04/08/2018 - 17:13

Người viết văn trẻ cần gì? 

Mới đây, hai tác giả trẻ đến từ An Giang là Trương Chí Hùng và Nguyễn Đức Phú Thọ đã về Cần Thơ giao lưu trong chương trình sinh hoạt chuyên đề sáng tác văn học do Hội Nhà văn Cần Thơ tổ chức. Dịp này, phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với hai tác giả trẻ xoay quanh chuyện: “Người viết văn trẻ cần gì?”. Hai tác giả trẻ đã có nhiều chia sẻ thú vị:

Nhà văn Trương Chí Hùng: Người trẻ cần nhất là chính mình!

Nhà văn Trương Chí Hùng. Ảnh: NVCC

Khi đến với sáng tác, hẳn người trẻ nào cũng tự hỏi chúng ta cần gì để có thể trưởng thành trên trang văn. Thật ra, đó là một vấn đề lớn mà không phải ai cũng thấu đáo được. Nhiều người vẫn cho rằng, các cây bút trẻ thừa nhiệt huyết, đam mê nhưng thiếu vốn sống, ít kinh nghiệm. Tôi nghĩ, biến nhiệt huyết đam mê thành thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần học hỏi không ngừng để dần khẳng định bản thân, là điều người viết trẻ nào cũng nên làm. Bởi sáng tác văn chương không phải là công việc dễ dàng, nó đòi hỏi quá trình lao động nghiêm túc, cả sự dấn thân cầu thị. Khu vườn dù có màu mỡ đến đâu, người thợ làm vườn cũng phải cần mẫn chắt chiu đánh đổi nước mắt mồ hôi mới mong thu về những mùa quả ngọt.

Theo tôi, tuổi trẻ cần mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân, như các nhà thám hiểm xông pha đặt chân đến những miền đất lạ. Trong hành trình dấn thân, sẽ dần định hình được cá tính, tạo ra nét riêng và đương nhiên từ đó sẽ chọn cho mình một hướng đi phù hợp. Khi dò dẫm những bước chập chững vào đường văn, sẽ khó tránh khỏi vấp váp, thậm chí lạc lối. Điều đó cũng chẳng có gì ghê gớm. Đủ bản lĩnh, người viết sẽ mạnh mẽ bước tiếp.

Một điều khiến tôi khá băn khoăn khi dõi theo các cây bút trẻ, chính là sự xuất hiện, lóe sáng rồi biến mất một cách đáng tiếc. Nhiều bạn để lại ấn tượng ngay những sáng tác đầu tay nhưng vì nhiều lý do, các bạn chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi. Đành rằng, mưu sinh với nghiệp văn thời nào cũng khó. Song, duy trì niềm đam mê văn chương, nhất là viết đều tay, là điều cần thiết. Ngay bản thân tôi, công việc chính là đi dạy học và còn làm thêm nhiều việc khác để mưu sinh. Nhưng tôi luôn tranh thủ để viết, để đọc, để đi vào các góc cạnh cuộc sống. Viết là nhu cầu bức thiết để tôi trải lòng.

Chung quy lại, người viết trẻ cần rất nhiều thứ. Nhưng theo tôi, cái quan trọng nhất, người trẻ cần là chính mình.

Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ: Văn học trẻ là một hành trình

“Văn học trẻ” là cụm từ định vị được sử dụng nhiều trong vài năm trở lại đây. Không chỉ văn học mà ở những phương diện khác của đời sống, các trào lưu, xu hướng luôn được dẫn dắt bởi giới trẻ. Làm ra điều gì đó mới mẻ đồng nghĩa với sáng tạo. Người trẻ luôn sẵn nhiệt huyết và những sự mới mẻ, đột phá. Một nền văn học được xem là lý tưởng, ở đó, người trẻ được coi trọng và có “tiếng nói” nhất định.

Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ. Ảnh: NVCC

Văn học trẻ vẫn còn nhiều tranh cãi. Và tự thân đã có sự phân hóa rõ rệt. Nhưng không thể phủ nhận đóng góp của nó mang lại, phần nào thay đổi cách nhìn những gì quen thuộc. Mở ra nhiều phạm trù, khía cạnh mới mẻ hơn cho đời sống văn học. Văn học trẻ phải bước vào cuộc đua thị hiếu cùng các loại hình văn hóa giải trí thời số hóa. Một sân chơi khốc liệt, đầy thách thức. Văn học trẻ phải gánh trên vai trách nhiệm và lòng tự hào quá khứ; càng không lãng quên sứ mệnh của người trẻ; kiến tạo nên diện mạo, dấu ấn riêng của thời đại mình đang sống; giữ gìn, phát huy các giá trị, tinh hoa dân tộc, là cầu nối với bạn bè thế giới… Họ đi với con đường của riêng mình và không viết thay sự kỳ vọng từ ai khác. Khi cái “riêng” tìm được tri âm hay chạm đến số đông, tác phẩm sống và tạo nên giá trị. Dẫu các giá trị luôn thay đổi, nhưng họ được là mình, thế hệ mình, sống với điều cốt lõi.

Văn học trẻ đồng bằng lâu nay bị đánh giá mờ nhạt. Dù lực lượng viết có phần đông đảo. Kể từ sau cơn sốt “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Chúng ta thiếu hẳn những tác phẩm đột phá. Bao đổi thay, thách thức giữa quê hương nhưng chưa thấy những trang viết khắc sâu “đô thị hóa”. 

Người viết trẻ đồng bằng vốn có nhiều thuận lợi. Nhưng phải loay hoay trước những xu hướng, trào lưu. Người viết trẻ phải chứng minh quá nhiều và khi ấy, tự đánh mất họ. Chiều sâu không phải từ bên ngoài, mà nó là một hành trình nội tại. Tọa đàm “Văn học trẻ và đời sống” do Hội Nhà văn Cần Thơ tổ chức vừa qua là một sự kiện hiếm hoi để các tác giả trẻ của khu vực ngồi lại với nhau, cùng bộc bạch, lắng nghe và trăn trở. Sự trăn trở về hành trình của những người viết trẻ tài năng, đang chờ đợi một sức bật.

ĐĂNG HUỲNH (ghi)

Chia sẻ bài viết