14/09/2017 - 09:37

Người Kurd Iraq quyết ly khai 

Hôm 12-9, người đứng đầu Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) tại Iraq Massoud Barzani tái khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ly khai khỏi chính quyền trung ương vẫn được tổ chức như đã ấn định vào ngày 25-9.

    Ông Barzani (giữa) quyết tâm đòi độc lập cho người Kurd. Ảnh: Reuters 

Tuyên bố được đưa ra sau khi Quốc hội Iraq bỏ phiếu phản đối kế hoạch trưng cầu dân ý về độc lập do giới lãnh đạo KRG khởi xướng. Tuy các nghị sĩ người Kurd tẩy chay phiên họp nhưng quyết định cấm cuộc trưng cầu đã được thông qua bởi đa số và sẽ ban hành chính thức sau khi Tổng thống Iraq phê chuẩn. Trong đó, nghị quyết của Quốc hội Iraq xác định cuộc trưng cầu nói trên là trái với Hiến pháp. Cơ quan này cũng cho phép chính quyền Baghdad “thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ sự thống nhất quốc gia”.

Ngay sau đó, lãnh đạo KRG Barzani trên trang web chính thức khẳng định cuộc trưng cầu dân ý vẫn được tổ chức theo kế hoạch đã ấn định và tiến trình đối thoại với Baghdad sẽ được nối lại sau đó. Trợ lý Hemin Hawrami trích lời ông Barzani nói thêm, trưng cầu dân ý là “quyền tự nhiên” và thành phố giàu dầu hỏa Kirkuk đang tranh chấp với chính quyền trung ương sẽ có “vị trí đặc biệt” trong một nước Kurdistan độc lập.

Người Kurd là nhóm sắc tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông nhưng chưa bao giờ có riêng một quốc gia. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, người Kurd phân tán tại Iraq, Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phát động các chiến dịch đòi quyền độc lập hoặc tự trị cho cộng đồng của mình. Tại Iraq, người Kurd chiếm khoảng 15-20% trong tổng số 37 triệu dân. Tháng 6 năm nay, các nhân vật cấp cao và phe phái chính trị thuộc KRG đã quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập vào ngày 25-9. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra tại 3 tỉnh Dahuk, Irbil, Sulaimaniya và một số khu vực tranh chấp giữa chính quyền Baghdad với chính quyền người Kurd như Kirkuk, Makhmour, Khanaqin và Sinjar.

“Sau cuộc trưng cầu, chúng tôi sẽ khởi động tiến trình đối thoại với chính quyền Baghdad để đạt được thỏa thuận về biên giới, dầu mỏ… Chúng tôi sẽ đi những bước này nhưng nếu họ không chấp nhận, đó sẽ là vấn đề khác” – BBC trích tuyên bố của ông Barzani. Đối với khu vực tranh chấp Kirkuk, lãnh đạo KRG cảnh báo cộng đồng người Kurd “sẵn sàng chiến đấu” nếu bất kỳ nhóm nào muốn thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Động thái của KRG ngay lập tức bị chính quyền Baghdad phản đối do lo ngại trưng cầu dân ý sẽ củng cố sự kiểm soát của người Kurd ở các khu vực tranh chấp tại miền Bắc Iraq. Hồi tháng rồi, thành phố Kirkuk đã bỏ phiếu tham gia trưng cầu dân ý, dấy lên căng thẳng giữa người Kurd với người Iraq gốc A-rập, người Turk cũng như chính quyền Baghdad. Tại cuộc họp báo hôm 12-9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tiếp tục kêu gọi các cuộc đàm phán khẩn cấp với KRG.

Trong khi đó, các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria cũng có cùng lập trường với Baghdad khi xét thấy nguy cơ cuộc trưng cầu ở quốc gia láng giềng có thể kích động chủ nghĩa ly khai trong cộng đồng người Kurd sinh sống ở nước họ. Về phần phương Tây, các nước như Anh, Mỹ cho rằng việc KRG bất chấp phản đối của Quốc hội Iraq tiến hành trưng cầu dân ý, đặc biệt tại các khu vực tranh chấp có thể châm ngòi căng thẳng với chính quyền trung ương Baghdad và ảnh hưởng đến cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.     

Chia sẻ bài viết