13/05/2018 - 07:18

Người già vẫn miệt mài làm việc sau tuổi nghỉ hưu 

Về mặt lý thuyết, Park Jae Yeol đã phải nghỉ hưu cách đây 11 năm. Song, do không thể sống bằng tiền lương hưu ít ỏi được nhà nước cấp, cụ ông 71 tuổi này buộc phải tiếp tục làm việc. Hằng ngày, ông đảm trách việc giao hàng tới các căn hộ cao tầng ở Thủ đô Seoul.

Cụ Park chuẩn bị giao hàng cho khách. Ảnh: AFP
Cụ Park chuẩn bị giao hàng cho khách. Ảnh: AFP

Đẩy một kiện hàng gồm các hộp màu nâu vào thang máy tại một dãy căn hộ ở Seoul, đôi mắt già nua của cụ liên tục nheo trước những địa chỉ nhỏ xíu. “Tiền là lý do lớn nhất để tôi tiếp tục làm việc” – cụ Park nói với hãng tin AFP.

Cụ Park chỉ là một trong số hàng triệu người cao tuổi Hàn Quốc phải miệt mài làm việc sau tuổi về hưu chính thức là 60, đồng thời cũng là một trong hàng triệu người chứng kiến Hàn Quốc biến đổi từ một nước bị chiến tranh tàn phá vào những năm 1950 thành nền kinh tế lớn 11 thế giới. AFP cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cụ Park làm nhân viên bảo trì máy lạnh, kiếm đủ tiền nuôi 3 đứa con và mua một căn hộ ở Seoul. Cụ sau đó đã thành lập công ty bảo trì máy lạnh cho riêng mình. Song, giống như nhiều người cùng trang lứa khác, cụ không thể tạo được một tài khoản tiết kiệm để “phòng thân” khi về già. “Thế hệ của chúng tôi ngày xưa rất bận rộn, chỉ biết vùi đầu kiếm tiền để sinh sống và nuôi dạy bọn trẻ, không chuẩn bị gì cho những ngày về hưu của mình” – cụ Park buồn bã nói.

Công ty của cụ Park bị phá sản vào năm 2012, khiến cụ phải sống qua ngày bằng tiền lương hưu do nhà nước cấp, khoảng 130 USD/tháng, cùng với khoảng 180 USD/tháng tiền trợ cấp cho người già. Cụ than thở, cụ không thể sống với số tiền này ngay tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Do đó, cụ đã đăng ký tham gia vào một chương trình của nhà nước nhằm giúp người cao tuổi tìm được việc làm. Cụ trở thành một nhân viên giao hàng vào năm 2014. Hiện cụ làm việc 3 ngày/tuần, đảm trách giao 100 kiện hàng và kiếm được khoảng 500 USD/tháng.

Dù đã làm việc hơn 5 thập kỷ nhưng cụ Park nói rằng cụ hy vọng sẽ tiếp tục làm việc “miễn là sức khỏe của tôi cho phép…có thể cho đến khi tôi 80 tuổi”. Hàng năm, cụ Park và người vợ 63 tuổi của mình, hiện là một nhân viên thu ngân, chỉ được nghỉ phép 1 tuần nhưng cụ nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy rất biết ơn và may mắn khi vẫn có thể làm việc”.

Theo AFP, mặc dù Hàn Quốc nằm trong Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) - câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, nhưng chính sách an sinh xã hội tại một trong những quốc gia lão hóa nhanh chóng nhất thế giới này rất yếu kém. Theo đó, đến tận năm 1988, Hàn Quốc mới giới thiệu chương trình hưu trí quốc gia. Tuy nhiên, chương trình này không bắt buộc cho đến năm 1999. Theo chương trình, các khoản thanh toán lương hưu phụ thuộc vào số tiền và thời gian đóng, tối thiểu là 10 năm. Hwang Nam Hui, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cho biết, rất nhiều người trong độ tuổi 70 và 80 đã bỏ lỡ có cơ hội tham gia chương trình, vì vậy họ không được hưởng lương hưu và phải sống nhờ vào số tiền phúc lợi tương đối thấp. Hiện có đến hơn 45% người cao tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh tương đối nghèo, cao nhất các nước trong OECD, nơi có tỷ lệ người cao tuổi sống trong cảnh tương đối nghèo trung bình là 12,5%.

 TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết