14/08/2018 - 07:44

Người “giữ hồn” nghề làm mắm trên cồn Khương 

“Mùa nước nổi gần về nên tôi chuẩn bị nhập thêm mấy mẻ cá mới để làm mắm. Cá mùa này nhiều nên giá thành khá rẻ, mắm bán quanh năm nên không sợ lỗ. Nghề này chủ yếu lấy công làm lời, cực một chút là kiếm ăn được” - ông Mai Văn Nghiệp, khu vực 3 Sông Hậu (cồn Khương), phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, chia sẻ. Trước đây, ở cồn Khương có vài người làm mắm nhưng người qua đời, kẻ bỏ nghề,…  giờ chỉ còn ông Nghiệp...

Gần 40 năm giữ nghề của má

Nếu tính luôn đời ông Nghiệp thì gia đình ông có hai đời làm mắm cá, dưa mắm. Ngày còn nhỏ, ông phụ má làm cá, ướp muối, rang thính, rửa dưa… nên rất thạo việc. Đó là chưa kể, chỉ cần nhìn con cá, ông Nghiệp biết đã đủ, thừa hay thiếu muối. Ngửi mùi con mắm, ông biết tới thời gian thính và chao để mắm có vị ngon. “Lúc trước, làm mắm cực hơn bây giờ vì thiếu nguyên liệu; đã vậy, đi bán mắm cũng trần thân. Vì tui thích nên suốt ngày theo má học làm mắm. Và rồi tui theo nghề đến giờ” - ông Nghiệp nhớ lại.

Cựu chiến binh Mai Văn Nghiệp chuẩn bị dưa mắm để vợ bán ở chợ An Thới. Ảnh: PHẠM TRUNG
Cựu chiến binh Mai Văn Nghiệp chuẩn bị dưa mắm để vợ bán ở chợ An Thới. Ảnh: PHẠM TRUNG

20 tuổi, ông Nghiệp viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Sau khi xuất ngũ về địa phương, vợ chồng ông ra riêng và sống với nghề làm mắm ở phường Thới An, quận Ô Môn. Bà Lê Thị Mười, vợ ông Nghiệp, kể: “Má chồng cho vợ chồng tui 1 lu mắm cá và 3 lu dưa mắm “làm vốn”. Vợ chồng tui mua cá làm mắm mưu sinh. 3 giờ sáng, tui đi đò từ nhà ra chợ rồi bắt xe đến quận Ninh Kiểu để bán mắm. Sau này, tui nhờ người quen thuê giùm sạp trong nhà lồng chợ Cái Khế bán mắm”. Năm 1989, vợ chồng ông Nghiệp mua miếng đất bên cồn Khương, cất nhà ở đến nay. Lúc đó, đường qua cồn chưa có, hằng ngày, ông Nghiệp chống xuồng đưa vợ qua chợ bán mắm, rồi vòng về nhà làm mắm. Trưa, ông lại chống xuồng qua rước vợ về. Hiện nay, mỗi sáng ông Nghiệp đưa rước vợ đến chợ An Thới, quận Bình Thủy, bán mắm.    

Gia đình ông Nghiệp làm dưa mắm và các loại mắm cá linh, lóc, sặt. Trong đó, nhiều nhất là mắm sặc. Loại mắm này được người tiêu dùng ưa chuộng vì có thể dùng làm lẩu mắm, bún mắm... Hằng tháng, vợ chồng ông Nghiệp bán ra thị trường gần 1 tấn mắm cá và dưa mắm, thu lãi từ 15-20 triệu đồng, tùy thời điểm giá cá cao hay thấp. Lúc trước, ông Nghiệp mua cá tươi về làm mắm nhưng giờ sức khỏe giảm sút nên nhờ người cháu đang sống ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thu mua cá ở các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang mang về muối, thính trước theo hướng dẫn, rồi giao ông làm các công đoạn tiếp theo.

Rót chén nước mắm thơm lừng từ chiếc bồn lớn, ông Nghiệp cho biết, đây là phần tinh túy của mắm cá. Nước mắm này gia đình ông để dùng, ướp dưa mắm và tặng bạn bè. Với ông Nghiệp, nghề làm mắm lắm công phu. Để con mắm ngon, đừng ướp muối nhiều vì cá sẽ mặn, lâu tới ngày thính; thiếu muối con mắm sẽ chua. Gạo dùng thính cá cần rang vàng đều, mắm mới có màu đẹp, thơm, để được lâu. Kỳ công nhất lúc chao mắm trước khi bán ra thị trường. Bởi lượng nước đường quyết định mắm ngon hay dở, thậm chí có tăng trọng lượng không. Ông Nghiệp cho biết: “Nhiều người ham lời, chao mắm với lượng đường nhiều để tăng cân nặng. Con mắm dư đường, nấu sẽ không tan, ăn không còn mùi vị. Tui luôn làm đúng công thức má truyền lại, mong muốn giữ nghề gia truyền, hương vị nguyên thủy con mắm miền Tây”.

Sống trọn nghĩa tình với đồng đội

Năm 2008, ông Nghiệp được tín nhiệm bầu là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) khu vực 3 Sông Hậu. Lúc đó, ở cồn Khương nhiều CCB sinh sống nhưng Chi hội chỉ có 7 hội viên. Ông Nghiệp đến từng nhà CCB để vận động, rồi đề nghị Hội CCB phường Cái Khế tổ chức kết nạp. Đến nay, Chi hội CCB khu vực 3 Sông Hậu có 15 hội viên. Các CCB có nhu cầu phát triển kinh tế gia đình, sửa nhà…, ông Nghiệp giới thiệu, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện các hội viên CCB vay gần 400 triệu đồng. Đối với những hội viên CCB có đời sống còn khó khăn, một mặt, ông báo về Hội CCB phường tìm cách hỗ trợ; mặt khác, ông tổ chức vận động giúp đỡ. Giữa năm 2018, biết nhà của CCB Bùi Phước Lộc xuống cấp nặng, ông Nghiệp đóng góp và vận động hội viên CCB khu vực 7 triệu đồng và hơn 20 ngày công lao động để giúp ông Lộc sửa nhà. Trước đó, tháng 5-2018, ông Nghiệp xin ý kiến Đảng ủy, UBND phường, Hội CCB phường Cái Khế thành lập Tổ hợp tác mắm cá cồn Khương, với 4 thành viên, do ông làm Tổ trưởng. Thành viên tổ hợp tác tham gia các công đoạn làm mắm: cung cấp muối, sơ chế dưa, vận chuyển mắm… Ông Lộc cho biết: “Tôi làm nghề thợ hồ, tiền công nhật gần 300.000 đồng, nhưng công việc không thường xuyên. Nhờ anh Nghiệp giới thiệu tham gia tổ hợp tác, tôi thêm việc làm những ngày thầu không gọi, có tiền nuôi hai con đang đi học. Sự quan tâm của mọi người và chính quyền địa phương giúp gia đình tôi từng bước ổn định cuộc sống”.

Nắng tắt. Gió từ sông Hậu thổi lồng lộng. Bờ bên kia, đường phố sáng đèn, nhộn nhịp. Ở một góc cồn Khương, CCB Mai Văn Nghiệp tỉ mỉ ngồi cân mắm, trộn dưa để vợ kịp bán buổi chợ sáng mai. Sau mấy chục năm theo nghề làm mắm, ông Nghiệp có cơ ngơi vững chắc, con cái ổn định việc làm, cuộc sống. Vậy mà, ông vẫn miệt mài lao động như tuổi 20, xông xáo cống hiến với vai trò Phó Bí thư Chi bộ khu vực. “Làm việc quen rồi nên nghỉ một ngày tui buồn lắm. Giờ tui làm để phát triển cơ sở, xây dựng thương hiệu Mười Mắm, giúp các CCB trong tổ hợp tác. Theo tôi, người lính trở về đời thường phải làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” bằng sự cần lao, nêu gương cho con cháu và giúp ích cộng đồng trong khả năng” - ông Nghiệp trải lòng.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết