17/11/2008 - 21:28

Người con hiếu thảo

Đến tổ 57, khu vực 6, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, hỏi ông Nguyễn Thanh Long, ai cũng biết. Nhiều năm qua, sống trong cảnh túng thiếu nhưng ông hết lòng chăm lo phụng dưỡng mẹ già trên 80 tuổi. Mấy tháng nay, mẹ ông đổ bệnh liệt giường, cảnh nhà thêm bi đát.

Đã 51 tuổi, ông Long vẫn sống bằng nghề làm thuê, việc nặng nhọc cỡ nào ông cũng không từ, miễn sao có tiền chăm lo cho mẹ. Trong lúc ông ra ngoài nói chuyện với khách, mẹ ông, bà Nguyễn Thị Hai, nằm trên giường liên tục gọi tên con, lúc than muỗi cắn, lúc đòi bóp chân, uống nước... Ông Long kể, có những lúc bà lẫn, tưởng con là người lạ hoặc kẻ trộm, mắng ông rất nặng nề. Tỉnh lại, bà ôm ông khóc, kêu đừng giận mẹ. Ông Long buồn rầu cho biết: “Tôi có 3 anh chị em, 2 người đã mất vì bệnh tật. Nay nếu mẹ có mệnh hệ nào, chắc tôi cũng không sống nổi”.

 Ông Long xoa bóp chân để mẹ đỡ đau.

Kể lại quãng đời gian truân của mình, ông Long không cầm được nước mắt. Mới 12 tuổi đầu, ông đã nghỉ học, ra đời mưu sinh. Từ đó đến nay, ông không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu nghề, lưu lạc qua bao nhiêu vùng đất. Nhưng có điều ông không bao giờ quên là tháng nào cũng đều đặn gởi tiền về phụ chị ruột nuôi mẹ. Nghèo quá, ông Long không dám lấy vợ, thui thủi một mình. Năm 1995, ông về Cần Thơ mướn nhà ở, tiếp tục cuộc sống làm thuê. Chị ông bệnh nặng, không có điều kiện chăm sóc mẹ nên ông rước mẹ về ở chung, vẫn chu cấp thường xuyên giúp chị chữa bệnh cho đến khi chị mất. Năm 2001, ông cùng mẹ đến tổ 57, khu vực 6, phường Hưng Lợi ở trọ cho đến nay.

Ông Long nhớ như in cái ngày định mệnh 28-8-2008, mẹ ông từ người bình thường trở nên tàn phế. Sáng nào bà Hai cũng thức sớm tập thể dục. Hôm đó, bà vừa bước xuống giường liền té quỵ, liệt nửa người. Vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán bà bị xuất huyết não. Nằm một tuần, bác sĩ cho xuất viện. Về nhà thấy không ổn, ông tiếp tục đưa mẹ vào Bệnh viện Y học dân tộc Cần Thơ điều trị. Trong những ngày mẹ nằm viện, ông Long xin cơm từ thiện ăn, để dành tiền lo cho mẹ. Biết hoàn cảnh của ông, các bệnh viện ngoài việc miễn nhiều khoản tiền thuốc cho mẹ ông, còn giới thiệu một số nhà hảo tâm đến tặng quà, giúp đỡ.

Hơn một tháng, bà Hai nằm ở Bệnh viện Y học dân tộc Cần Thơ, mới xuất viện tuần rồi. Đến nay, bà vẫn còn đau nhức nhiều, bác sĩ nói nếu châm cứu liên tục sẽ đỡ và có khả năng phục hồi phần nào. Nhưng chi phí một lần châm/ngày khoảng 30.000 đồng, ông Long không kham nổi, đành nuốt nước mắt nhìn mẹ đau đớn. Ông chỉ biết xoa bóp chân tay, kể chuyện cho mẹ nghe, để mẹ quên đi sự đau đớn của bệnh tật. Mấy tháng nay, không đêm nào ông yên giấc vì phải thức canh mẹ. Tờ mờ sáng, ông đã giặt giũ chiếu mền, vệ sinh giường, lau mình cho mẹ, xức thuốc, đút cháo, cho uống thuốc. Bà Hai ăn rất chậm, có khi phun vào mặt ông, vào quần áo của mình rồi cười ngớ ngẩn. Ông Long nhẫn nại lau sạch cho mẹ rồi dỗ ngọt, bón cho mẹ muỗng cháo khác. Ngày nào cũng vậy, tới gần trưa, ông mới ngơi tay lót dạ cho mình bằng gói xôi hay ổ bánh mì không. Tấm lòng thơm thảo, hiếu nghĩa của ông khiến bà con trong tổ ai cũng quý mến. Củ khoai, con cá, lon gạo, vài chục ngàn đồng... được bà con cho, tặng khi thắt ngặt là niềm động viên tinh thần to lớn, giúp ông thêm niềm tin vượt qua nghịch cảnh.

Lớn tuổi nhưng ông Long còn leo dừa, đốn cây, vét mương, khiêng gạo... Xông xáo là vậy, nhưng ông Long vẫn không giấu được sự mệt mỏi trên khuôn mặt, mắt thâm quầng, trũng sâu. Ông cũng thường hay chóng mặt, nhức đầu nhưng chỉ uống vài viên thuốc rồi thôi, không dám đi bác sĩ sợ khám ra bệnh không biết tiền đâu chạy chữa. Ông Long kể, từ ngày mẹ bệnh, số tiền dành dụm ít ỏi đã hết, giờ chỉ sống nhờ vào sự hảo tâm của bà con lối xóm. Chi phí một ngày cho hai mẹ con cũng gần 30.000 đồng, ở không hoài thì tiền đâu trang trải. Mẹ bệnh nặng, ông không thể bỏ đi làm. Nếu tình trạng này kéo dài, hai mẹ con chưa biết ra sao.

Không có hộ khẩu nên gia đình ông Long không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, sổ hộ nghèo, nhưng chính quyền địa phương vẫn quan tâm, giúp đỡ nhiều. Chị Dương Thị Phương Lan, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu vực 6, phường Hưng Lợi, cho biết: “Ông Long sống ở đây lâu năm, tính tình hiền lành, siêng năng, tốt bụng. Đặc biệt, ông rất hiếu thảo với mẹ già, hiếm có người đàn ông nào khéo chăm mẹ như thế. Chúng tôi đã lập được cho ông một hũ gạo tình thương, mỗi tháng tặng ông 10 kg. Hiện gia đình ông đang gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong có thêm nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, để ông có điều kiện chăm sóc mẹ tốt hơn”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết