04/04/2018 - 21:05

Người xây hơn 300 căn nhà mơ ước 

“Thấy người ta khổ, mình cầm chén cơm ăn cũng không thấy ngon, thấy người ta ở nhà dột nát, tối về nằm trằn trọc hoài”- chú Trương Văn Kiềm (Tư Kiềm, ngụ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. 15 năm làm từ thiện, 302 căn nhà,  là những con số minh chứng cho tấm lòng của lão nông xứ cù lao...

Thợ mộc bất đắc dĩ

Chuyến đò Thuận Hưng cập bến cù lao Tân Lộc. Tôi hỏi nhà chú Tư Kiềm thì được người dân hướng dẫn bằng hai dấu chỉ: nhà có đống cây thiệt lớn, trước cửa có đìa ngâm cây thiệt bự. Quả vậy, nhà chú Tư như một trại mộc, cột kèo chất đầy lối đi. Lão nông 65 tuổi tranh thủ giờ trưa xẻ thêm ít đòn tay cho đủ bộ khung nhà. Chú Tư Kiềm “khéo cưa lừa xẻ”, điêu luyện như một bác thợ mộc giỏi nghề.

Chú Tư Kiềm (thứ hai, từ phải sang) và các thành viên “biệt đội cất nhà từ thiện” nghỉ trưa trong chuyến đốn cây để làm sườn nhà. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi khen, chú Tư cười: “Nghề ngang hông đó cháu!”. Rồi chú Tư dẫn tôi qua bàn trà để trò chuyện. Chú kể, cách đây 15 năm, trong một buổi đi hái thuốc nam làm từ thiện, chú thấy hai mẹ con nhà nọ sống trong căn chòi sắp sập. Bà mẹ già còm cõi, anh con trai kêu mẹ đi đốn cây chằng chống lại nhà, bà mẹ không làm nổi. Mấy đêm liền chú Tư Kiềm thao thức cảnh đời bà lão, thế thái nhân tình. Nghĩ tới đâu chú ứa nước mắt tới đó. Vậy là chú Tư quyết định quay lại căn nhà đó để cất tặng bà cụ căn nhà. “Từ đó, tôi hứa với lòng là sẽ dựng lại mái ấm cho những mảnh đời cơ khổ”- chú Tư Kiềm bồi hồi.

Từ một nông dân quen việc vườn ruộng, chú Tư Kiềm tập làm quen với bào, với cưa. Chú dọn nhà để mua cây, mua ván về chất kín. Thấy vậy, bà con tưởng chú Tư đổi nghề làm ăn. Chú Tư định giải thích nhưng nghĩ lại nên thôi, từ từ rồi bà con sẽ hiểu. Nghề ngang hông khiến chú khó trăm đường: từ chuyện vẽ lập lăng nhà, mực thước đến cột kèo, khép mộng… sao cho chuẩn xác. Vậy rồi 1, 2, 3… và nhiều nhiều căn nhà được chú Tư Kiềm đóng vai thợ chính được dựng nên, lành lặn những mái ấm, nồng đượm những nghĩa tình. Bà con cù lao mới thấu hiểu điều nặng lòng của chú Tư Kiềm và từ lúc nào, bà con gọi chú là “chú Tư từ thiện”.

Cũng bởi bà con thấu hiểu nên giờ, chú Tư đã không đơn độc khi có gần chục người phụ giúp. Chú Tư nghe ở đâu có bán đám cây bạch đàn, tràm là tìm đến rồi cùng anh em đốn cây, ra gỗ sao cho vừa vặn khung nhà. 65 tuổi nhưng chú khệ nệ đốn cây lớn bằng ôm tay người rồi khuân vác giữa cái nắng như thiêu. Vậy mà chú Tư vẫn cười tươi rói, vẫn bông đùa với anh em. Vậy mới hay, thú vui ở đời đâu chỉ là “ngồi mát ăn bát vàng”.

“Hãy gọi tôi là Tư Kiềm!”

