25/02/2017 - 16:07

Người đi dọc dài châu thổ

Đề từ cho quyển bút ký "Dọc dài châu thổ" vừa ra mắt của mình, nhà văn Vũ Thống Nhất tâm tình: "Dọc dài châu thổ để đi, để gặp và để cảm nhận phần nào sự kỳ thú cũng như trăn trở của Đất và Người châu thổ sông Cửu Long". Vậy rồi với gần 300 trang viết, ông say sưa kể về những vùng đất đã đặt chân đến, về những con người miền Tây hồn hậu có dịp kết thân… bằng cả nỗi niềm châu thổ.

 

Vũ Thống Nhất là cây viết có tiếng trong cả làng văn lẫn làng báo ĐBSCL. Ông viết nhiều lĩnh vực, song có lẽ văn hóa là "đất" cầm chân ông lâu bền nhất. Nghỉ hưu vài tháng trước và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, ông nói rằng giờ đã có thể chuyên tâm cho việc sáng tác và chu du khắp chốn. Bạn bè vẫn thường gọi vui ông là "gã đầu bạc"- bởi ở tuổi 60 mà mái đầu đã bạc trắng, và quen với hình ảnh ông áo quần "bụi bặm", kính đen, lỉnh kỉnh máy ảnh, máy tính trên chiếc ô tô "cà tàng" cứ thích xê dịch. Những ngày đầu năm hẹn gặp ông cũng khó, khi đang ở Bạc Liêu viết bài du lịch, khi đang ở Bến Tre viếng mộ nhà văn Trang Thế Hy…

Dọc dài châu thổ đã qua, những gì đã nhìn, đã nghe và đã cảm nhận được, ông tỉ mẩn kể qua từng bài viết của 4 chương: "Nét đẹp châu thổ", "Văn hóa", "Du lịch" và "Nỗi niềm châu thổ". Nhà văn Vũ Thống Nhất nói về đồng bằng bằng sự lãng mạn của một nhà văn và sự quan sát tinh tế của một nhà báo. Ông nói về vẻ đẹp đồng bằng với nét dân dã, bát ngát ruộng đồng: "300 năm có lẻ, những bước chân trên vùng đất trẻ vẫn không hề chững lại. Dòng chảy của thời gian, dòng chảy của dòng sông như kết nối quá khứ với hiện tại, chảy mãi tới tương lai tươi sáng hơn" ("Tượng đài cho vùng nước nổi", trang 79). "Gã đầu bạc" gốc Hà Thành chọn Tây Đô lập nghiệp, neo đậu ngòi bút của mình nên Cần Thơ trong ông thật mỹ miều, quyến rũ. Vũ Thống Nhất tả một chuyến chòng chành trên dòng Hậu Giang: "Gió mát lạnh, nắng hửng sóng sánh mặt sông, chiếc tam bản chạy êm ru như khi "bắt cua" ở đầu vàm. Ghe ra giữa sông lớn rồi luồn dưới chân cầu Cần Thơ, vòng quanh cồn Ấu, xóm Chài…" ("Mặt tiền của Cần Thơ", trang 62)…

Nhà văn Vũ Thống Nhất nói rằng, ông tâm đắc trong "Dọc dài châu thổ" là hai bài bút ký viết về Cần Thơ. Đó là bài "Nhà cổ Bình Thủy" ông viết tháng 2-1996 và bài "Làng cổ Long Tuyền" viết tháng 3-2002, đều đã đăng báo. Từ hai bài viết này, danh xưng "nhà cổ Bình Thủy" và "làng cổ Long Tuyền" được báo chí nhắc đi nhắc lại như một điểm đến, rồi nhà cổ trở thành di tích quốc gia, làng cổ trong tốp 5 ngôi làng cổ xưa của Việt Nam. Đó là trách nhiệm của người cầm bút, "chơi chữ nghĩa" như ông.

"Dọc dài châu thổ" còn có những con người miền Tây rất thực, hào sảng và vị tha. Đó là chị Thu, một cựu Thanh niên xung phong dành phần đời còn lại của mình đi tìm hài cốt đồng đội; là ông Lý Hùng với tiếng đờn xao lòng ở chợ nổi Cái Răng, là dòng họ Dương ở Bình Thủy bao năm qua vẫn giữ nét thảo thơm châu thổ, giềng mối đạo nghĩa… Và người ta còn đọc được qua những trang văn của Vũ Thống Nhất tình yêu dành cho xứ sở miền Tây. Ông viết "Bạc Liêu, đi qua là nhớ", "Đau đáu hồn sông", "Nhức nhối văn hóa đồng bằng"… bằng sự đau đáu, day dứt. Nhưng rồi phải chăng "trong đau khổ thấy chân tình", ông đã nhận định rất hay rằng: "Gian khổ càng nhiều, khó khăn hoạn nạn càng lớn lại càng bật ra cái tính nghĩa hiệp, phóng khoáng của người Nam bộ. Bà con xích lại gần nhau hơn, sẻ chia với nhau gói mì, bịch mắm, con khô; giúp nhau kê lại tấm ván ngủ, cùng bắc cầu cho khách vô chợ…".

Văn của Vũ Thống Nhất đan xen chất lãng mạn xứ Hà thành và chất phóng khoáng, bộc trực của người miền Tây. Đôi khi ông trần tình như người kể chuyện, lắm khi lại là những suy nghĩ riêng về chuyện chung, đầy trách nhiệm của một nhà văn. Và bên chén trà sớm, ông còn chia sẻ nhiều ý tưởng làm sao để tìm lại thời hưng thịnh cho chợ nổi Cái Răng, bàn cách "phục hưng" một Tao đàn đã từng có mặt trên đất Bình Thủy… Nghỉ hưu tuổi 60, chỉ là một cuộc dừng chân, nhà văn Vũ Thống Nhất vẫn còn đi tiếp, đi tìm cái hay của văn hóa đồng bằng khắp dọc dài châu thổ. Đi để về, ông nói vậy. Đó là chuyến về với nghĩa tình đồng bằng, về với nguồn cội miệt vườn sông nước: "Cứ nhìn dòng người cuồn cuộn "về nguồn" lại trào dâng niềm vui; hồn cốt Tết Việt, văn hóa Việt không bao giờ đứt đoạn hay mất đi cả… Ai cũng lớn lên, cứng cáp hơn sau mỗi mùa trở về. Trở về để bắt đầu một khởi đầu mới" (trang 288)- ai đó gọi là mùa xuân, riêng Vũ Thống Nhất gọi đó là "Mùa trở về".

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết