07/12/2010 - 21:17

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm:

Người lao động cần quyết đoán, năng động, hòa đồng, tự tin và kỷ luật

Buổi tư vấn, thông tin về XKLĐ cho lao động ở các xã, thị trấn vùng sâu.

Trong khi công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại TP Cần Thơ vẫn còn trầm lắng thì thị trường Hàn Quốc đang là tâm điểm của nhiều lao động trẻ bởi tính chuyên nghiệp, an toàn và ổn định. Hầu hết lao động ở thị trường này đều có việc làm và thu nhập khá cao. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, cho biết:

- Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 86 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia. Trong đó, có 67 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, đạt 86 % kế hoạch năm 2010.

Thời gian qua, hoạt động XKLĐ có một số thuận lợi cơ bản như: Thị trường lao động đã qua khủng hoảng và có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam, điều kiện đi làm việc và quyền lợi của người lao động ở nhiều nước đã cởi mở hơn và phù hợp hơn với lao động nước ta. Nhà nước đã có một số chính sách nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người đi XKLĐ. Tuy nhiên, nhìn chung còn nhiều cản ngại khó khắc phục. Đó là tâm lý ngại đi xa, ngại chờ đợi và ngán dội đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt đối với thị trường Malaysia. Trình độ học vấn, tay nghề của lao động Cần Thơ chưa tiếp cận được với yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng ngoài nước. Mặt khác, chính sách trợ giúp tài chính ban đầu đối với người lao động bị buông xuôi và hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ chưa thật sự đạt hiệu quả.

* Nhận định của ông về hiệu quả việc làm, thu nhập của lao động đi làm việc ở Hàn Quốc?

- 5 năm qua, Trung tâm GTVL thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đã đưa được khoảng 220 lao động đi làm việc ở Hàn Quốc tại Chương trình cấp phép tuyển dụng cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là EPS) theo thỏa thuận của Chính phủ hai bên.

Đến thời điểm này, tình hình lao động đi làm việc ở Hàn Quốc rất khả quan. Tất cả các khoản chi phí và đóng góp đi XKLĐ sang Hàn Quốc khoảng 30 triệu đồng. Hầu hết các trường hợp hết hạn đều xin tái ký hợp đồng lao động. Ở Hàn Quốc, nhân phẩm và quyền lợi người lao động được đảm bảo chặt chẽ và thường xuyên, không có hiện tượng xúc phạm và ngược đãi lao động. Theo thông tin từ các gia đình có con em đi làm việc ở Hàn Quốc, trong tháng đầu tiên, con em đã gởi tiền về cho gia đình, bình quân từ 7-9 triệu đồng/tháng/người trong năm đầu tiên. Đa số lao động tiến bộ vượt bậc về trình độ nghề nghiệp, ngoại ngữ, kiến thức xã hội cũng như thái độ ứng xử và giao tiếp.

* Như vậy, có thể nâng số lượng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc không, thưa ông?

- Hoàn toàn có thể nâng nhanh số lượng lao động Cần Thơ đi làm việc ở Hàn Quốc trong các năm tới. Nhu cầu tuyển chọn lao động Việt Nam của Hàn Quốc qua từng năm đều tăng (năm 2010, sẽ có khoảng 10.000 lao động Việt Nam được chọn đi làm việc ở Hàn Quốc), tuyển theo số điểm thi tiếng Hàn của thí sinh. Người lao động ở Cần Thơ có tiềm năng và lợi thế về trình độ học vấn và điều kiện kinh tế, nếu cố gắng ôn luyện sẽ đạt yêu cầu. Bên cạnh, mức chi phí và đóng góp thấp, phù hợp với mức sống, thu nhập của nhiều gia đình; khí hậu, thời tiết, lối sống, nền văn hóa của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với nước ta; sự đồng tình của dư luận xã hội... Đây là những điều kiện thuận lợi đối với lao động Cần Thơ muốn đi làm việc ở Hàn Quốc.

* Thưa ông, tại sao hiện vẫn còn ít lao động đi làm việc ở Hàn Quốc? Có những điều kiện gì mà lao động Cần Thơ không thỏa mãn? Giải pháp nào hỗ trợ người lao động?

- Thời gian qua, số lượng lao động Cần Thơ đi làm việc ở Hàn Quốc chưa nhiều như mong muốn là do những khó khăn sau: Hoạt động thông tin, quảng bá, vận động của chính quyền, đoàn thể cơ sở về chương trình này chưa đủ sâu rộng để người lao động và gia đình thông hiểu, chấp nhận tham gia. Nhiều lao động không đủ kiên nhẫn để thực hiện trình tự dự thi, dự tuyển qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian (6 tháng đến 2 năm). Thị trường này có đặc điểm là: Học và dự thi KLPT chưa chắc đậu (do phía Hàn Quốc trực tiếp ra đề và tổ chức thi rất nghiêm ngặt); đậu chưa chắc được làm hồ sơ dự tuyển (phải kiểm tra sức khỏe); làm hồ sơ dự tuyển chưa chắc được chọn (tùy thuộc vào chủ sử dụng lao động Hàn Quốc mà tỷ lệ được chọn cao nhất đến nay là 87%); được chọn rồi chưa chắc đã được đi (còn rủi ro trong quá trình xin cấp visa, học định hướng, ký hợp đồng lao động, đào tạo hướng nghiệp tại Hàn Quốc)...

Để khắc phục những khó khăn trên, cần quảng bá sâu rộng đến người lao động chương trình này. Chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn, công khai đầy đủ quy trình dự thi và dự tuyển đi làm việc ở Hàn Quốc cho người lao động. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp để kịp thời hỗ trợ người lao động khắc phục các vướng mắc về hành chính, tài chính...

* Xin ông cho biết, ngoài Hàn Quốc, các thị trường nào phù hợp với điều kiện lao động ở Cần Thơ?

- Bên cạnh những thị trường lao động quen thuộc và phổ biến: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... còn có nhiều thị trường khác khá hấp dẫn như: Slovakia, Israel, Lybie, New Zealand, Bồ Đào Nha... với số lượng lao động tuyển dụng gần như không hạn chế, tùy theo nhu cầu từng doanh nghiệp, ngành nghề và điều kiện tuyển chọn khác nhau. Cần lưu ý, các doanh nghiệp có khuynh hướng chú trọng tuyển lao động có kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp và biết tự khẳng định mình.

* Theo ông, vai trò của các cấp chính quyền đoàn thể địa phương đối với công tác tuyên truyền vận động XKLĐ?

- Nơi nào chính quyền địa phương quan tâm, vào cuộc thực sự, đưa XKLĐ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, với các biện pháp giám sát, kiểm tra, thành lập và củng cố Ban chỉ đạo, có kế hoạch phân công, phân nhiệm cụ thể, ký kết phối hợp liên tịch giữa các ngành, đoàn thể thực hiện hoạt động này; trợ giúp về hành chính và tài chính đối với người đi làm việc ở nước ngoài, kịp thời theo dõi và xử lý có hiệu quả các thông tin trái chiều... kết quả công tác XKLĐ ở nơi đó sẽ khả quan.

Một trong những nguyên nhân khiến công tác này trì trệ là do cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chưa thực sự vào cuộc, thiếu kiểm tra, đôn đốc, còn khoán trắng cho ngành LĐ-TB&XH. Đội ngũ cán bộ làm công tác này vừa thiếu, vừa yếu lại không ổn định, không đủ sức thực hiện các khâu cơ bản về thông tin, tư vấn, trợ giúp người lao động. Bên cạnh đó, địa phương chưa tích cực, chủ động sử dụng hệ thống thông tin và các biện pháp tuyên truyền, cổ động trực quan, giới thiệu những điển hình XKLĐ hiệu quả... Chính vì thiếu thông tin, người lao động không có cái nhìn tích cực và toàn diện về hoạt động này.

* Ông có thể chia sẻ một vài khuyến nghị đối với người muốn đi XKLĐ?

- Tự hỏi mình có muốn đi XKLĐ hay không và động cơ thật sự của ý nguyện này là gì? Nếu đi để biết đó, biết đây, là suy nghĩ sai lầm, khó khắc phục hậu quả. Cần trang bị trình độ học vấn và nghề nghiệp nhất định, vì bao giờ lao động có nghề cũng được trọng dụng hơn lao động không nghề. Đồng thời, người lao động cần quyết đoán, năng động, rèn sự hòa đồng, tự tin, kỷ luật; biết tôn trọng mọi người... Đó là những đức tính cần thiết của người lao động khi làm việc ở bất cứ môi trường lao động nào trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG MAI (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết