23/07/2011 - 13:52

Chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL:

Người nuôi cá vẫn đứng ngoài cuộc

Chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ.

Đầu tháng 5-2011, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đỉnh điểm lên đến 28.000- 29.000 đồng/kg; nhưng sang tháng 6-2011 đến nay, giá cá sụt giảm và hiện ở mức 23.000- 24.000 đồng/kg. Theo tính toán của người nuôi, giá bán cá hiện bằng với giá thành nuôi và người nuôi cá luôn chịu thiệt thòi khi thị trường biến động. Nguyên nhân của vấn đề này được đem ra bàn luận tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 22-7 tại thành phố Cần Thơ.

DN và người nuôi chưa gặp nhau

Trong 6 tháng đầu năm 2011, diện tích nuôi cá tra toàn vùng đạt 3.980 ha, diện tích đã thu hoạch 1.933ha, sản lượng cá thu hoạch 597.324 tấn (năng suất 309 tấn/ha), kim ngạch xuất khẩu 744 triệu USD. Một số địa phương có diện tích thả nuôi nhiều gồm Đồng Tháp 1.188ha, An Giang 787ha, TP Cần Thơ 665ha, ít nhất là Kiên Giang 16,95ha. Từ cuối tháng 5-2011 đến nay, sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tăng, doanh nghiệp (DN) chế biến tập trung thu mua cá có trọng lượng dưới 750g/con, nên cá trên 800g/con đang tiêu thụ chậm, giá cá tra giảm 3.000đ/kg-5.000đ/kg tùy từng địa phương, giá cá nguyên liệu loại I hiện dao động 23.000-24.000đ/kg, cá trọng lượng trên 1kg giá 21.000-22.000đ/kg, người nuôi lỗ 2.000-3.000đ/kg, nên nhiều hộ thu hoạch xong đã không tiếp tục thả nuôi do lo ngại thua lỗ.

Cá tra xuất khẩu Việt Nam hiện có mặt ở 129 thị trường với 155 DN tham gia xuất khẩu. Theo dự báo của Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL, lượng cá nguyên liệu trong 6 tháng cuối năm 2011 ước đạt 500.000-550.000 tấn. Tại hội nghị sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL 6 tháng đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng, nông dân và DN chưa gắn kết chặt chẽ, nên cá tra trên 800g/con khó tiêu thụ. Cũng có ý kiến cho rằng, một số DN đang thao túng thị trường, tung tin lượng cá tồn đọng lớn để ép giá nông dân.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, chủ trang trại nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, bức xúc: “Cuối tháng 4-2011, giá cá tôi ký hợp đồng với một công ty thu mua là 28.500 đồng/kg, nhưng DN không mua cá và bẻ kèo. Tôi không hiểu vì sao giá lại giảm thảm hại 2 tháng qua, người nuôi chết đợt này, thì DN cũng không thể nào sống được, đối tác ép giá mua khi biết thông tin giá cá nguyên liệu sụt giảm. DN phải trung thực trong làm ăn, nếu DN vi phạm hợp đồng thì cần có chế tài và buộc DN phải đóng cửa”. Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm hợp tác xã thủy sản Thới An, TP Cần Thơ, cho rằng giá thành sản xuất DN 20.000 đồng/kg, người nuôi 24.000 đồng/kg là đúng, vì người nuôi phải mua con giống đắt hơn, rồi phải đóng lãi ngân hàng thay cho DN vì DN mua cá trả chậm.

Theo thống kê của các địa phương, dư nợ cho vay nuôi cá tra đến cuối tháng 6-2011 của vùng ĐBSCL khoảng 10.000 tỉ đồng. Để đầu tư nuôi cá tra cần 4-4,2 tỉ đồng/ha, trong khi mức vay của các ngân hàng thương mại chỉ tối đa 2 tỉ đồng/ha (có tài sản thế chấp lớn), hoặc chỉ 250 triệu đồng/ha, hạn mức này quá thấp so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, giá thức ăn đã tăng 10% so với đầu năm 2011 và tăng 30- 40% so với cùng kỳ năm 2010, khiến người nuôi cá không kịp xoay trở.

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương (tỉnh Tiền Giang), cho biết: “Thời điểm chế biến cao điểm là tháng 6 và 7, Công ty cổ phần Hùng Vương đã mua 15.000 tấn. DN thu mua trước tiên sẽ chọn địa điểm thuận lợi cho vận chuyển và ưu tiên mua cá đúng cỡ và loại thức ăn mà người nuôi chọn (chẳng hạn ưu tiên cho thức ăn Con Cò)”. Ông Minh cho rằng, giá cá giảm là do USD xuống giá, VND tăng giá. Hiện giá thành nuôi của nông dân (nếu có đủ tiềm lực) là 20.000 đồng/kg, DN cũng tương ứng mức đó; còn giá thành 24.000đồng/kg là những người nuôi thông qua đại lý thức ăn (lãi suất cộng thêm 7%, hoa hồng và cộng dồn khoản thuế 10% VAT nữa mới ra giá thành này). DN mua thức ăn giá gốc từ nhà máy và được chiết khấu, được hoàn thuế VAT 5%, còn người nuôi không được hoàn thuế, nên chênh lệch này làm người nuôi thiệt thòi. Do vậy, cần liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) để giảm chi phí trung gian.

Không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Cafatex (tỉnh Hậu Giang), nói: “Nông sản cái gì cũng tăng giá, chỉ có cá tra là giảm, tháng 10 năm 2010 là 2,5USD/kg, cuối năm là 2,9- 3 USD/kg. Việc kéo giá cá giảm không nên đổ lỗi cho DN nhỏ, mà cần có cuộc điều tra nghiêm túc tại sao giá xuống. Hiện đang vào mùa hè cũng có tác động một ít làm giá xuống, nhưng không phải là yếu tố quan trọng”. Ông Kịch cho rằng, cá quá cỡ, nhưng có thị trường ăn cá trên 1kg/con, hoặc 1kg và dưới 1kg, thị trường Mỹ cần cỡ nhỏ (khoảng 400- 500g/con) thì một số DN có tiềm lực đã ngồi lại với nhau và giải quyết cho thị trường Mỹ, nhưng nông dân lại không biết là thị trường này cần cỡ nào. Không thể đổ thừa nông dân việc vượt quá cỡ vì họ không đủ điều kiện để nắm các thông tin này. Nếu giá cá chênh lệch từ 3 USD giảm còn 2,5 USD/kg thì mỗi tháng ĐBSCL mất đi 25 triệu USD. Về giá thành nuôi thì cần có tính toán cụ thể và sự nhập cuộc thực sự của các ngành chức năng, DN và người nuôi.

Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, người nuôi luôn bị chi phối bởi giá thành thức ăn, nhưng chúng ta chỉ quy định là các nhà sản xuất thức ăn tăng giá không vượt quá 5%/lần tăng, mà không quy định thời gian bao lâu mới được tăng và các nhà sản xuất thức ăn cứ tăng liên tục nhiều lần trong năm. Một bất cập khác là giá nguyên liệu chế biến thức ăn nhập khẩu và trong nước đang giảm, nhưng giá bán thức ăn thành phẩm vẫn tăng và chất lượng thức ăn thì lại khó kiểm soát.

Còn ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Chúng ta có nhiều cuộc họp giải quyết mâu thuẫn nội tại của ngành cá tra và có kết luận về hướng giải quyết nhưng khi triển khai thực hiện lại thiếu đồng bộ. Đầu tư 1ha cá tra cần 7 tỉ đồng để có 300 tấn cá nguyên liệu nên hô nhỏ lẻ không đủ sức để nuôi”. Theo ông Quốc, khi mua thức ăn từ nhà máy, DN được hoàn thuế VAT 5%, còn nói là các hộ nuôi giá thành cao vì phải thông qua đại lý thì không hẳn vậy, vì đại lý cũng không đủ sức bán cho người nuôi gối vụ, mà người nuôi mua trực tiếp từ nhà máy. Trên thực tế, việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo chỉ đạo của Chính phủ cũng có nhiều điều khoản có lợi cho DN, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, người nuôi luôn thua thiệt. Muốn phát triển bền vững, ngành cá tra ĐBSCL cần đưa ra giá sàn nguyên liệu và giá sàn đầu ra. Người nuôi luôn muốn ổn định, không ai muốn lời to và lỗ nặng, cần sòng phẳng với người nuôi.

Các đại biểu tham dự cuộc họp sơ kết 6 tháng cho rằng, hiện công suất thiết kế của các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã vượt gấp 2 lần sản lượng nuôi nên DN luôn kêu thiếu nguyên liệu là điều hiển nhiên. Do vậy, cần quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến và cần có giá sàn nguyên liệu. Bộ NN&PTNT cần đưa ra dự báo về nhu cầu thị trường để triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm và đề ra chỉ tiêu để tránh bị động. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, khẳng định: “Giá cá đang giảm, các ngành và địa phương sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân. Cá tra là sản phẩm chiến lược, do đó sản xuất phải theo quy hoạch, sản xuất có điều kiện. Những hộ đơn lẻ phải có hợp đồng, hướng tiêu thụ trước khi sản xuất. Còn vấn đề vốn cho sản xuất, chế biến, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Công thương kiểm tra vấn đề này trong quý II/2011 tại ĐBSCL. Đồng thời, phối hợp với các địa phương kiểm tra các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi”. Ông Tám cũng yêu cầu, các địa phương vào cuộc kiểm tra việc DN và người nuôi đã ký hợp đồng, nhưng DN bẻ kèo để xử lý nghiêm, đảm bảo đầu ra cho người nuôi cá. Và tăng cường áp dụng tiêu chuẩn GAP, VietGAP vào sản xuất, đảm bảo sự phát triển bền vững...

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết