đang thu hoạch mía rộ. Dự kiến, trong vòng 1 tháng tới sẽ thu hoạch dứt điểm vụ mía năm nay...”.

Tại tỉnh Sóc Trăng, vùng mía nguyên liệu tập trung chủ yếu tại 3 huyện là Mỹ Tú, Long Phú và Cù Lao Dung; với gần 13.000 ha. Thời điểm thu hoạch mía kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 4 sang năm. Trong đó, vùng mía nguyên liệu ở Mỹ Tú (gồm các xã như: Long Hưng, Hưng Phú, Mỹ Phước) với trên 3.500ha là vùng trũng phải thu hoạch chạy lũ vào tháng 9. Ông Lê Văn Đáng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Tú, cho biết: “Đây là vùng mía nguyên liệu của Nhà máy đường Sóc Trăng hoạt động đầu vụ. Tuần tới, Nhà máy đường Sóc Trăng sẽ thu mua mía nguyên liệu cho diện tích trên 1.000ha nhà máy đã bao tiêu theo giá thị trường. Hiện vùng mía nguyên liệu này chỉ đạt 8-9 chữ đường nhưng không thể “neo” thêm để tăng chữ đường vì lũ đã về.

Ông Lê Tấn Hải, ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, trồng 1ha mía có hợp đồng bao tiêu với Nhà máy đường Sóc Trăng, cho biết: “Nhà máy đảm bảo mua mía của nông dân theo giá thị trường. Đầu vụ, giá mía khá cao 600-700 đồng/kg. Với giá này, nông dân lời trên 30 triệu đồng/ha...”.

Do giá mía đang ở mức cao nên nông dân bán mía non vẫn có lời. Tuy nhiên, nếu tình trạng tranh mua mía non ở ĐBSCL tiếp tục tiếp diễn thì khả năng thiếu hụt mía nguyên liệu cho các nhà máy đường ở khu vực sẽ xảy ra vào thời điểm nửa - cuối vụ. Thu hoạch mía non, chữ đường không cao không chỉ không hiệu quả về mặt kinh tế mà còn làm sản lượng mía của vụ này trong toàn vùng sẽ giảm đi nhanh chóng. Vì lợi ích chung, thiết nghĩ các nhà máy đường cần chung tay tính toán hợp lý giá mía, tổ chức thu mua nguồn mía nguyên liệu nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, bền vững!

THANH TÂM-ANH KHOA

Thương lái thu mua mía nguyên liệu ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết