12/12/2017 - 14:54

Người nhiễm HIV điều trị ARV sớm, sống dài lâu 

Nhiều người nghĩ nhiễm HIV là dấu chấm hết cho cuộc đời. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) có thể giúp người nhiễm HIV hồi sinh, tiếp tục sống, làm việc… Báo Cần Thơ trích đăng một số ý kiến về việc điều trị bằng ARV:

*  Chị T., quận Ninh Kiều, người sống chung với HIV:
Kéo dài cuộc sống nhờ ARV

Cả gia đình tôi phát hiện nhiễm HIV đã 14 năm. Lúc mới phát hiện, vợ chồng sốc nặng, không hiểu gì về bệnh này nên nghĩ chắc mình sắp chết. Lên TP Hồ Chí Minh, bác sĩ tư vấn và động viên uống thuốc, không được suy sụp tinh thần vì càng suy sụp càng chết nhanh. Nghe lời bác sĩ, cả nhà cố gắng uống thuốc ARV. Điều mừng là cả hai bên gia đình tôi và chồng đều an ủi, động viên. Người cậu còn tài trợ tiền mua thuốc uống. Lúc ấy, riêng tiền thuốc ARV cũng gần 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền xét nghiệm, cận lâm sàng…

Người nhiễm HIV khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt.

Uống thuốc một thời gian, thuốc ARV như “phép màu” đem lại sự sống con tôi. Cháu phát hiện bị nhiễm HIV lúc khoảng 2 tuổi, khi phát bệnh, cháu chỉ còn da và xương. Sau vài tháng điều trị, cháu khỏe hơn, tăng cân. Suốt 3 năm điều trị ở TP Hồ Chí Minh, dù tốn kém nhiều tiền nhưng cả nhà tôi động viên nhau tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Tôi tiếp tục buôn bán, chồng đi làm để duy trì cuộc sống.

Năm 2006, chương trình điều trị ARV được triển khai ở Cần Thơ và cả gia đình tôi quay về điều trị. Thuốc, xét nghiệm… đều được miễn phí. Đến nay, cả gia đình tôi vẫn ngày ngày uống thuốc đúng giờ, duy trì lối sống lành mạnh: làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý. Nhiều năm nay, tôi tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ người nhiễm HIV; tham gia hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân điều trị… ở phòng khám ngoại trú. Ở khu vực nơi tôi sống cũng có vài người biết tình trạng bệnh của tôi nhưng họ không kỳ thị, phân biệt đối xử. Tôi nghĩ rằng, mình sống tốt, sống có ích thì mọi người sẽ hiểu, thông cảm và giúp đỡ mình.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên các bạn không may nhiễm căn bệnh này nhanh chóng đăng ký điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị hoàn toàn miễn phí. Nên tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ của người nhiễm, tham gia các hoạt động hỗ trợ người bệnh, cho cộng đồng… để có thêm kiến thức và niềm vui trong cuộc sống. Quan trọng là biết cách phòng và ngăn ngừa lây bệnh cho người khác.

* Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ:
Nhiều lợi ích khi điều trị ARV sớm

Những năm trước, bệnh nhân đáp ứng các tiêu chuẩn mới được đưa vào điều trị ARV nhưng gần đây, quan điểm này đã thay đổi. Người nhiễm được đưa vào điều trị sớm. Theo Quyết định số 3413/QĐ-BHYT ngày 27/7/2017 của Bộ Y tế, quy định tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV là điều trị cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV, không phụ thuộc vào số lượng tế bào TCD4 và giai đoạn lâm sàng. Như vậy, nếu xét nghiệm HIV có kết quả dương tính thì sẽ được chuyển ngay sang cơ sở điều trị.

Người nhiễm HIV nếu được điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ có những lợi ích sau:  Giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh, duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Có thể nói, điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV có cuộc sống bình thường như những người khỏe mạnh.

Điều trị ARV sớm làm giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân bị đồng nhiễm viêm gan B với HIV thì việc tiếp cận sớm với điều trị bằng thuốc ARV đồng thời có tác dụng điều trị ức chế vi-rút viêm gan B như Tenofovir, Lamivudine sẽ ngăn chặn tiến triển của viêm gan B tới xơ gan và ung thư gan. Đồng thời, giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ thì tỷ lệ lây nhiễm có thể chỉ dưới 2%.

Thuốc ARV được chứng minh giảm đến 96% nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. Điều trị ARV sớm giúp giảm chi phí thuốc men, chi phí khám chữa bệnh và chi phí nằm viện. Hiện tại, thành phố có 6 cơ sở điều trị ARV người lớn: BV Đa khoa thành phố, BV Quân Y 121, BV Đa khoa quận Ô Môn, BV Đa khoa quận Thốt Nốt, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy và Trung tâm Y tế quận Cái Răng. Một cơ sở điều trị ARV cho trẻ em ở BV Nhi đồng.

TP  Cần Thơ bắt đầu triển khai điều trị thuốc ARV từ tháng 1-2006. Tính đến 30- 9-2017, toàn thành phố có 2.481 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV (trong đó có 142 trẻ em). Ở Cần Thơ, thuốc ARV và một vài thuốc nhiễm trùng cơ hội, đến nay vẫn do các dự án tài trợ. Còn các chi phí khác như tiền công khám bệnh, xét nghiệm, cận lâm sàng… do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Cần Thơ thực hiện mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nhiễm HIV có hộ khẩu trên địa bàn thành phố. Với những người không có hộ khẩu, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ phối hợp với các dự án tìm nguồn hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

H.HOA (ghi)

Chia sẻ bài viết