Bén duyên thiện nguyện, chú Tư Kiềm trở thành “thợ mộc bất đắc dĩ”. Ảnh: DUY KHÔI

“Bớ Tú, có nhà không con?” - chú Tư gọi như thế khi dẫn chúng tôi ghé chơi nhà anh Lê Thanh Tú, ngụ khu vực Đông Bình, phường Tân Lộc. Chàng trai ngoài 20 tuổi mới cưới vợ, ra riêng nhưng cha mẹ hai bên đều khó khăn nên không thể cất nhà cho con. Chú Tư Kiềm nguyện thay họ làm chuyện đó. Vậy là căn nhà cột kê tán, lợp tôn tuy không sang trọng nhưng cũng giúp đôi bạn trẻ có mái nhà để cùng xây mái ấm. Chàng trai vốn quen nghề chài lưới, không giỏi ăn nói, chỉ có thể lí nhí mấy câu rằng: “Nhờ chú Tư không!”.

Cách đó không xa là nhà chú Lê Văn Bẽo, cũng ở trong căn nhà mới toanh do chú Tư cất tặng. Vỗ vỗ vách tol kêu lốp cốp, chú Bẽo nói tưởng già không có cái nhà để ở rồi, may nhờ có chú Tư san sẻ. Nghe chú Bẽo nói vậy, chú Tư vỗ vai cười hiền: “Xóm giềng mà, ráng mần ăn cho khấm khá là anh vui rồi!”. Chúng tôi men theo bờ sông Hậu để đến thăm nhà chị Nguyễn Thị Út. Cũng là nhà mới do chú Tư cất, bàn tay phụ nữ tháo vát nên căn nhà rất tươm tất. Chị Út nhớ lại hồi ở trong căn chòi muốn sập, nhìn đằng trước thấu tới mé sông, chị chỉ biết khóc vì tủi phận. Rồi chú Tư tìm tới và nói: “Chú sẽ cất cho bây căn nhà mới!”. Câu nói đó tới giờ vẫn còn trong tâm trí chị Út vì ngỡ ngàng đến khó tin. Ai đời, người dưng nước lã lại cất nhà cho mình. Vậy mà, có chú Tư Kiềm!

15 năm làm nghiệp thợ mộc, cất nhà từ thiện, 302 căn nhà được dựng lên. Cứ tính mỗi căn nhà trị giá 15 triệu đồng, vậy là tổng trị giá số nhà chú Tư cất tặng người nghèo lên đến hơn 4,5 tỉ đồng. Chú Tư không chỉ cất tặng bà con Tân Lộc, mà người nghèo khắp nhiều tỉnh ĐBSCL, hễ ai ngỏ lời, hễ chú hay được, là tìm cách giúp ngay. Chẳng có ranh giới nào cho tình người và đạo nghĩa ở đời. Chiếc ghe và đội từ thiện Tư Kiềm cứ lênh đênh trên sông nước, cứ nổi trôi theo những phận người trôi nổi, mà lan tỏa thương yêu. Chú Tư kể, nhiều người được cất nhà xong chấp tay xá chú: “Đội ơn ông Phật sống”, “Đội ơn ông Tiên”. Chú Tư chối từ hết thảy: “Hãy gọi tôi là Tư Kiềm!”.

Những buổi cất nhà đều có đông anh em phụ giúp, chú Tư lo từ cây đinh, con vít, có khi tự nấu cơm đem đi, làm sao để đừng phiền hà gia chủ. Đâu chỉ cất nhà không, chú Tư còn đóng bàn, ghế, chõng… để làm quà mừng tân gia. Ai đó nói vui: “Ông Tư ra riêng cho tôi lần thứ 2”.

Từ thiện, chuyện chưa kể…

Các con của chú Tư đã có gia đình, cơ ngơi riêng nên căn nhà rộng chỉ có vợ chồng chú Tư ở. Tôi hỏi chú thiếm làm gì để sống, chú đáp ngay: “Làm từ thiện!”. “Sống” được chú Tư hiểu là sống ở đời, vậy nên 15 năm qua chú lấy việc thiện nguyện làm nguồn vui sống. Mỗi năm các con chú thiếm cho cha mẹ gần 100 triệu đồng để dưỡng già. Số tiền ấy chú thiếm dành hết cho những mái ấm yêu thương. Tiền cho mướn hai công đất sau hè, cũng góp vào cái kèo cái cột. “Vợ chồng già, ăn gì bao nhiêu”, thiếm Tư Kiềm, tên thiệt Nguyễn Thị Ớ, nói.

Nghe nói chỉ có 2 vợ chồng chú Tư ở nhà nên khi thấy nồi cơm thiếm nấu bự chảng, tôi hỏi ngay: “Ai ăn mà nồi cơm dữ thần vậy thiếm?”. Thiếm trả lời rằng, cho tốp thợ đốn cây về có ăn. Hỏi ra mới hay, 15 năm qua chú Tư cất nhà từ thiện thì thiếm Tư cũng đồng hành chẳng sót ngày nào, lo cơm nước cho hơn chục người thợ, dù trong người mang nhiều thứ bệnh.

“Ông Tư Kiềm mần từ thiện” được làng xóm rồi cả cù lao biết tới. 1, 2, rồi nhiều người “đầu quân” về “biệt đội cất nhà” của chú Tư. Tôi ấn tượng với chàng lực điền Nguyễn Văn Bé Năm, tự Lực, ở khu vực Tân Mỹ 1, khi anh đang phụ chú Tư đốn cây. Lực năm nay 34 tuổi nhưng có thâm niên 15 năm đồng hành cùng chú Tư. Hồi trước phụ khuân vác giờ là thợ chính. Chuyện buôn bán Lực để vợ lo, anh theo chú Tư làm thiện nguyện. “Tôi thấy mình cũng có ăn nên ráng làm từ thiện đặng để đức cho con”- anh Lực hiền từ bộc bạch. Còn với chú Nguyễn Thanh Hùng, ngụ phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, 6-7 năm qua cũng ráp mối duyên thiện nguyện với chú Tư Kiềm mà qua cù lao chung sức. Suy nghĩ của chú cũng thiệt thà như trái ngọt cù lao: “Thấy người ta khổ mà mình có ăn lai rai, thôi kệ, bỏ chút đỉnh công sức…”. “Biệt đội” cất nhà từ thiện lập nên nhờ những thiệt thà, hịch hạc như vậy.

Ông Đỗ Trung Ngôn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc, cho biết, địa phương luôn ghi nhận những đóng góp của chú Tư Kiềm và cho biết thêm, ở Tân Lộc, ngoài đội cất nhà từ thiện của chú Tư Kiềm còn có đội của chú Nguyễn Văn Liếp (khu vực Phước Lộc) và chú Lê Tấn Chiểu (khu vực Tân An). Chính những đội từ thiện này đã hỗ trợ địa phương rất nhiều trong đảm bảo an sinh xã hội.

Lấy nón phe phẩy đón gió trên đống cây đang đốn dang dở, chú Tư Kiềm cùng anh em ngồi kể cho chúng tôi nghe những vui buồn của chuyện thiện nguyện. Vui đó nhưng chưa vui cũng nhiều. Ví như có lần cất nhà mà bị rượt đuổi vì bà con họ tranh chấp đất đai với nhau. Rồi có lần cất nhà từ thiện mà gia chủ thì “chiến đấu” với men say. Khi hết đinh mà chú Tư lạ chỗ nên mượn gia chủ đi. Vậy là họ phán một câu “xanh rờn” se lòng thắt dạ: “Làm từ thiện mà cây đinh lo cũng không nổi!”. Nghe vậy, chú Tư cùng anh em ráng cất cho xong rồi về, và rồi cũng bỏ qua tất cả, nhẹ nhàng đi tiếp con đường nhân ái của mình.

Thiếm Tư hịch hạc với tôi rằng, hồi tháng Chạp rồi, chú Tư trong lúc khiêng cây bị gãy be sườn. Vậy mà bây giờ vẫn ráng nén đau, khuân cây ầm ầm. Còn chuyện gãy chân thì không biết mấy lần mà kể. “Trời cho ổng có cái sức đặng mà mần từ thiện”- thiếm Tư nói.

Bút ký: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết